dd/mm/yyyy

Đánh thức vùng cao Sơn La bằng sản phẩm OCOP

Sơn La hiện có 154 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm đạt OCOP 5 sao, 55 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, 98 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, hơn 200 sản phẩm có tiềm năng trở thành sản phẩm OCOP. Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm đã và đang tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, từ đó giúp bộ mặt nông thôn khởi sắc.

Tại các huyện Mộc Châu, Bắc Yên, Mai Sơn, Yên Châu của tỉnh Sơn La… có điều kiện thuận lợi để phát triển các đặc sản địa phương. Lợi thế về đất đai và con người cũng như điều kiện thiên nhiên đã tạo ra những sản phẩm nông nghiệp đặc sắc. Đến nay, tỉnh Sơn La đã công nhận 154 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP; tiêu biểu là các sản phẩm như trà Tà Xùa, thịt trâu gác bếp, chẩm chéo, cà phê bột nguyên chất, miến dong Làng Chếu, thanh long sấy dẻo, rượu sâm Ngọc Linh Thành Long…

Đánh thức vùng cao Sơn La bằng sản phẩm OCOP - Ảnh 1.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La Lò Minh Hùng thăm gian trưng bày sản phẩm OCOP của nông dân Sơn La. Ảnh: Tuấn Hùng

Hầu hết các xã vùng cao Sơn La đều có đặc sản có thể phát triển thành vùng hàng hóa. Quá trình xây dựng mỗi xã một sản phẩm đã và đang góp phần đánh thức vùng cao Sơn La.

Gắn sao cho sản phẩm nông nghiệp

Sau hơn 10 năm phát triển, Sơn La hiện có 3 sản phẩm từ sâm Ngọc Linh gồm: Cao sâm, rượu sâm và rượu cao sâm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình OCOP, cả 3 sản phẩm này được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Sơn La. Với phương pháp gieo giống bằng hạt có tỷ lệ nảy mầm 100%, đến tháng 7/2022, sâm giống Ngọc Linh được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng đối với sâm Ngọc Linh Sơn La, thời gian bảo hộ 20 năm. Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã cho phép lưu hành giống sâm Ngọc Linh của Sơn La tại các tỉnh phía Bắc.

Ông Nguyễn Chí Long, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư xây dựng Thành Long, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn chia sẻ: Nếu không ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất và chế biến thì ngay cả việc trồng cây Sâm Ngọc Linh ở Sơn La đã thất bại, nói gì đến Cao Sâm Ngọc Linh, đến OCOP 4 sao, 5 sao.

Bằng những kiến thức khoa học công nghệ mới tiếp thu được, ông Long nhanh chóng ứng dụng vào công nghệ chế biến những sản phẩm từ sâm Ngọc Linh: Sâm Ngọc Linh củ tươi, rượu sâm Ngọc Linh, Cao sâm Ngọc Linh, rượu cao sâm Ngọc Linh.

Đánh thức vùng cao Sơn La bằng sản phẩm OCOP - Ảnh 2.

Gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: Tuấn Hùng

Tự hào là trong số 3 sản phẩm được công nhận lại sản phẩm OCOP cấp quốc gia năm 2024, tỉnh Sơn La có sản phẩm cà phê bột nguyên chất của HTX Cà phê Bích Thao. Ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc HTX cà phê Bích Thao, xã Hua La, thành phố Sơn La luôn trăn trở, làm sao để cà phê có đầu ra ổn định và nâng được giá trị cà phê Sơn La. Năm 2017, ông Thao liên kết các hộ trồng cà phê bản Hoàng Văn Thụ thành lập HTX cà phê Bích Thao và được tín nhiệm bầu làm Giám đốc HTX với 11 thành viên, quy mô 50 ha cà phê. Cũng trong năm này, HTX cà phê Bích Thao là 1 trong 6 đơn vị được Sở Khoa học và Công nghệ cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Sơn La. Các sản phẩm được bảo hộ gồm: Cà phê nhân, cà phê hạt rang và cà phê bột.

Ngay từ khi thành lập, HTX đã đưa vào sản xuất giống mới và tập trung phát triển dòng cà phê hữu cơ, cà phê đặc sản. Đến nay, HTX đã trồng được 150 ha cà phê đặc sản. Đồng thời, đầu tư hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ. HTX có những sản phẩm chất lượng cao, như: cà phê bột nguyên chất, trà quả cà phê... chinh phục được thị trường khó tính. Cà phê bột nguyên chất của HTX Cà phê Bích Thao là sản phẩm duy nhất của tỉnh Sơn La thuộc top 20 sản phẩm OCOP 5 sao cấp Quốc gia năm 2021.

Mỗi sản phẩm đặc sản của tỉnh Sơn La được công nhận và xếp hạng OCOP cấp tỉnh đã mở ra cơ hội với các vùng sản xuất nông sản. Đây cũng là cơ hội để người nông dân quảng bá, đưa sản phẩm đi tiêu thụ trong hệ thống siêu thị cũng như hướng tới xuất khẩu.

Đánh thức vùng cao Sơn La bằng sản phẩm OCOP - Ảnh 3.

Tỉnh Sơn La tập trung phát triển sản phẩm OCOP chất lượng cao, đáp ứng được tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường trong và ngoài nước về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Văn Ngọc

Tăng cường quảng bá và tiêu thụ sản phẩm

Hiện nay, toàn tỉnh Sơn La có trên 80 nghìn ha cây ăn quả, mỗi năm sản xuất ra cả chục vạn tấn hoa quả các loại. Hiện ở tỉnh Sơn La cũng đã xây dựng 2 nhà máy chế biến các sản phẩm nông nghiệp được xây dựng ở huyện Mai Sơn và Vân Hồ. Được biết các nhà máy này đang hoàn thiện công nghệ chế biến sâu về hoa quả. Hy vọng đây sẽ "cú đấm thép" giúp bà con tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Đánh thức vùng cao Sơn La bằng sản phẩm OCOP - Ảnh 4.

Tỉnh Sơn La hiện có 154 sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó có 1 sản phẩm 5 sao, 55 sản phẩm 4 sao... Ảnh: Tuấn Hùng

Phát triển sản phẩm chất lượng, đạt tiêu chuẩn là cần thiết, nhưng hơn bao giờ hết, người nông dân cần nhất là phải bán được sản phẩm và được giá. Trong những gần đây, một số mặt hàng của Sơn La đã xuất khẩu được như xoài, nhãn Sông Mã, chè Mộc Châu, trà Tà Xùa... Đây là tin vui đối với người nông dân ở vùng cao Sơn La.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là một trong những chương trình trọng tâm đang được tỉnh Sơn La triển khai thực hiện nhằm thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và tăng giá trị. Ðây cũng là giải pháp đang được Sơn La gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 theo hướng hiệu quả, thiết thực và bền vững…

Đánh thức vùng cao Sơn La bằng sản phẩm OCOP - Ảnh 5.

Sản phẩm OCOP của tỉnh Sơn La được khách hàng ưa chuộng và tin dùng. Ảnh: Văn Ngọc

Tỉnh Sơn La hiện có hơn 200 sản phẩm nông nghiệp lợi thế có giá trị kinh tế và thương mại cao, có thể phát triển thành các sản phẩm OCOP là những sản phẩm mang tính đặc hữu vùng miền của Sơn La khá phong phú về chủng loại, bao gồm 5 nhóm chính: Thực phẩm; đồ uống; thảo dược; lưu niệm; dịch vụ, du lịch nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh có 154 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm đạt 5 sao; 55 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 98 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP đã góp phần tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân trên địa bàn. Góp phần quan trọng vào mục tiêu chung xây dựng Chương trình nông thôn mới.

Để giúp các hợp tác xã, hộ nông dân tiêu thụ sản phẩm, tỉnh Sơn La đã xây dựng 11 điểm giới thiệu các sản phẩm OCOP tại các huyện Mộc Châu, Quỳnh Nhai, Thuận Châu, thành phố Sơn La, Mai Sơn và đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử nhằm quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh. Ngoài ra, hàng năm tỉnh Sơn La cũng tổ chức quảng bá sản phẩm nông nghiệp tại thị trường tiêu thụ lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cùng các hội chợ thương mại khác.

Đánh thức vùng cao Sơn La bằng sản phẩm OCOP - Ảnh 6.

Sơn La là vựa nông sản của khu vực Tây Bắc, hiện nay có hơn 200 sản phẩm chủ lực có tiềm năng đạt OCOP. Ảnh: Tuấn Hùng

Tiềm năng về sản xuất các mặt hàng nông sản của Sơn La là rất lớn, vậy làm sao thúc đẩy và biến tiềm năng này thành hiện thực là bài toán đang được các cấp chính quyền tỉnh Sơn La đưa ra nhiều giải pháp để tạo bước đột phá. Vấn đề quy hoạch vùng trồng là vô cùng cần thiết. Căn cứ vào nhu cầu của thị trường, liên kết doanh nghiệp – nông dân – nhà phân phối đang từng bước có sự phối hợp chặt chẽ. Các địa phương tăng cường các hoạt động cụ thể và thiết thực như: Quản lý chặt chẽ về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và quy trình sản xuất mới, nhờ đó, những năm qua, tỉnh Sơn La xây dựng thành công nhiều sản phẩm nông nghiệp đảm bảo chất lượng, an toàn sản phẩm cũng như sản lượng.

Để giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, UBND tỉnh Sơn La đã thực hiện nhiều chương trình xúc tiến thương mại; xây dựng cửa hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP và tăng cường tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ quản lý, năng lực sản xuất cho các chủ thể, cũng như cán bộ thực hiện chương trình OCOP các cấp. Tỉnh Sơn La cũng tập trung phát triển sản phẩm OCOP chất lượng cao, đáp ứng được tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường trong và ngoài nước về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm, dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, mã số, mã vạch và nhãn hiệu hàng hoá...

Tuấn Hùng