dd/mm/yyyy

Rau quả dư lượng thuốc trừ sâu, khi biết thì đã ăn vào bụng

"Khi phát hiện ra mẫu không đạt chất lượng an toàn thực phẩm thì dân thành phố đã ăn hết rồi. Các cơ quan chức năng cần có phương pháp kiểm tra cho kết quả nhanh hơn...”

Ông Nguyễn Văn Huây, Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối Thủ Đức, chia sẻ như trên về vấn đề kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay.

Việc kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong các mặt hàng rau củ quả khó có thể đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân, nhất là vào dịp Tết. (Ảnh: La Hiên)
Việc kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong các mặt hàng rau củ quả khó có thể đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân, nhất là vào dịp Tết. (Ảnh: La Hiên)

Những ngày cao điểm của mùa Tết, lượng hàng rau củ quả hiện tập trung với số lượng lớn tại các chợ đầu mối. Cùng với đó là nỗi lo về an toàn và chất lượng của các mặt hàng này.

Theo ông Huây, Ban quản lý luôn tăng cường việc kiểm tra chất lượng đầu vào của sản phẩm, nhất là dịp gần Tết. Ban quản lý còn siết cả sổ ghi chép xuất xứ nguồn hàng, chất bảo quản, chất phụ gia ngâm, tẩy trắng trên trái cây hay rau củ quả.

Ngoài việc kiểm tra, chợ cũng phối hợp với Ban quản lý an toàn thực phẩm tiến hành lấy 80 mẫu tại chợ (gồm 50 mẫu rau ăn lá và 30 mẫu trái cây) để kiểm tra nhanh về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật… Trường hợp phát hiện vi phạm sẽ cấm nhập chợ và sử dụng mức xử lý cao nhất nhằm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, ông Huây thừa nhận việc lấy mẫu so với lượng hàng về không thể ngăn chặn, giải quyết triệt để tình trạng dư lượng thuốc trừ sâu trong các mặt hàng ở chợ dù đã tăng lên 20 mẫu/đêm (trước đó chỉ lấy 5 mẫu/đêm) vào dịp Tết.

Được biết hiện nay, các phương pháp xét nghiệm rau củ quả phải mất 5-10 ngày mới có kết quả. Nếu áp dụng phương pháp kiểm tra nhanh thì khoảng vài tiếng đã có kết quả nhưng phương pháp này chỉ giới hạn một số hoạt chất và không là căn cứ để kết luận, xử lý vi phạm người bán mà phải thông qua kết quả kiểm nghiệm. Rau củ quả lại là những mặt hàng có đặc thù là hàng tươi nên cũng không thể giữ hàng khi chưa có kết quả kiểm tra.

"Ngay cả anh em chúng tôi đây, làm việc ban đêm có đói thì ra lề đường ăn hủ tiếu, mình nói đi kiểm tra rau vậy chứ người bán cho ăn rau có sạch hay không cũng không biết. Khi phát hiện ra mẫu không đạt chất lượng thì dân thành phố đã ăn hết rồi. Các cơ quan chức năng cần có phương pháp kiểm tra cho kết quả nhanh hơn”, ông Huây nói.

La Hiên