Bảo tồn gỗ quý lim xanh, duy trì cây dược liệu
Dẫn phóng viên đi tham quan khu vườn, ông Nguyễn Đình Hoa chỉ tay về cánh rừng trồng lim xanh của mình và vui vẻ nói: "Khu rừng lim xanh này đã được khoảng 12 năm tuổi, là tất cả tâm huyết, công sức, tiền của và niềm hy vọng của tôi. Việc trồng thành công giống cây lim xanh tại vườn đồi sau nhà đã giúp tôi thực hiện được mong ước của mình, bảo tồn giống cây gỗ quý, đồng thời duy trì được loại dược liệu quý là nấm lim xanh".
Những năm 2007-2008, ông Hoa bất ngờ khi biết mình bị bệnh viêm gan B. Dù bán hết tài sản để chạy chữa khắp nơi, uống từ thuốc Tây y sang Đông y nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Tuyệt vọng, ông về lại quê nhà tưởng chừng như chờ ngày chết, thì tình cờ được nghe mách bảo rằng uống nước nấu từ loại nấm mọc trên cây lim xanh sẽ chữa được bệnh.
Thế là ông lặn lội vào rừng tìm loài nấm mọc trên cây lim xanh, đem về kiên trì sắc (nấu) thuốc uống. Như được trời thương, ông Hoa dần khỏi hẳn bệnh và giới thiệu, san sẻ lại loài nấm này để nhiều người biết đến công dụng cứu người của nó.
Từ những kết quả đáng mừng ban đầu của mình, ông Nguyễn Đình Hoa mong rằng sẽ khích lệ được người dân xứ Tiên Phước trồng nhiều cây lim xanh hơn. Để qua đó, mọi người cùng chung tay bảo tồn loài cây gỗ quý cho giá trị kinh tế cao, đồng thời gìn giữ được giống nấm lim xanh làm dược liệu quý.
Ông Hoa tâm sự: "Từ khi biết nấm lim xanh là loại nấm quý, những cánh rừng lim xanh ở địa phương vốn đã bị lâm tặc chặt phá trơ trụi, nay lại càng khan hiếm làm tôi lo sợ nguồn nấm trong tự nhiên sẽ cạn kiệt.
Là một người con mang ơn rừng đã cứu mạng, tôi thấy mình cần phải làm điều gì đó có ý nghĩa. Tôi nảy sinh ý định mang cây lim xanh từ rừng về nhà trồng để thu hái nấm sử dụng. Sau này cấy nấm, duy trì giống dược liệu quý làm thuốc trị bệnh cho mọi người".
Nói là làm, ông Hoa đầu tư gần 300 triệu đồng mua 20.000 cây giống lim xanh của Trung tâm Giống cây lâm nghiệp ở huyện Sơn Hà (tỉnh Quảng Ngãi) về nhà trồng, chặt bỏ 8ha cây keo chưa đến tuổi thu hoạch.
Điều này khiến dân làng nghĩ ông may mắn khỏi bệnh nên hóa khùng, bởi xưa nay chưa ai đem cây rừng về nhà trồng. Đặc biệt, cây lim xanh phải trồng hàng chục năm mới có thể lấy gỗ để tạo ra giá trị kinh tế.
Ông Hoa cho hay, thời điểm đó việc làm của ông không được mọi người ủng hộ, nhưng khó khăn nhất là khi cây lim trồng trong vườn sinh trưởng không tốt, bị sâu đục thân chết dần, sâu ăn lá khiến cây hư hại, chậm phát triển.
Để khắc phục điều này, ông thuê người soi đèn bắt sâu, thuê cán bộ kỹ thuật, sử dụng thuốc trừ sâu. Nhờ sự chăm sóc tỉ mỉ, kỹ lưỡng ròng rã nhiều tháng mà vườn cây lim sớm xanh tốt trở lại. Ông Hoa mừng thầm vì dự định của mình đã thành công một nửa, rừng lim xanh đã được tái sinh.
Cơ ngơi bạc tỷ nhờ nấm lim xanh
Nấm lim xanh chỉ mọc trên cây lim đã chết, ưa nơi ẩm thấp, ít ánh sáng và được chia làm 2 loại dựa vào vị trí mọc trên cây lim. Loại 1 là nấm lim xanh mọc ra từ thân cây (chân ngắn 5cm, mũ dày từ 2-5cm), loại 2 là nấm mọc ra từ rễ cây (chân dài từ 10-15cm, mũ mỏng 1-2cm).
Hiện nay, mỗi mét khối gỗ lim có giá dao động từ 20-50 triệu đồng. Với 8ha rừng lim xanh, sau khoảng 10-20 năm nữa, ông Hoa sẽ nắm trong tay tài sản trị giá hàng tỷ đồng.
Ông Hoa bộc bạch: "Tôi mang cây lim xanh về nhà trồng không phải vì mong muốn làm giàu, mà tôi muốn duy trì giống cây lim quý. Từ đó, ươm trồng được loài nấm lim xanh có giá trị dược liệu cao. Tôi vẫn đang thử nghiệm cấy giống nấm lim xanh trên bịch phôi và thân cây lim. Mỗi vụ nấm là một niềm kỳ vọng lớn, với mong muốn duy trì được nguồn dược liệu quý để cứu người, giúp đời. Trong thời gian tới, tôi sẽ xây dựng một mô hình cấy nấm lim xanh ngay tại rừng lim của mình".
Mỗi năm, từ rừng lim xanh, ông Hoa thu hái được khoảng 100kg nấm lim xanh mọc tự nhiên, sau khi trừ mọi chi phí ông thu lợi nhuận hơn 500 triệu đồng. Ngoài ra, từ mô hình trồng chuối và cây ăn quả, ông Hoa có thêm thu nhập 10 triệu đồng/tháng.