Sức sống mới nơi xã nông thôn mới vùng biên giới.
Gặt hái "quả ngọt"
Đến với Lóng Phiêng hôm nay, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi sự đổi thay nơi đây. Dọc hai bên đường, những ngôi nhà cao tầng bề thế mọc lên cạnh những vườn nhãn, vườn mận. Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ và ngày càng hoàn thiện. Đời sống vật chất tinh thần của người dân nơi đây ngày một được nâng cao. Tất cả tạo nên một diện mạo mới nơi xã nông thôn mới vùng biên giới.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Thế Quang, Chủ tịch UBND xã Lóng Phiêng cho biết: Lóng Phiêng là xã vùng 3 của huyện Yên Châu. Xã có hơn 3 km đường biên giới giáp với tỉnh Hủa Phăn, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, gồm 10 bản, trên 1.422 hộ, 5.438 nhân khẩu, với 4 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 52% dân số.
Thời gian qua, nhờ thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn trên địa bàn xã thay đổi rõ rệt, từ phát triển sản xuất, kết cấu hạ tầng nông thôn đến cảnh quan môi trường, đặc biệt là đời sống tinh thần, vật chất của người dân đều được nâng lên. Hiện thu nhập bình quân đầu người năm 2024 trên địa bàn xã đạt trên 45 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn hơn 12%. Người dân tích cực thi đua phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đến nay, trên địa bàn xã có trên 17km đường giao thông nông thôn đã được xây dựng; 52,5km đường trục chính nội đồng được bên tông hóa, đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện. Xã xóa được trên 80 nhà tạm với tổng số kinh phí trên 2,86 tỷ đồng.
Công tác khám và điều trị cho bệnh nhân được quan tâm chăm sóc kịp thời…; cơ sở vật chất, trang trang thiết bị dạy và học ở các trường học trên địa bàn được quan tâm đầu tư, sửa chữa nâng cấp; số hộ được dùng nước hợp vệ sinh đạt 100%; 9/10 bản có đường bê tông đến trung tâm bản, 6/10 có đường điện chiếu sáng phục vụ ban đêm…
Cách làm hay nâng cao thu nhập ở xã nông thôn mới
Theo Chủ tịch UBND xã Lóng Phiêng, hiện toàn xã có trên 1.500ha cây ăn quả, trong đó, gần 1.200ha diện tích trồng mận và nhãn. Tổng sản lượng mận đạt 5.690 tấn, nhãn đạt 3.650 tấn. Cây nhãn và mận hậu đang giúp người dân nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu.
Những năm trở lại đây, người dân trên địa bàn xã có những cách làm hay đó là trồng mận hậu rải vụ, nhãn chín muộn…; áp dụng các giống cây trồng mới vào canh tác. Nhờ đó, nhiều hộ dân có thu nhập hàng trăm triệu đồng cho đến vài tỷ đồng mỗi năm.
Anh Đỗ Văn Huấn, bản Yên Thi, xã Lóng Phiêng cho biết, gia đình anh hiện có vườn mận rộng 1ha, với 150 gốc mận hậu. Trước đây, thấy bà con trong bản trồng mận hậu, gia đình anh Huấn cũng trồng theo nhưng sau đó bỏ không để làm công việc khác. Năm 2020, thấy hiệu quả kinh tế của cây mận hậu, gia đình anh Hậu đã tiến hành khôi phục lại vườn mận của mình. Ngoài vụ mận chính, hai năm trở lại đây, anh Hậu đi học hỏi kinh nghiệm trồng mận trái vụ, vừa học hỏi vừa đúc kết kinh nghiệm.
"Năm ngoái, do chưa nắm rõ kỹ thuật chăm sóc mận trái vụ nên tôi chỉ thu được 1 tấn mận. Năm nay, hiện tôi đã thu được 2 tạ mận, dự kiến thu được 2 tấn mận. Với giá bán mận trái vụ hiện đang được thương lái thu mua với giá 90.000 đồng/kg – 100.000 đồng/kg, tôi thu được khoảng 200 triệu đồng. Tính cả chính vụ và trái vụ, tôi thu được khoảng nửa tỷ đồng", anh Huấn cho hay.
Ngoài cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn xã Lóng Phiêng là nhãn và mận hậu, tại bản Pha Cúng, anh Trần Như Kiên đang phát triển mô hình na sầu riêng. Hiện, anh đang trồng 1ha na sầu riêng với 1.000 cây, trong đó có 200 cây đang cho thu hoạch lứa đầu tiên. Anh là người đầu tiên trong bản mạnh dạn đưa giống na sầu riêng về trồng trong bản.
"Với 200 cây na sầu riêng bắt đầu cho thu hoạch, dự kiến năm nay, tôi sẽ thu được khoảng 2 tấn quả. Như giá bán hiện tại là 80.000 đồng/kg, tôi thu về 160 triệu đồng. Theo tính toán, sang năm tôi thu được khoảng 10 tấn quả na sầu riêng, trừ chi phí tôi cũng "đút túi" khoảng 700 triệu đồng", anh Kiên chia sẻ.
Ngoài na sầu riêng, anh Kiên đang trồng gần 400 cây chuối tiêu hồng trên diện tích 5.000m2 để phục vụ Tết Nguyên đán sắp tới. Dự kiến, vườn chuối sẽ có 300 cây cho thu hoạch để để phục vụ người tiêu dùng ở các tỉnh lân cận và Hà Nội dịp Tết. Với giá bán mỗi buồng chuối tiêu hồng rơi vào khoảng 500.000 đồng, vụ tết năm nay anh thu về khoảng 150 triệu đồng.
Có thể thấy, nhờ tư duy nhạy bén và sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp, người dân ở xã biên giới Lóng Phiêng phát triển những mô hình kinh tế, những cách làm hay, giúp nâng cao thu nhập, tạo sự thay đổi rõ rệt đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Qua đó, tạo sự chuyển biến rõ nét trong phát triển kinh tế - xã hội ở xã nông thôn mới vùng biên giới Lóng Phiêng.
.