dd/mm/yyyy

Hồi sinh nghề truyền thống - Chìa khóa phát triển bền vững cho người dân Nậm Pồ

Huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên là nơi cư ngụ của nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số với những nét văn hóa và nghề truyền thống đặc sắc. Các nghề thủ công như dệt thổ cẩm, đan lát, làm rượu men lá và chế biến các sản phẩm từ lâm sản đã gắn bó với cuộc sống của bà con từ bao đời nay.

Giữ lửa nghề truyền thống, cơ hội làm giàu từ di sản cha ông

Các nghề thủ công của đồng bào dân tộc tại Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) không chỉ mang giá trị văn hóa mà còn có tiềm năng kinh tế to lớn. Đối với người dân, những sản phẩm như vải thổ cẩm, rổ rá, hay các loại rượu men lá không chỉ gắn với cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày mà còn là biểu tượng của bản sắc, phản ánh tập quán, quan niệm sống và tình yêu quê hương.

Hồi sinh nghề truyền thống: Chìa khóa phát triển bền vững cho người dân Nậm Pồ - Ảnh 1.

Ông Lý Thanh Tiềm, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ (người ngồi giữa) tham quan, động viên bà con bản Đề Tinh 2, xã Phìn Hồ phát huy giá trị văn hóa, sản xuất nghề truyền thống. Ảnh Sầm Phúc

Chia sẻ với phóng viên, ông Lý Thanh Tiềm, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết: "Nhận thấy giá trị của các sản phẩm truyền thống, chính quyền huyện Nậm Pồ đã đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn và phát triển nghề thủ công. Đồng thời mở ra cơ hội tiêu thụ sản phẩm thông qua các hội chợ, triển lãm sản phẩm địa phương. Đây là bước đi chiến lược giúp nghề truyền thống vừa được gìn giữ, vừa có thể vươn ra thị trường lớn. Huyện đã thực hiện các chương trình hỗ trợ, dạy nghề truyền thống, tạo cơ hội cho người dân tăng thu nhập và từng bước thoát nghèo một cách bền vững".

Phìn Hồ, xã có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống. Mỗi dân tộc có nét văn hóa đặc trưng riêng. Tiêu biểu là dân tộc Xạ Phang còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc trưng. Trong đó nghề thêu giày đã gắn liền với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày và được truyền qua nhiều thế hệ.

Đôi giày theo tiếng Xạ Phang là "liển hài" do người phụ nữ tự thêu, khâu cho các thành viên trong gia đình. Giày có nhiều loại: Giày nam, giày nữ, giày cho người cao tuổi hay dành riêng cho cô dâu, chú rể trong ngày cưới. Vào thời gian nông nhàn hay các dịp lễ, tết, tạm gác lại việc đồng áng, các bà, các chị người Xạ Phang lại tranh thủ mang những món dụng cụ ra tập trung thành từng nhóm để ngồi thêu hoa văn trên giày. Họ vẫn giữ thói quen tự làm những đôi giày và trưng diện trong tất cả các dịp lễ hội, đi chợ hay trong lễ truyền thống.

Hồi sinh nghề truyền thống: Chìa khóa phát triển bền vững cho người dân Nậm Pồ - Ảnh 2.

Lãnh đạo huyện Nậm Pồ tham quan, động viên phụ nữ bản Đệ Tinh 2 gìn giữ và phát triển nghề truyền thống. Ảnh Sầm Phúc.

Chị Ngải Mù Dính là một trong những người có nhiều kinh nghiệm trong việc thêu giày ở bản Đệ Tinh 2, xã Phìn Hồ. Thêu giày không phải nghề chính để kiếm sống của chị Dính, nhưng chị lại dành nhiều tâm huyết, đam mê với nghề. Chị Dính cho hay: Ngay từ khi còn thiếu niên, các bé gái người Xạ Phang đã được các bà, các mẹ, các chị hướng dẫn việc may vá, thêu thùa, làm các đồ dùng sinh hoạt và trang phục cá nhân. Để làm được một đôi giày thêu tốt, phải trải qua nhiều bước chuẩn bị nguyên liệu, lựa chọn kiểu giày phù hợp với đối tượng sử dụng để cắt và khâu đế giày, tạo hình hoa văn và thêu hoa văn trên thân giày, khâu giáp các bộ phận để hoàn chỉnh giày…

Để quá trình khâu giày sợi chỉ luôn trơn, bóng, không bị đứt và không thấm nước, người Xạ Phang thường trà sợi chỉ vào cục sáp ong khô trước khi thực hiện việc khâu giày. Đối với loại keo dán đế giày được làm ra từ củ của một loại cây rừng (cây mùa rỉ). Củ của cây mùa rỉ được đào về, rửa sạch, gọt bỏ vỏ, lấy phần ruột, giã nhuyễn, hòa vào nước và lọc hết bã thô, cho lên nồi nấu tạo thành hồ đặc như keo dán.

Hồi sinh nghề truyền thống: Chìa khóa phát triển bền vững cho người dân Nậm Pồ - Ảnh 3.

Ông Lý Thanh Tiềm, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ tham quan các sản phẩm của dân tộc Xạ Phang, bản Đề Tinh 2 xã Phìn Hồ. Ảnh Sầm Phúc.

Để làm đế giày, người thợ lấy mo tre già, khô, phơi, ép phẳng, cắt theo hình bàn chân và khâu thành đế giày. Mỗi đế giày thường được ghép khoảng 5 lớp mo, mỗi lớp bọc một lần vải dày và dai để tạo độ dày dặn, cứng cáp, đảm bảo bền chắc. Mặt dưới của đế giày được lót bằng vải trắng; mặt trong được lót bằng một lớp vải màu tùy theo ý thích của người chế tác và được khâu chắc chắn với đế giày. Nhờ đó, giày thêu của Xạ Phang bền và chắc, có thể sử dụng được lâu dài

Khi nghề truyền thống mở lối thoát nghèo

Để thúc đẩy phát triển kinh tế từ nghề truyền thống, các chương trình hỗ trợ như đào tạo kỹ năng, cung cấp nguyên liệu sản xuất và hỗ trợ vốn vay đã được triển khai rộng khắp tại Nậm Pồ. Huyện cũng phối hợp với các đơn vị mở các lớp tập huấn, cho người dân. Như vậy sẽ nâng cao tay nghề và phát triển sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn thị trường. Nhờ đó, bà con đã tự tin hơn trong việc phát triển các sản phẩm từ nguyên liệu truyền thống, đồng thời áp dụng những mẫu mã, kỹ thuật mới nhằm tăng tính thẩm mỹ và giá trị kinh tế.

Hồi sinh nghề truyền thống: Chìa khóa phát triển bền vững cho người dân Nậm Pồ - Ảnh 4.

Sự phát triển của nghề truyền thống đã giúp nhiều hộ gia đình ở Nậm Pồ cải thiện thu nhập, thay đổi cuộc sống. Ảnh Sầm Phúc.

Sự phát triển của nghề truyền thống đã giúp nhiều hộ gia đình ở Nậm Pồ cải thiện thu nhập, thay đổi cuộc sống. Nhiều gia đình đã có thể thoát nghèo, thậm chí có những hộ đã vươn lên khá giả nhờ nghề truyền thống. Những người phụ nữ dân tộc vốn là những người giữ gìn và phát triển nghề thủ công, giờ đây có thể tự chủ kinh tế, góp phần đáng kể vào thu nhập gia đình. Đây là động lực quan trọng giúp người dân có thêm điều kiện để đầu tư vào học hành, y tế, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Mặc dù nghề truyền thống tại Nậm Pồ đang có nhiều khởi sắc, vẫn còn không ít thách thức đặt ra. Thị trường tiêu thụ chưa ổn định, công tác quảng bá sản phẩm chưa thực sự mạnh mẽ và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm chưa cao.

Nhìn chung, phát triển nghề truyền thống ở Nậm Pồ không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn nét văn hóa độc đáo mà còn tạo thêm việc làm, giúp người dân tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Những thành quả ban đầu chính là minh chứng rõ ràng cho thấy, khi nghề truyền thống được quan tâm phát triển đúng hướng, cuộc sống của người dân sẽ dần thay đổi tích cực.

Vinh Duy