Hơn nữa, nó còn được đóng mác nông sản của huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai nên nhiều người cảm thấy yên tâm khi sử dụng. Tuy nhiên, sự thực có phải như vậy?
Bày bán tràn lan
Qua khảo sát của phóng viên, hai loại trái cây này được bày bán khá phổ biến tại nhiều nơi ở Hà Nội, trên những gánh hàng rong và tại các sạp bán hoa quả trên trục được Nguyễn Xiển, Lê Văn Lương, Tố Hữu...
Được quảng cáo là “đào tiên”, một trái đào to có thể lên tới 600 - 700gr, ít lông, khi ăn có vị ngọt đậm. Giá bán từ 50.000 - 80.000đồng/kg. Người bán cho biết, loại đào này có xuất xứ từ Sa Pa, mỗi năm chỉ vài tháng có trái nên ít khi xuất hiện trên thị trường. Khi mua về, nếu bảo quản trong tủ lạnh có thể giữ được 5-6 ngày mà không bị hỏng. Hình thức đẹp, ăn khá ngon lại có mác Sa Pa nên loại đào này đang bán rất chạy.
Cũng theo người bán, trái đào tiên đặc sản của tỉnh Lào Cai không được canh tác rộng rãi mà chỉ trồng thử nghiệm ở một số địa phương. “Do vị khá ngon nên thời gian gần đây có nhiều người mua. Tôi chỉ bán thêm khoảng một tuần nữa là nghỉ vì cũng sắp hết mùa rồi", người bán cho biết.
Chủ xe đẩy bán đào khẳng định đây là nông sản Sa Pa.
Một loại trái khác cũng đóng mác Sa Pa là mận tím, giá dao động từ 50.000 - 120.000 đồng/kg tùy theo lớn nhỏ, mẫu mã và độ tươi ngon. Theo anh Vĩnh, một người bán mận tím "khổng lồ" cho biết: "Mận này bán không chạy hàng. Trời lại hay mưa nên khách vắng lắm. Hàng cũng dễ hỏng, xấu mã hơn". Khi hỏi về nguồn gốc của mận, anh Vĩnh khẳng định đây là nông sản của Sa Pa, ăn rất thơm và ngọt. Tuy nhiên, thực tế loại mận này không được ngọt như quảng cáo mà có vị chua, hơi chát.
Khi được hỏi về sự dao động về giá, hầu hết người bán đều không giải thích được ngoài lí do rằng hàng “đẹp” mã và hàng đã để lâu thì sẽ có giá chênh lệch nhau khá lớn. Một số người cho biết, khi càng vào mùa thì mận và đào “khổng lồ” được nhập về càng nhiều nên có những sạp hàng phải bán đi với giá rẻ để nhập hàng mới. Cũng vì thế nên mới xuất hiện tình trạng giá cả dao động giữa các sạp hàng, gánh hàng rong lại chênh lệch đến như vậy.
Và không chỉ Hà Nội, tại một số tỉnh lân cận như Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc cũng xuất hiện rất nhiều loại hoa quả “khổng lồ” này. Thậm chí, tại các tỉnh này, số lượng bán ra còn nhiều hơn so với Hà Nội bởi tâm lý e ngại hoa quả Trung Quốc không lớn. Theo như khảo sát, mận và đào “khổng lồ” còn được bày bán rất nhiều tại các chợ ở TP Hồ Chí Minh, chỉ khác một điều là nó được quảng cáo với cái tên “mận, đào Hà Nội”.
Theo đó, tại một số chợ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là các chợ chuyên doanh thực phẩm Bắc, như chợ Căn cứ 26A (Phan Văn Trị, quận Gò Vấp), nhiều sạp và xe đẩy rao bán loại mận Hà Nội này. Giá bán tại đây dao động từ 30.000 - 70.000 đồng/kg. Thậm chí, có một số xe đẩy bán “mận Hà Nội” với giá chỉ… 10.000 đồng/kg. Với giá rẻ như cho, nhiều người đã đổ xô đến mua nhưng về ăn không được vì mận bị nhũn, thâm đen, ruột bị ủng.
Quả đào “khổng lồ” nặng gần 1kg.
Phản ứng của người dân
Như đã nói trên, hai loại hoa quả “khổng lồ” này được rất nhiều người đón nhận, không phải tại chất lượng và vị ngon, chỉ đơn giản là vì mẫu mã. Theo chị Lý (huyện Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, gia đình chị mới mua về 3kg đào và 2kg mận “khổng lồ” để thắp hương ngày rằm, tuy nhiên chỉ có đào ăn được còn mận chỉ sau vài ngày đã có dấu hiệu bị hỏng, thối.
Chị Lý cho biết: “Đào có vị ngọt, khá thơm ngon, tuy nhiên không giòn như một số loại đào Mộc Châu. Còn mận tím thì có vị chua, hơi chát rất khó ăn. Gia đình tôi cũng chỉ mới ăn được hai quả, còn lại phải vứt đi vì chỉ sau vài ngày để tủ lạnh, quả đã bị hỏng và nhũn”.
Cũng giống như chị Lý, chỉ vì thấy mẫu mã đẹp nên chị Nhung (Cầu Giấy, Hà Nội) đã mua về 5kg mận “khổng lồ” để ăn dần. Tuy nhiên, chỉ ăn được vài quả, chị Nhung đã phải bỏ hết đi vì chất lượng loại quả này không được tốt, dễ xuống mã.
Ngoài ra, cũng có một số ít người tỏ ra đề phòng, không muốn mua hai loại quả “khổng lồ” này vì lo ngại rằng đây là hoa quả Trung Quốc. Họ cho rằng, từ trước đến nay đã nhiều vụ việc tương tự như vậy xảy ra, các sạp hàng rong đều dùng mác hoa quả Sa Pa, Mộc Châu hay các tỉnh miền núi tương tự để quảng bá sản phẩm, nhưng thực chất đều là hoa quả được nhập từ Trung Quốc, sử dụng nhiều chất bảo quản gây hại cho người sử dụng.
Đem sự nghi ngờ này hỏi anh Hùng, chủ một xe bán đào, mận “khổng lồ” trên đại lộ Thăng Long, anh này cho biết: “Tôi khẳng định đây là nông sản Sa Pa, vì tầm này mới đến mùa nên hoa quả bắt đầu về, chỉ qua tháng này thì chẳng còn mà bán vì sản lượng trên đó rất ít. Nhiều người vẫn lo ngại hoa quả Trung Quốc nên thấy món gì lạ đều cho là xuất xứ Trung Quốc hết”.
Anh Hùng cũng cho biết, vì lo ngại bị hiểu nhầm là hoa quả của Trung Quốc nên những người bán phải dùng đủ chiêu trò để câu kéo khách, giống như việc viết to chữ Sa Pa hay viết giá tiền rất to, còn số ½kg lại nhỏ để nhiều người hiểu nhầm về giá và ghé lại mua.
Một xe bán loại mận, đào “khổng lồ”.
Để xác minh nguồn gốc của hai loại trái cây đang gây xôn xao nói trên, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai. Ông Tuấn khẳng định, đào và mận Sa Pa đã hết mùa. Hơn nữa, điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của Lào Cai không phù hợp nên dù vào mùa cũng không đủ số lượng để cung cấp cho thị trường khác.
"Mùa đào ở Sa Pa thường bắt đầu từ cuối tháng 4 và kết thúc vào cuối tháng 7. Thời điểm này, các chủ vườn đã thu hoạch và bán xong trước đây nửa tháng. Hiện tại, đào của Lào Cai cũng đã hết vụ. Các loại đào và mận "khổng lồ" bán trên thị trường hiện nay chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc”, ông Tuấn cho biết.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho rằng, không phải cứ trái cây Trung Quốc là không đảm bảo.
"Nhiều trường hợp, để nhập hoa quả về Việt Nam nhưng vẫn giữ được vị tươi ngon, chính thương lái người Việt lại sử dụng nhiều chất bảo quản khác nhau cho vào trái cây. Vì thế, người mua nên lựa chọn các cơ sở uy tín, có chứng nhận và cần phải tìm hiểu kỹ xuất xứ, nguồn gốc của mặt hàng", ông Tuấn khuyến cáo.
Còn tại thị trường TP Hồ Chí Minh, theo một nhà buôn tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho biết, thời điểm này, mận Hà Nội không còn về chợ nữa vì đã hết mùa. Mận nhập chợ hiện có hai loại là mận đen và mận đỏ, xuất xứ Trung Quốc. Giá sỉ: 27.000 đồng/kg mận đen, 28.000 đồng/kg mận đỏ.
Mận “khổng lồ” thực chất là mận Trung Quốc.
Như vậy, thị trường hiện nay hoàn toàn không còn mận hậu Hà Nội hay mận Sa Pa, Mộc Châu mà phần lớn là mận Trung Quốc. Và so với giá sỉ, giá bán lẻ mận Trung Quốc “đội lốt” mận Hà Nội có giá cao gấp hai, ba lần. Cũng nhờ “đội lốt” như vậy, nhiều người không biết nên mới mua với số lượng lớn mặc dù chưa rõ chất lượng của loại hoa quả này thế nào.
Riêng một số ít chợ chuyên bán hàng Bắc còn bán loại mận cơm (Hà Nội) trái nhỏ, vỏ màu xanh xen đỏ nhạt, giá 60.000 đồng/kg. Theo chủ quầy bán trái cây chợ Căn Cứ 26A cho biết: “Hiện nay đã hết mùa mận nên mận Hà Nội này chỉ còn sót lại một ít, người nhà gửi một ít vào bán, chứ lấy ở chợ đầu mối không có hàng. Mận Hà Nội thường ra hoa vào dịp đầu năm, kết trái tầm tháng 4, 5, 6 và hết mùa vào khoảng cuối tháng 7. Vì vậy, những loại mận bán ngoài thị trường sau thời gian này đều là mận Trung Quốc”.
Chị này cũng chia sẻ kinh nghiệm về việc chọn nông sản rằng, người tiêu dùng có thể dựa vào một số đặc điểm khác nhau để tránh mua nhầm mận Trung Quốc. Chẳng hạn, mận Hà Nội kích cỡ nhỏ, không đều, ngoại hình không đẹp, thường có lớp phấn trắng bên ngoài, khi chín có màu đỏ sậm. Còn mận Trung Quốc quả to, đẹp, ít khi có lớp phấn ngoài vỏ, có màu vàng nhẹ hoặc tím bầm đen. Mận Hà Nội có vị hơi chua, thanh, khi chín thì ruột ngọt nhưng phần vỏ vẫn hơi chua nhẹ. Mận Trung Quốc ăn ngọt, ruột mềm, nhũn hơn, khi để tủ lạnh thường bị nẫu ruột, ăn nhạt và không ngon.