Giao thông - chìa khóa mở cửa phát triển cho Mường Nhé
Mường Nhé có địa hình đồi núi hiểm trở, dân cư phân bố thưa thớt và chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong quá khứ, hệ thống giao thông nông thôn còn nhiều hạn chế, các tuyến đường từ trung tâm huyện đến các bản chủ yếu là đường đất, rất khó khăn cho người dân khi đi lại. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến việc giao thương hàng hóa, tiếp cận các dịch vụ xã hội và cơ hội phát triển kinh tế.
Chia sẻ với phòng viên, ông Đàm Văn Cường, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Mường Nhé cho biết: "Mường Nhé có đặc điểm địa hình đồi núi phức tạp, dân cư phân bố thưa thớt và đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Điều này đã khiến việc phát triển hạ tầng giao thông nông thôn tại đây gặp nhiều thách thức. Mạng lưới giao thông chưa đồng bộ, nhiều tuyến đường liên xã, liên thôn còn ở dạng đường đất, gây khó khăn cho việc đi lại, đặc biệt vào mùa mưa. Chất lượng đường giao thông thấp, phần lớn các tuyến đường chưa được trải nhựa hoặc bê tông hóa, thường xuyên bị sạt lở và xuống cấp. Huyện thiếu nguồn lực đầu tư, kinh phí đầu tư cho hạ tầng giao thông còn hạn chế, chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước và các chương trình hỗ trợ. Khả năng bảo trì thấp, việc duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường chưa được chú trọng, dẫn đến tình trạng xuống cấp nhanh chóng".
Nhận thức được vai trò quan trọng của giao thông, những năm qua huyện Mường Nhé đã tập trung huy động nguồn lực từ Nhà nước, các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn xã hội hóa và sự đóng góp của người dân để cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông. Trong những năm qua, nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã đã được đầu tư nâng cấp và mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho sự kết nối giữa các khu vực. Huyện ưu tiên bê tông hóa các tuyến đường liên xã, liên thôn nhằm đảm bảo giao thông thông suốt, đặc biệt trong mùa mưa.
Từ năm 2020 đến nay, huyện đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hàng chục tuyến đường nông thôn với tổng chiều dài trên 200km. Điển hình như tuyến đường nối xã Chung Chải đi bản Nậm Sin,, tuyến đường từ xã Nậm Kè đi các bản vùng sâu đã được bê tông hóa, đảm bảo đi lại thuận lợi quanh năm. Hay như tuyến đường Quảng Lâm – Huổi Nụ - Pá Mỳ được đầu tư trên 80 tỷ đồng, năm 2023, sau khi hoàn thành đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại.
Việc hoàn thiện giao thông không chỉ giúp người dân di chuyển thuận tiện mà còn mở ra cơ hội giao thương, phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp. Sản phẩm nông sản của người dân như lúa, ngô, sắn hay các loại cây đặc sản được vận chuyển dễ dàng hơn ra thị trường, nâng cao giá trị kinh tế.
Động lực cho người dân Mường Nhé xóa đói giảm nghèo
Hạ tầng giao thông được cải thiện đã góp phần thúc đẩy các chương trình giảm nghèo bền vững. Các dự án xây dựng đường nông thôn đi kèm với các chương trình hỗ trợ sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế đã giúp hàng trăm hộ dân thoát nghèo.
Ông Vàng A Dế, một hộ dân tại xã Mường Toong, chia sẻ: "Trước đây, đường sá đi lại rất khó khăn, chúng tôi không thể đưa nông sản ra chợ kịp thời. Giờ đường đã thông, hàng hóa bán nhanh hơn, giá cũng tốt hơn, cuộc sống gia đình dần khấm khá". Ngoài ra, giao thông phát triển cũng giúp người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, đảm bảo chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, Mường Nhé vẫn đối mặt với không ít khó khăn. Địa hình phức tạp và khí hậu khắc nghiệt khiến việc duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường trở nên tốn kém. Nguồn lực đầu tư còn hạn chế, trong khi nhu cầu nâng cấp hạ tầng giao thông ngày càng lớn.
Trong thời gian tới, huyện Mường Nhé sẽ tiếp tục triển khai các dự án giao thông nông thôn gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, huy động thêm các nguồn vốn, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc đóng góp nhân lực, vật lực để giảm gánh nặng đầu tư.
Giao thông nông thôn chính là "mạch máu" thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở Mường Nhé. Với những nỗ lực không ngừng trong việc cải thiện hạ tầng giao thông, huyện đang dần từng bước vượt qua khó khăn, mở ra cơ hội phát triển bền vững và nâng cao đời sống người dân. Đây là nền tảng vững chắc để Mường Nhé tiếp tục hành trình giảm nghèo, vươn lên trở thành một vùng đất giàu tiềm năng kinh tế của tỉnh Điện Biên.