Kết thúc năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS của Việt Nam đạt 53,01 tỷ USD, xuất siêu đạt mức kỷ lục 12,07 tỷ USD, tăng 43,7% chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước. Một số mặt hàng xuất khẩu tăng cao kỷ lục như: Hàng rau quả đạt 5,69 tỷ USD, tăng 69,2%, gạo đạt 4,78 tỷ USD, tăng 38,4%).
6 mặt hàng trên 3 tỷ USD, đó là, hàng rau quả đạt 5,69 tỷ USD, tăng 69,2%; Gạo 4,78 tỷ USD, tăng 38,4%; Hạt điều 3,63 tỷ USD, tăng 17,6%; Cà phê 4,18 tỷ USD, tăng 3,1%; Tôm 3,38 tỷ USD, giảm 21,7%; Gỗ và sản phẩm gỗ 13,37 tỷ USD, giảm 16,5%.
Đánh giá về kết quả này, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là về thị trường xuất khẩu lâm sản và thủy sản, song giá trị gia tăng toàn Ngành (GDP) tăng cao, ước đạt 3,83%. "Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm gần đây".
Với chức năng đầu mối thực hiện các nghĩa vụ minh bạch hóa theo yêu cầu của Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật. Nhìn lại năm 2023 và đánh giá về những thay đổi của các thị trường xuất khẩu năm 2024, PV Báo điện tử Dân Việt có cuộc phỏng vấn ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam.
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam trao đổi với PV Báo điện tử Dân Việt về kết quả năm 2023 và nhiệm vụ năm 2024 của Văn phòng SPS Việt Nam. Thực hiện: Minh Ngọc
- Năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS của Việt Nam năm đạt 53,01 tỷ USD, giá trị gia tăng toàn ngành tăng cao, ước đạt 3,83%. Với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng SPS Việt Nam, nhìn lại năm vừa qua ông có đánh giá gì về việc thực thi các Hiệp định về ATTP, an toàn dịch bệnh động thực vật của Việt Nam?
Các con số xuất khẩu, giá trị xuất khẩu thế hiện kết quả sự nỗ lực từ Trung ương, Bộ NNPTNT, chính quyền địa phương, các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp, các mã số vùng trồng được cấp và HTX, điều đó chứng minh giá trị xuất khẩu của chúng ta trong một năm nhiều khó khăn, thể hiện Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của các thị trường.
Tuy nhiên, trong toàn bộ chuỗi, nếu chúng ta kiểm soát không tốt ở một khâu nào đó thì rất dễ bị vi phạm. Đối với thị trường Trung Quốc, trong thời gian vừa qua một số sản phẩm trái cây tươi bị vi phạm, chủ yếu là đối tượng kiểm dịch chứ không phải là sản phẩm trái cây tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bị mất an toàn thực phẩm.
Có hai vấn đề chúng ta cần quan tâm, một là: Vấn đề ATTP, mức dư lượng thuốc BVTV thì đều đảm bảo yêu cầu.
Hai là, đảm bảo sức khỏe động thực vật của quốc gia nhập khẩu chính là đối tượng kiểm dịch thì trong quá trình sơ chế, làm sạch thì sơ xuất, vi phạm quy định này, chúng ta sẽ bị cảnh báo.
Ngoài ra, một số thị trường khác như EU, theo số lượng thống kê của Văn phòng SPS Việt Nam cho thấy số lượng bị cảnh báo không tăng so với các năm trước, chủ yếu vi phạm ở các quy định như: Sự thay đổi kiểm soát mức dư lượng, nếu các vùng nguyên liệu cập nhật không tốt, không có sự điều chỉnh tức thời để phù hợp với quy định cũng rất dẫn đến bị cảnh báo.
Nhìn bức tranh tổng thể có thể khẳng định nông sản, thực phẩm của xuất khẩu của Việt Nam năm 2023 cơ bản đều đáp ứng các quy định của thị trường. Còn câu chuyện cảnh báo vi phạm thì không riêng chỉ Việt Nam, trên thế giới theo thống kê của Văn phòng SPS Việt Nam đến hết tháng 10/2023, riêng khối EU đưa ra trên 6.000 cảnh báo đến các thị trường xuất khẩu, trong đó, có cả cảnh báo nội khối 27 thành viên của EU (chiếm 50%). Trong khi Việt Nam tại thời điểm tháng 10/2023 có 65 cảnh báo, so với 2022 giảm. Như vậy, chúng ta phải đặt câu chuyện cảnh báo trong bối cảnh chung tổng thể của từng quốc gia, từng thị trường nhập khẩu và trong từng cảnh báo chúng ta phải xem xét ở mức độ như thế nào.
- Năm 2023 nông lâm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 12,2 tỷ USD, chiếm 23% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành. Ông có đánh giá gi về thị trường này trong năm vừa qua?
Về xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc thì chúng ta cần phải lưu ý có những khối ngành hàng như sau: Thứ nhất, nhóm nông sản làm thực phẩm gồm: Trái cây tưới, trái cây nhiệt đới và nhóm làm thức ăn chăn nuôi, chế biến sản phẩm công nghiệp...;Thứ hai, nhóm có nguồn gốc động vật gồm: Tổ yến và các sản phẩm từ tổ yến, sữa...; Thứ ba, nhóm đã qua sơ chế, chiến biến (nhóm ngành hàng nông sản làm thực phẩm) gồm: Cà phê rang say và chưa rang, hạt tiêu, gia vị, sấy… Ngoài ra có các sản phẩm phục vụ cho nhóm lâm sản.
Riêng về ngành hàng trái cây thì chúng ta phân ra thành 2 nhóm: Một là, những sản phẩm trái cây xuất khẩu theo hình thức truyền thống chưa ký Nghị định thư mà có thỏa thuận, quy định giữa Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Bộ NNPTNT. Những mặt hàng truyền thống này thì đòi hỏi, yêu cầu về chuẩn hóa chưa cao.
Hai là, những mặt hàng đã được ký Nghị định thư giữa Bộ NNPTNT với Tổng cục Hải quan Trung Quốc như: Chuối tươi, sầu riêng, gần đây nhất là dưa hấu, măng cụt... Đây là những nhóm hàng đã được chuẩn hóa từ mã vùng trồng, cơ sở đóng gói, được cả Tổng Cục Hải quan Trung Quốc và Bộ NNPTNT cấp phép. Trong nhóm ngành hàng này, hai bên đã thống nhất thông qua Nghị định thư với những quy định rất chặt chẽ, ví dụ như: Tuân thủ đảm bảo ATTP của thị trường Trung Quốc ban hành, tuân thủ các đối tượng kiểm dịch (loài sâu hại) phải đảm bảo vệ sinh để khi vận chuyển sang thị trường Trung Quốc không còn tồn tại. Tùy từng loại sản phẩm thì đối tượng kiểm dịch khác nhau, doanh nghiệp cần phải lưu ý những quy định này.
Năm 2023, thị trường Trung Quốc cũng ban hành nhiều quy định mới về nhập khẩu nông sản. Vì vậy, chúng ta phải nhận thức cho đúng, bởi đây là quy định ATTP và an toàn dịch bệnh trong thương mại nông sản khi mà Việt Nam và Trung Quốc đã tham gia tổ chức thương mại thế giới WTO, phải cam kết tham gia thực thi hiệp định về ATTP, an toàn dịch bệnh động thực vật, hay nói cách khác thực thi Hiệp định SPS cả Việt Nam và Trung Quốc đều phải cam kết.
Thứ hai, cả Việt Nam và Trung Quốc đều tham gia Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc, trong đó có những điều khoản quy định về ATTP, an toàn dịch bệnh động thực vật trong thương mại nông sản thì hai bên phải cam kết thực hiện.
Thứ ba, cả Việt Nam và Trung Quốc đều tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, trong đó, có một chương cam kết về ATTP, an toàn dịch bệnh động thực vật mà 2 bên đã đàm phán, thống nhất để thực hiện.
Như vậy, có thể khẳng định hoàn toàn không phải là rào cản kỹ thuật mà khi đàm phán, thống nhất rồi thì đương nhiên khi muốn xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc thì chúng ta cần phải thực hiện đúng các quy định này.
- Thưa ông, vậy trái cây Việt Nam muốn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cần đáp ứng yêu cầu về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói ra sao?
Như tôi đã phân tích ở trên, trong các Hiệp định thương mại Việt Nam là thành viên tham gia thì trong đó có các điều khoản cam kết bắt buộc chúng ta phải thực hiện.
Những sản phẩm trái cây tươi gần đây đã ký Nghị định thư giữa Bộ NNPTNT với Tổng cục Hải Quan Trung Quốc, trong đó có những quy định về ATTP đối với sản phẩm trái cây tươi, quy định về cơ sở đóng gói và những quy định này được quy định rõ hơn là phải được hải quan Trung Quốc cấp mã số vùng trồng, phải đảm bảo diện tích ít nhất 10ha, tuy nhiên tùy từng ngành hàng, sản phẩm có những quy định riêng.
Ví dụ như sầu riêng tươi muốn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc thì đầu tiên phải có mã số vùng trồng và mã vùng trồng này phải được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt, cấp mã thì mới đủ điều kiện xuất khẩu. Quy định cụ thể hơn đối với mã này, đó là một là vùng trồng phải đảm bảo diện tích ít nhất 10ha.
Thứ hai, vùng trồng phải đảm bảo trồng đơn canh, trồng đơn loài sầu riêng, không được trồng xen canh với cà phê, ca cao, hay các loài cây khác đề phòng lây nhiễm chéo giữa các loài sinh vật.
Thứ ba, vùng trồng phải đảm bảo về hồ sơ, sổ sách ghi chép, phải có nhật ký canh tác, đảm bảo việc sử dụng thuốc theo quy định của pháp luật Việt Nam và Trung Quốc, đảm bảo vệ sinh vườn trồng, nhà tạm để bảo quản trong quá trình thu hoạch. Đồng thời, đối với cơ sở đóng gói cũng phải đảm bảo vệ sinh ATTP trong suốt quá trình từ khi đưa nguyên liệu vào cơ sở đóng gói đến lúc hoàn thành việc đóng gói, đến lúc xuất khẩu phải đảm bảo hồ sơ sổ sách ghi chép, nhà máy phải đảm bảo quy trình một chiều để đảm bảo không bị nhiễm chéo trong quá trình làm sạch quả.
- Theo đánh giá năm 2024 vẫn là năm tiếp tục khó khăn, những thị trường nhập khẩu tiếp tục đưa ra những quy định chặt chẽ về sản phẩm nhập khẩu. Vậy Văn phòng SPS sẽ triển khai những nhiệm vụ gì để thích ứng kịp thời thưa ông?
Năm 2024 không riêng gì Việt Nam mà các nước trên thế giới sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Tuy nhiên, theo tôi bất kỳ một quốc gia nào đều phải có giải pháp thích ứng.
Ví dụ như thích ứng với biển đổi khí hậu, chúng ta đã lựa chọn những sản phẩm phù hợp với những điều kiện tự nhiên, hoặc trong tình hình dịch bệnh Covid-19 năm 2021 và 2022, chúng ta vẫn nỗ lực để đạt được những giá trị về xuất khẩu nông sản. Thực tế theo số liệu thống kê của Văn phòng SPS Việt Nam, 3 năm gần đây thì mỗi năm các thành viên WTO đưa ra khoảng 1.000 dự thảo thông báo về thay đổi biện pháp về ATTP, an toàn dịch bệnh động thực vật, hay nói cách khác thay đổi biện pháp SPS.
Gần đây nhất là quy định về bao bì, nhãn mác, vấn đề ATTP tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm thì nhiều quốc gia đã đưa ra quy định này. Đặc biệt, khối EU đã đưa ra những quy định giảm phát thải khí nhà kính, chống phá rừng, tăng trưởng xanh. Tôi cho rằng Bộ NNPTNT đã có rất nhiều Đề án để thích nghi ngay với vấn đề này và trong năm 2024 với chức năng của Văn phòng SPS cũng đã tham mưu cho Bộ NNPTNT trình Thủ tướng Chính phủ Đề án nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định về ATTP, an toàn dịch bệnh động thực vật (Hiệp định SPS).
Theo đó, các cam kết về ATTP, an toàn dịch bệnh động thực vật trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CTTPP, RCEP, Hiệp định ký với EU, Vương quốc Anh, sắp tới với Israel, thì trong Đề án này chúng tôi cũng xác định các chuỗi hoạt động để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong đó có các hoạt động ưu tiên: Một là, rà soát lại các hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn để chuẩn hóa các ngành hàng trong nước để xuất khẩu, khi chuẩn hóa được sẽ không gặp các khó khăn khi điều chỉnh các quy định.
Hai là, hoạt động về truyền thông cũng đặc biệt quan trọng, làm sao các thông tin về thay đổi các biện pháp ATTP, an toàn dịch bệnh động thực vật của các thành viên WTO nói chung và các thị trường trọng điểm phải đến được với bà con nông dân, doanh nghiệp, HTX, các cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hàng nhanh nhất để thích ứng với các thị trường. Lâu nay chúng ta vẫn truyền thông thông qua các hội nghị, tập huấn nhưng sang 2024 sẽ có bước đột phá thông qua các tiểu phẩm, vở kịch, cuộc thi tìm hiểu…
Ba là, kiện toàn hệ thống SPS. Hiện nay, theo Quyết định thành lập SPS Việt Nam có 7 đơn vị kỹ thuật nằm ở 4 Bộ, tuy nhiên qua thực tiễn, đòi hỏi yêu cầu của các thị trường thì yêu cầu phải có hệ thông SPS từ Trung ương đến địa phương, để làm sao cập nhập thông tin nhanh nhất đến bà con nông dân, HTX.
Bốn là, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực cũng rất quan trọng, nông dân cũng phải chuyên nghiệp; nghiên cứu khoa học...
THÔNG TIN CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA VĂN PHÒNG SPS VIỆT NAM