dd/mm/yyyy

Sơn La đưa nông sản vươn ra thế giới

Tuy chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh song tổng giá trị xuất khẩu nông sản của tỉnh Sơn La đạt hơn 68 triệu USD trong năm 2017. Đó là cơ sở để tỉnh này phấn đấu đạt hơn 80 triệu USD trong năm 2018.

Tiềm năng, lợi thế

Nằm ở địa đầu Tây Bắc của Tổ quốc, tỉnh Sơn La có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa với quy mô lớn. Đất đai rộng lớn, màu mỡ, khí hậu mát mẻ, mặt hồ thủy điện Sơn La mênh mông... trở thành những lợi thế riêng mà không phải địa phương nào cũng có được. Với mỗi huyện, thành phố trong tỉnh lại mang những nét đặc trưng riêng về khí hậu, tạo thành các tiểu vùng khí hậu khác nhau, phù hợp với phát triển nhiều loại cây trồng, nhiều nông sản đặc sản.

Cà phê là một trong những cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế ở Sơn La.
Cà phê là một trong những cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế ở Sơn La.

Điển hình như ở cao nguyên Mộc Châu, với khí hậu cận ôn đới, quanh năm mát mẻ, thích hợp với phát triển hoa và rau màu các loại. Thực tế đã chứng minh, nhiều vùng chuyên canh rau màu, vườn hoa mọc lên “như nấm sau mưa” trên cao nguyên Mộc Châu. Mỗi ngày có hàng vạn cành hoa, mỗi tháng có đến cả chục tấn rau màu từ Mộc Châu chuyển về các tỉnh, thành phố tiêu thụ. Mộc Châu còn được biết đến với đặc sản mận hậu, chè Shan Tuyết thơm ngon nức tiếng...

Còn với cao nguyên Nà Sản, nằm ở độ cao trung bình 800 m so với mực nước biển, đất đai phì nhiêu thuận lợi để phát triển cây mía, cà phê, sắn, ngô và các loại cây ăn quả như xoài, nhãn, na...

Chanh leo là một trong những nông sản của Sơn La được xuất khẩu trong năm 2017.
Chanh leo là một trong những nông sản của Sơn La được xuất khẩu trong năm 2017.

Những năm qua, để xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu, tự cung, tự cấp cũng như khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về đất đai, khí hậu, tỉnh Sơn La đã có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân chuyển đổi cây trồng trên đất dốc, sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Cùng với đó là chính sách khuyến khích thành lập hợp tác xã, thu hút doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, mở ra cơ hội nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân...

Xoài Sơn La đã được xuất khẩu sang thị trường Úc.
Xoài Sơn La đã được xuất khẩu sang thị trường Úc.

Ông Hà Quyết Nghị - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La, cho biết: Với những vùng đất có đặc trưng sinh thái khác nhau, tỉnh Sơn La đã tập trung đẩy mạnh chương trình phát triển các loại cây công nghiệp, cây ăn quả, rau, hoa, trồng rừng, cây dược liệu... gắn với phát triển các cơ sở công nghiệp chế biến tham gia vào thị trường trong nước và xuất khẩu.

“Từ những chính sách ưu đãi của tỉnh, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư vào Sơn la trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao. Hiện tỉnh Sơn La có 111 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp; 210 hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều tập đoàn kinh tế lớn đã tiến hành khảo sát và đầu tư liên kết với các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hộ gia đình để đầu tư sản xuất, hình thành chuỗi chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đây là tín hiệu đáng mừng, đánh dấu sự khởi sắc trong sản xuất nông nghiệp ở Sơn La...”, ông Nghị nhấn mạnh.

Đưa nông sản Sơn La vươn ra thế giới

Năm 2017 đánh dấu bước phát triển vượt bậc trong sản xuất nông nghiệp ở Sơn La. Nhiều nông sản đặc sản mang tính chất vùng miền đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý như: Xoài Yên Châu; rau an toàn và chè Shan Tuyết Mộc Châu. Nhiều sản phẩm nông nghiệp được cấp nhãn hiệu chứng nhận như: Cam Phù Yên, mật ong Sơn La, chè Tà Xùa...

Điểm nổi bật nữa là trong năm 2017, nhiều nông sản trong tỉnh xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính tăng cả về số lượng và chất lượng. Tổng giá trị xuất khẩu nông sản của tỉnh Sơn La trong năm 2017 đạt hơn 68 triệu USD. Một số nông sản mới như xoài, nhãn, chanh leo... cũng đã được xuất khẩu ra thế giới, đến với những thị trường khó tính. Tuy mới chỉ xuất khẩu được 5 tấn xoài sang Úc, 5 tấn chanh leo sang Pháp và 2,6 tấn nhãn chào hàng tại thị trường Úc... Song đây cũng là dấu hiệu đáng mừng, mở ra cơ hội cho nông sản Sơn La ra với thị trường thế giới...

Sơn La hiện có hơn 4.000 ha mận hậu. Dự kiến xuất khẩu 1.000 tấn mận hậu sang Trung Quốc.
Sơn La hiện có hơn 4.000 ha mận hậu. Dự kiến xuất khẩu 1.000 tấn mận hậu sang Trung Quốc.

Trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương cũng như những dấu hiệu vui về xuất khẩu nông sản trong năm 2017, tỉnh Sơn La đã xây dựng kế hoạch xuất khẩu nông sản trong năm 2018, với những chỉ tiêu cụ thể và với quyết tâm cao. Theo đó, năm 2018, tỉnh Sơn La phấn đấu giá trị hàng hóa nông sản xuất khẩu đạt hơn 80 triệu USD, tập trung vào 12 sản phẩm như: Xoài, nhãn, chanh leo, chuối, mận hậu, rau các loại, cà phê nhân, chè, quả bơ, mật ong, tinh bột sắn, đường.

Ông Hoàng Văn Chất – Bí thư Tỉnh ủy Sơn La cho biết: Tỉnh Sơn La sẽ sớm thành lập Ban chỉ đạo xuất khẩu nông sản. Thay vì hỗ trợ nông dân sản xuất như trước đây, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ đối với khâu chế biến, xuất khẩu. Các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh cần tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức coi trọng chất lượng sản phẩm nông nghiệp của người dân.

Tỉnh Sơn La xác định tiếp tục đồng hành với các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất, chế biến, bảo quản, xuất khẩu nông sản...

Để hoàn thành kế hoạch xuất khẩu nông sản năm 2018, tỉnh Sơn La đã xây dựng các giải pháp đồng bộ như: Quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung, tiếp tục lựa chọn các loại cây ăn quả, rau có tiềm năng, lợi thế; xây dựng đề án và tổ chức triển khai mô hình sản xuất, thu hái, bảo quản các loại quả và sản phẩm trong định hướng xuất khẩu; tiếp tục hoàn thiện các chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng, chế biến và tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước và tham gia xuất khẩu...
Văn Chiến