dd/mm/yyyy

"Săn" thực phẩm quê cũng phải tỉnh táo

Việc mua các thực phẩm có gắn mác “quê”, “nhà tự làm”... đang trở thành một xu hướng. Vì suy nghĩ đây là những thực phẩm an toàn, nhiều người sẵn sàng bỏ tiền ra mua với giá cao gấp đôi, gấp ba so với ngoài chợ. Thế nhưng, nhiều loại thực phẩm "gắn mác quê" có thực sự lành?

Thực phẩm quê trải từ nhà ra phố

Bạn tôi, một người chuyên mua sắm ở siêu thị gần đây bỗng dưng thay đổi thói quen mua thực phẩm. Hỏi ra mới biết, trên đường từ chỗ làm về nhà bạn tôi cả tháng nay người ở quê trải đầy thực phẩm rau củ ra bán. Mỗi thứ chỉ một mớ chẳng khác nào chợ quê nhưng loại nào cũng tươi ngon, ăn yên tâm.

Chị hàng xóm tôi ở chung cư cho biết: “Bây giờ trên thành phố, cái gì cũng bẩn độc nên mỗi tuần về quê thăm bố mẹ là vợ chồng tôi lại ra chợ quê mua đồ ăn thức uống mang lên thành phố để ăn dần. Tuần nào không về được thì tôi lại nhờ bố mẹ mua gửi xe lên”.

Sự nở rộ của trào lưu thực phẩm quê, thực phẩm sạch, “nhà tự làm” đã thay đổi thói quen mua sắm của rất nhiều bà nội trợ. Rất nhiều người chọn mua thực phẩm từ quê hoặc nhờ người nhà ở quê cung ứng đồ ăn thức uống lên để tủ lạnh ăn dần. Hầu hết mọi người đều suy nghĩ, cứ đồ quê là sạch là đảm bảo, ăn đồ quê là yên tâm.

“Chất lượng thực phẩm sạch tại nhiều nơi, kể cả các cửa hàng hay siêu thị đều không thể khẳng định sạch hoàn toàn, và tất cả phần nhiều chỉ có thể trông chờ vào lương tâm người trồng mà thôi”. Giáo sư Nguyễn Lân Dũng

Khó xác định được thực phẩm sạch

Mặc dù giá các loại thực phẩm có cao hơn so với thị trường nhưng đổi lại có thực phẩm sạch để dùng đảm bảo sức khỏe nên nhiều người đã không tiếc chi tiền và bỏ công đi mua.

Thực ra, để kiểm chứng những sản phẩm như thế có thực sự sạch hay không đôi khi chính người bán cũng khó xác định được. Người bán có thể không lừa người mua, nhưng đầu mối cung cấp hàng cho người bán ở những vùng quê xa xôi kia có bán hàng sạch thật hay không không phải ai cũng đi tận nơi kiểm chứng.

Chị hàng xóm nhà tôi nghe kể trào lưu săn đồ quê sạch cũng bảo: “Bây giờ vì lợi nhuận, ở quê người ta cũng phun thuốc kích thích cho rau, dùng cám tăng trọng cho gia súc gia cầm đầy. Nhiều người đến tận nhà mua, tin tưởng khi thấy nhà chủ cũng hái rau ở ruộng vào ăn. Nhưng họ đâu biết rằng các gia đình đó cũng có luống rau riêng cho nhà họ ăn”.

Nhiều người cho rằng chất lượng của thực phẩm đều xác định trên lời giới thiệu của người bán. Và cũng chỉ có họ mới trả lời được câu hỏi: liệu thực phẩm đó có đúng là sạch hay không. Trước tình trạng thực phẩm khó phân biệt được chất lượng, xuất xứ thì tâm lý người dân thích chọn đồ quê là tất yếu. Tuy nhiên, cũng từ nhu cầu này đã vô tình tạo ra một số đầu nậu gom hàng trôi nổi rồi gắn mác hàng quê bán giá cao gấp đôi.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng: “Chất lượng thực phẩm sạch tại nhiều nơi, kể cả các cửa hàng hay siêu thị đều không thể khẳng định sạch hoàn toàn, và tất cả phần nhiều chỉ có thể trông chờ vào lương tâm người trồng mà thôi”. Lượng thực phẩm sạch cung cấp ra thị trường thì ít, nhu cầu tiêu dùng lại cao. Người dân quay cuồng trong cơn lốc “thực phẩm sạch”. Hiện nay, nhiều tín đồ của thực phẩm “sạch” cũng đành phó mặc chất lượng sản phẩm cho lương tâm người bán hàng.

Minh Trang