dd/mm/yyyy

Sau bão, nghề nuôi tôm hùm ở Khánh Hòa gượng dậy làm lại từ đầu

Trở lại vùng nuôi tôm hùm ở huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) chúng tôi chứng kiến mọi thứ nơi đây vẫn còn khá bề bộn. Người dân đang tất bật với công việc thu dọn các phuy nhựa, gỗ bè...

Người dân đang tất bật với công việc thu dọn các phuy nhựa, gỗ bè bị bão đánh tan, cố gắng khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, với mức thiệt hại nặng nề mà họ vừa gánh chịu thì chuyện khắc phục hậu quả sẽ mất một thời gian tương đối dài nữa.

Người dân cố gắng thu mua lại thanh gỗ của lồng bè, phuy nhựa bị bão đánh để đóng mới lại. Ảnh: Mai Phương
Người dân cố gắng thu mua lại thanh gỗ của lồng bè, phuy nhựa bị bão đánh để đóng mới lại. Ảnh: Mai Phương

Trong lúc này, người dân đang rất cần những chính sách hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp ngành để sớm ổn định đời song, sản xuất, kinh doanh.

Làm lại từ đầu nghề nuôi tôm hùm sau bão

12.400 lồng bè và trên 3.880 tỷ đồng là con số thiệt hại về nghề nuôi tôm hùm mà huyện Vạn Ninh thống kê được trên địa bàn. Hầu hết toàn bộ cơ sở vật chất phục vụ cho nghề nuôi loại hải sản này như lồng bè, phuy nhựa, lều trại... của các hộ nuôi đều bị bão đánh tan tành, trôi dạt khắp nơi. Ghi nhận tại cảng cá Vạn Giá (Vạn Ninh) mỗi ngày có hàng trăm chiếc thuyền của ngư dân ra vào để vớt những thanh gỗ bè, phuy nhựa về bán lại cho những hộ nuôi tôm hùm đóng lại bè mới.

Gặp chúng tôi, anh Nguyễn Minh Tân (Vạn Thắng, Vạn Ninh) than thở: “Thiên tai mà, ai cũng thiệt hại cả. Giờ có ngồi buồn, tiếc nuối cũng chẳng được ích gì, phải chấp nhận và bắt đầu lại từ đầu thôi. Mấy ngày qua gia đình cố gắng kiếm lại các tài sản trên lồng bè, đóng mới và thả nuôi lại”.

Cơn bão vừa qua, gia đình anh Tân bị thiệt hại 12 lồng bè với giá trị gần 500 triệu đồng. Để thu lại các vật liệu cho việc đóng lại lồng bè mới, mỗi chuyến anh Tân phải trả cho các chủ tàu cá thu gom 1,5 triệu đồng. Qua quan sát thì mỗi chuyến tàu cá như thế chỉ có thể chở được từ 40 - 50 thanh gỗ và 6-7 phuy nhựa. Theo ước tính của anh Tân, để làm lại số lồng bè đã mất, gia đình anh phải mất thêm gần 300 triệu đồng nữa.

“Gom được gì thì mình lấy cái đó. Có một số thứ bị hư hỏng rồi phải cố gắng tận dụng lại. Với tình hình hiện nay thì chắc nhà tôi phải mất khoảng 1 tháng nữa mới có thể đóng lại được lồng bè mới”, anh Tân nói.

Công tác khắc phục hậu quả sau bão của người nuôi tôm hùm ở Vạn Ninh đang diễn ra khá tất bật. Ảnh: Mai Phương
Công tác khắc phục hậu quả sau bão của người nuôi tôm hùm ở Vạn Ninh đang diễn ra khá tất bật. Ảnh: Mai Phương

Cũng giống như gia đình anh Tân, cơn bão số 12 khiến gia đình ông Lương Văn Mãn (Vạn Giã, Vạn Ninh) mất hơn 100 lồng bè, thiệt hại khoảng 3 tỷ đồng. Sau bão, ông cũng lái thuyền ra biển thu gom các phuy nhựa, thanh gỗ bè để về đóng mới, tái sản xuất.

“Thu gom thế thôi chứ đáng bao nhiêu đâu. Tính ra thì chỉ thu lại được 1% so với số tài sản đã mất. Dù vậy, chừng đó cũng có được chút cơ sở để có thể bắt đầu sản xuất, nuôi trồng lại”, ông Mãn cho biết.

Cần tạo điều kiện cho người dân tái sản xuất

Tại Đầm Môn (Vạn Thạnh, Vạn Ninh), người nuôi tôm hùm cũng thiệt hại nặng nề. Theo ông Nguyễn Thành Thênh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Thạnh thì các lồng bè nuôi tôm hùm ở đây đều bị gió bão đánh hư hỏng 100%.

“Người ít mất vài trăm triệu đồng, người nhiều đến vài chục tỷ. Hiện nay, người dân rất khó khăn, đa số các hộ nuôi đều mất trắng, không đủ tiền để thu mua lại nguyên vật liệu để đóng mới lồng bè. Phải mất khoảng 5 tháng đến 1 năm nữa, địa phương mới có thể ổn định sản xuất, nuôi trồng trở lại”, ông Thênh đánh giá.

Anh Võ Văn Nghĩa (Đầm Môn, Vạn Thạnh) cho biết, cơn bão vừa qua gia đình anh có 16 lồng bè nuôi tôm hùm đều bị mất sạch. Số tiền hơn 300 triệu đồng mà gia đình vay mượn để đầu tư vào các ô lồng nuôi tôm này giờ không còn lại gì.

“Giờ trắng tay rồi, ngay cả ngôi nhà bị tốc mái cũng nhờ người thân cho tiền mới mua được tôn để lợp chứ tiền đâu ra mà mua vật liệu làm lồng bè mới. Giờ bão qua rồi cũng muốn tái sản xuất nhưng không biết lấy vốn đâu ra. Thế nên, chúng tôi rất mong muốn chính quyền cũng như ngân hàng tạo điều kiện cho dân vay vốn để làm lại lồng bè và mua giống mới về nuôi”, anh Nghĩa bộc bạch.

Người dân rất cần những chính sách hỗ trợ để khôi phục lại sản xuất sau bão. Ảnh: Mai Phương
Người dân rất cần những chính sách hỗ trợ để khôi phục lại sản xuất sau bão. Ảnh: Mai Phương

Chia sẻ những khó khăn của người dân trên địa bàn, ông Nguyễn Ngọc Ý, Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cho biết, phía huyện đã có kiến nghị lên UBND tỉnh, Ngân hàng Nhà nước tỉnh có các chính sách khoanh nợ, giãn nợ và cho vay lại đối với các hộ dân bị thiệt hại.

“UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Khánh Hòa. Trong đó đề nghị các tổ chức tín dụng hướng dẫn người dân các quy định để được xét miễn, giảm, cơ cấu lại giãn nợ, chậm trả lãi vay cho các loại nợ, khoanh nợ...”, ông Ý nói.

Theo ông Võ Hoàn Hải, Bí thư Huyện ủy Vạn Ninh, ngư dân đang rơi vào tình cảnh khốn đốn, những hộ ít thì thiệt hại vài trăm triệu, hộ nhiều đến vài chục tỷ.

Huyện Vạn Ninh đang chỉ đạo toàn bộ hệ thống chính quyền tích cực hỗ trợ giúp người dân khắc phục sau bão. Đối với các hộ nuôi tôm hùm, huyện đang chỉ đạo kiểm đếm, thống kê cụ thể các trường hợp thiệt hại. Đồng thời sẽ làm việc với các ngân hàng, đề nghị các ngân hàng có kế hoạch khoanh nợ, giãn nợ giúp dân. “Với số lượng lồng bè thiệt hại như trên, vựa tôm hùm Vạn Ninh gần như xóa sổ. Rất khó để phục hồi được trong thời gian tới do đó ngư dân rất cần tỉnh và bộ ngành trung ương có kế hoạch, chính sách hỗ trợ ngư dân tái sản xuất”, ông Hải nói. (M.Phương)

Ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết, sau khi bão vừa tan ngành thủy sản Khánh Hòa đã nhanh chóng triển khai những giải pháp ban đầu khắc phục hậu quả. Trong vấn đề nuôi trồng thủy sản, Chi cục chỉ đạo các trạm bám cơ sở cùng dân khắc phục hậu quả, nắm bắt và cập nhập số liệu...

Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho hay, hiện Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo cho các ngân hàng về kế hoạch giãn nợ, khoanh nợ. Tuy nhiên đối với kiến nghị cho vay, Tổng cục Thủy sản sẽ tiếp tục bổ sung kiến nghị với Chính phủ. Đối với vấn đề hỗ trợ thiệt hại cho người dân, ông Luân đề nghị ngành thủy sản tỉnh tiếp tục rà soát, thống kê đẩy đủ và chính xác ngay để có căn cứ. Còn các lồng bè nuôi chưa bị hư hỏng nên hướng dẫn người nuôi nhanh chóng khôi phục lại sản xuất. Đối với tàu thuyền bị chìm cần tập hợp bà con lại để trục vớt, sau đó sẽ bàn giải pháp xử lý.

Ông Nguyễn Hoài Chiều, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Khánh Hòa: "Nếu các tổ chức tín dụng chỉ giãn nợ, giảm lãi suất thì khó mà giúp đỡ cho doanh nghiệp và người dân vực dậy được. Tới đây, chúng tôi sẽ triệu tập các ngân hàng lại để lấy ý kiến, tìm phương án giúp đỡ đồng bào. Chúng tôi dự kiến sẽ thống nhất khoanh nợ 5-7 năm cho các cá nhân, tổ chức vay vốn ngân hàng bị thiệt hại. Tuy nhiên, việc khoanh nợ không thuộc thẩm quyền của các tổ chức tín dụng mà phải xin ý kiến của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Chính phủ. Chúng tôi sẽ có tờ trình kiến nghị các giải pháp sau khi bàn bạc thống nhất".

Lê Khánh - Mai Phương