dd/mm/yyyy

Phân bón vi sinh 'giải độc' đất trồng xoài

Để kích thích xoài ra hoa sớm hay nghịch vụ, người nông dân phải sử dụng hóa chất. Nhược điểm là hóa chất này làm 'nhiễm độc' đất trồng xoài.
Phân bón vi sinh 'giải độc' đất trồng xoài - Ảnh 1.

ThS Nguyễn Ngọc Thành (bên phải) kiểm tra thùng nuôi cấy chế phẩm vi sinh vật.

Để kích thích xoài ra hoa sớm hay nghịch vụ, người nông dân phải sử dụng hóa chất. Nhược điểm là hóa chất này làm “nhiễm độc” đất trồng xoài. ThS Nguyễn Ngọc Thành đã đi tìm lời giải.

Khắc phục mặt trái của thuốc kích thích ra hoa

Giải pháp “Quy trình phân giải Paclobutrazol trong đất bằng chế phẩm vi sinh vật” của ThS Nguyễn Ngọc Thành (Cái Bè - Tiền Giang) vừa được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp Bằng độc quyền “Giải pháp hữu ích” và lọt vào vòng chung kết Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ XV (2022 - 2023).

ThS Nguyễn Ngọc Thành cho biết, xoài cát Hòa Lộc là một trong những đặc sản nổi tiếng của tỉnh Tiền Giang bởi màu sắc hấp dẫn, mùi vị thơm ngon và có giá trị dinh dưỡng cao, đã được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Trong điều kiện tự nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long, cây xoài thường ra hoa vào tháng 12 đến tháng 1 năm sau và thu hoạch tập trung từ tháng 4 - 5.

Chính vì thu hoạch tập trung nên giá bán không được cao trong vụ chính nhưng rất cao trong vụ muộn (tháng 7 - 9) và vụ nghịch (tháng 12 - 1). Từ thực tế này các nhà vườn đã áp dụng nhiều biện pháp để kích thích xoài ra hoa sớm hay nghịch vụ để có thể bán được giá cao gấp 2 đến 3 lần so với xoài chính vụ.

Paclobutrazol (PBZ) là hợp chất hóa học được sử dụng để làm chậm sự tăng trưởng của cây trồng thông qua ức chế quá trình sinh tổng hợp GA (Gibberellin) ở rễ tơ. PBZ được sử dụng như hormone điều hòa sinh trưởng, giúp cây ăn trái ra hoa mùa nghịch. Khi tưới PBZ vào gốc làm cho chồi có tỷ lệ GA/ABA thấp, cây sẽ ngừng sinh trưởng và phân hóa mầm hoa.

Trong quá trình canh tác, nông dân sử dụng PBZ tưới xung quanh gốc xoài với liều lượng rất cao để kích thích xoài ra hoa. Việc lưu tồn một lượng lớn PBZ trong môi trường đất và nước sau nhiều lần xử lý ra hoa làm cho đất dần thoái hóa, kém tơi xốp do các vi sinh vật, côn trùng, vật chủ có ích (trùn đất, trùn quế, dế…) trong đất bị tiêu diệt, tạo môi trường yếm khí (do đất bị nén chặt), bộ rễ bị ức chế, không ra rễ non làm cây kém phát triển, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng…

“Do đó, vấn đề đặt ra là cần giải độc PBZ trong đất để phục hồi bộ rễ cho cây, kết hợp cung cấp dinh dưỡng giúp xoài sinh trưởng tạo tán, tạo cành, nhất là cành mẹ để tạo hoa (xoài ra hoa ở đầu cành), nuôi trái là rất cần thiết”, ThS Nguyễn Ngọc Thành cho biết.

Khắc phục điều này, tác giả đã sử dụng các loại phân bón, chế phẩm vi sinh cùng các chất liệu khác kích thích sự phát triển của vi sinh vật nhằm đánh giá khả năng phân giải PBZ trong đất trồng xoài cát Hòa Lộc.

Phối trộn vi sinh vật với giá thể cải tạo đất

Để thực hiện mục tiêu cải tạo đất, ThS Nguyễn Ngọc Thành sử dụng 6 chủng vi sinh vật gốc mua từ Trường Đại học Nông lâm TPHCM về nuôi cấy và phối trộn với các giá thể, nguyên liệu khác tạo thành chế phẩm vi sinh vật để giải độc PBZ tồn dư trong đất. Các chủng vi sinh vật này có tác dụng phân giải độc chất trong đất.

Chế phẩm vi sinh vật đa chức năng được nuôi cấy trong thùng chứa (thùng mốt) dạng bột với hỗn hợp gồm: Cám gạo, bột ngô, bột đậu nành, các vitamin A, B, C, glucolyxin, tocotrienol facturi, axit grama buteric với lượng vừa đủ trong thời gian 90 ngày ở nhiệt độ từ 30 - 32 độ C. Sau đó ủ chế phẩm vi sinh vật thu được với chất thải gia súc theo tỉ lệ 1% trong 30 ngày rồi đem bón.

Tác giả đã thực hiện 2 thí nghiệm nhằm xác định ảnh hưởng của biện pháp phân giải đến mức độ lưu tồn PBZ trong đất, sự phát triển của bộ rễ và năng suất; đồng thời, xác định ảnh hưởng của lượng bón đạm, lân đến năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế của cây xoài.

Phân tích lượng PBZ lưu tồn trong đất theo TCCS 246: 2015/BVTV tại Trung tâm Kiểm định và Khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phía Nam (TPHCM) cho thấy, việc sử dụng các loại phân bón hữu cơ kết hợp với chế phẩm vi sinh vật đã tăng cường hoạt động của vi sinh vật và nhờ đó đã phân giải được PBZ lưu tồn trong đất.

Hàm lượng PBZ lưu tồn trong đất trồng xoài trước và sau các thời điểm thí nghiệm khác nhau ở các nghiệm thức xử lý giảm dần sau 3, 6, 9 tháng thí nghiệm. Khi được bổ sung thành phần hữu cơ và vôi đã tạo môi trường thuận lợi cho VSV đất hoạt động nên mức độ phân giải PBZ tăng cao hơn so với nhóm đối chứng (83,44% so với 78,21%).

Sự phân giải hàm lượng PBZ lưu tồn trong đất cũng giúp bộ rễ xoài sinh trưởng khá tốt, nhất là khối lượng rễ tơ, khối lượng rễ dẫn, khối lượng rễ cái và tổng khối lượng rễ giữa các nghiệm thức.

Như vậy, việc áp dụng các biện pháp phân giải PBZ vừa làm tăng mức độ phân bố rễ theo cả chiều ngang và chiều sâu, vừa tăng khối lượng rễ của cây xoài. Năng suất xoài đạt mức cao nhất khi sử dụng chế phẩm vi sinh vật tự ủ (39,96 tấn/ha).

Chế phẩm hiện được nhiều nông dân ở các xã Hòa Hưng, Tân Thanh, Mỹ Lợi A, Mỹ Đức Tây… (huyện Cái Bè) sử dụng để giải độc Paclobutrazol trong đất trồng cây ăn trái (xoài, mận, sầu riêng...).

Theo GD&TĐ