Hành trình làm giàu từ vườn cây trái của nông dân Nậm Pồ
Trước đây, người dân Nậm Pồ chủ yếu canh tác lúa nương, ngô, và một số cây trồng ngắn ngày. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế thấp, đất đai bạc màu khiến đời sống bà con gặp nhiều khó khăn. Những năm gần đây, người dân bắt đầu chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, như cam, quýt, chanh leo… các mô hình này đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Người đi tiên phong việc đưa cây ăn quả lên đồi dốc trồng là anh Sùng Quán Tùng, bản Tàng Do, xã Nậm Tin. Anh Tùng chia sẻ: "Trước đây, gia đình tôi chỉ trồng ngô và lúa nương, mỗi năm thu nhập chỉ đủ sống. Năm 2017 tôi đã chuyển sang trồng 2.500 gốc cam Vinh. Sau 4 năm chăm sóc đến nay mỗi năm vườn cam cho thu nhập trên 300 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng lúa, ngô"
Theo ông Lê Khánh Hòa, Bí thư Huyện ủy Nậm Pồ thì huyện đang xác định phát triển cây ăn quả là hướng đi chiến lược để giúp người dân giảm nghèo. Các chính sách hỗ trợ tập trung vào khuyến khích mở rộng diện tích, đồng thời đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu.
Nhờ sự thay đổi trong tư duy sản xuất và sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền, đời sống của nhiều hộ dân đã được cải thiện rõ rệt. Một số hộ không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu. Điển hình là gia đình anh Lý Sủ Lảnh, bản Huổi Sâu, xã Pa Tần đã vươn lên thoát nghèo nhờ trồng giống quýt đường. Anh Lảnh chia sẻ: "Để phát triển kinh tế, năm 2019, qua thông tin tìm kiếm trên mạng, tôi đã liên hệ với Trường Đại học Lâm nghiệp tại Hà Nội để mua 300 gốc cây giống quýt đường về trồng trên hơn 1ha đất của gia đình". Quyết định này xuất phát từ mong muốn thay đổi cuộc sống và khai thác hiệu quả hơn diện tích đất đồi vốn lâu nay chỉ trồng ngô, lúa nương cho năng suất thấp. Những ngày đầu, anh Lảnh gặp không ít khó khăn khi chưa có kinh nghiệm trồng cây ăn quả. Anh phải tự tìm hiểu tài liệu, học hỏi thêm từ các cán bộ khuyến nông của huyện.
Nhờ sự chăm chỉ và kiên trì, vườn quýt của anh bắt đầu cho thu hoạch từ năm 2022. Mỗi vụ, anh thu được trên 2,5 tấn quả, mang lại thu nhập trên 50 triệu đồng. Thành công này không chỉ giúp gia đình anh Lảnh thoát nghèo mà còn trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều bà con trong bản.
Từ hiệu quả kinh tế của mô hình trồng quýt đường, anh Lảnh đã chủ động chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn bà con cách chọn giống, bón phân và chăm sóc cây trồng. Đến nay, nhiều hộ dân ở Huổi Sâu và các bản lân cận đã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng ngô, lúa sang cây ăn quả.
Anh Lảnh cho biết: "Tôi mong muốn bà con trong bản cũng có thể thoát nghèo như gia đình tôi. Nếu cùng nhau phát triển cây ăn quả, chúng ta sẽ tạo được vùng sản xuất lớn, thuận lợi hơn trong việc tiêu thụ sản phẩm". Không chỉ tập trung vào quýt đường, anh Lảnh đang có dự định trồng thêm một số cây ăn quả khác như bưởi da xanh và mít thái, nhằm đa dạng hóa nguồn thu nhập.
Đảng viên tiên phong mở đường, nông dân học tập làm theo
Nhận thấy tiềm năng từ cây ăn quả, chính quyền huyện Nậm Pồ đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, như cung cấp giống cây chất lượng cao, tập huấn kỹ thuật canh tác và kết nối thị trường tiêu thụ. Gia đình anh Lảnh cũng được hỗ trợ một phần chi phí mua phân bón và tham gia các lớp học về nông nghiệp.
Ông Quàng Văn Thảnh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nậm Pồ, nhận định: "Mô hình của anh Lý Sủ Lảnh là minh chứng rõ rệt cho sự chuyển đổi kinh tế nông nghiệp tại địa phương. Chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình như thế này để góp phần giảm nghèo bền vững cho người dân."
Cũng theo ông Quàng Văn Thảnh thì để phát triển đa dạng các loại cây ăn quả tiềm năng, giá trị kinh tế cao, huyện đã tiến hành quy hoạch vùng sản xuất và đề ra nhiều giải pháp, chú trọng vào các loại cây trồng có giá trị kinh tế và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, nhất là các loại cây ăn quả có tiềm năng, giá trị kinh tế cao. Từ đó, mở rộng diện tích và tập trung ứng dụng khoa học, công nghệ để gia tăng giá trị; thực hiện tốt các chính sách liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các cấp từ huyện đến cơ sở đã vào cuộc quyết liệt, chú trọng khâu tuyên truyền, vận động, khuyến khích nhân dân cải tạo đất vườn, đất đồi, thay thế các loại cây trồng truyền thống, năng suất thấp sang trồng cây ăn quả chất lượng cao. Đồng thời, cử cán bộ xuống tuyên truyền, hướng dẫn, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng; áp dụng các biện pháp kỹ thuật để triển khai phát triển diện tích trồng cây ăn quả. Tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ trồng cây ăn quả trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, liên kết, nắm bắt thông tin thị trường.
Chia sẻ với phóng viên, ông Lê Khánh Hòa, Bí thư Huyện ủy cho biết, tiềm năng phát triển cây ăn quả của Nậm Pồ rất lớn. Nhưng phải có người đứng đầu quyết liệt, chỉ đạo để người dân học tập làm theo. Đúng như lời ông Bí thư Huyện ủy chia sẻ, mô hình trồng chanh leo tại xã Si Pa Phìn được đảng viên làm trước, người dân trong xã học tập, làm theo. Từ đầu năm 2024, xã Si Pa Phìn bắt đầu triển khai mô hình trồng cây chanh leo, với sự tham gia của gần 10 cán bộ, đảng viên. Trong đó, mô hình của đảng viên Vàng A Lồng, ở bản Van Hồ, được đánh giá là điển hình. Ông Vàng A Lồng chia sẻ:
"Để bà con tin tưởng và làm theo, bản thân tôi quyết định mạnh dạn đầu tư gần 4.000m² đất để trồng chanh leo. Sau hơn 7 tháng, cây đã cho thu hoạch, với sản lượng trung bình 1,5 tấn/1.000m². Giá bán dao động từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình."
Mô hình của ông Lồng không chỉ là minh chứng sống động cho hiệu quả của cây chanh leo mà còn thu hút đông đảo bà con trong và ngoài xã đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.
Nhờ sự dẫn dắt của các đảng viên tiên phong, phong trào trồng cây chanh leo tại Si Pa Phìn đã phát triển nhanh chóng. Tính đến đầu tháng 7/2024, tổng diện tích trồng chanh leo trên địa bàn xã đã đạt gần 4,2ha. Nhiều hộ dân mạnh dạn chuyển đổi đất canh tác kém hiệu quả sang trồng loại cây này, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống. Cây chanh leo được đánh giá là loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của vùng cao Si Pa Phìn. Chỉ sau 7-8 tháng, cây đã bắt đầu cho thu hoạch, với năng suất cao và đầu ra ổn định. Với giá bán dao động từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, mỗi héc-ta chanh leo có thể mang lại thu nhập từ 150 đến 200 triệu đồng/năm, gấp nhiều lần so với các cây trồng truyền thống như ngô, lúa nương.
Dù đạt được nhiều thành quả, việc phát triển cây ăn quả tại Nậm Pồ vẫn đối mặt với một số thách thức, như thiếu nước tưới vào mùa khô và hạn chế trong khâu tiêu thụ. Để khắc phục, huyện đang kêu gọi đầu tư vào hệ thống tưới tiêu và xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ, nhằm đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm.