dd/mm/yyyy

Ông “Đông gàn” làm VietGAP

Trong khi đa phần nông dân tại Bình Phước gắn bó với cây điều, cây cao su thì ông Dụng Quý Đông (49 tuổi, ngụ xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú) lại mạo hiểm đi theo con đường khác. Sau nhiều năm trời cần mẫn, ông đã xây dựng được trang trại cây ăn quả VietGAP quy mô lớn bậc nhất tại tỉnh, doanh thu mỗi năm hàng tỷ đồng.

Đưa trái ngọt về vùng đất cằn

Chúng tôi đến trang trại của ông Dụng Quý Đông vào một ngày tháng 5 nắng nóng gay gắt. Trong khi nhiều vườn điều, cao su xung quanh héo rũ vì nắng hạn thì những hàng cây sầu riêng, quýt đường, bơ… trong vườn ông Đông vẫn phát triển xanh tốt, cho quả sai trĩu. Dưới tán cây là thảm cỏ xanh um, tạo cảm giác mát mắt trên diện tích hàng chục ha.

Ông Đông cho biết trong đợt nắng hạn vừa qua, ông phải thuê các xe bồn lặn lội đến nhiều sông, suối để chở nước về cứu vườn cây. Mỗi ngày chi phí tưới nước lên đến gần chục triệu đồng, chưa kể thêm cả trăm lít dầu để chạy máy bơm vì chưa có điện. Đến thời điểm này, khi mùa mưa bắt đầu ông mới thở phào nhẹ nhõm. Ông bảo: “Với vùng đất khô cằn như Bình Phước, để trồng cây ăn trái không dễ chút nào. Phải mạo hiểm lắm tôi mới dám đầu tư hàng chục tỷ đồng làm trang trại lớn như vậy”.

30 năm nước, gia đình ông khăn gói đến Bình Phước lập nghiệp. Ban đầu chỉ khai phá được 7ha đất, trong quá trình làm gia đình ông mua thêm và nâng tổng diện tích đất lên 20ha để trồng điều, cao su và trồng xen canh một số cây ăn quả… “Tuy nhiên, qua thực tế sản xuất, tôi nhận thấy các loại cây công nghiệp như cao su, điều, cà phê dù được xem những cây trồng chủ lực nhưng thị trường tiêu thụ lại không ổn định, giá cả rất bấp bênh. Các hộ trồng điều bình quân năng suất đạt 3 tấn/ha, với giá bán từ 20.000 – 30.000 đồng/kg, thu nhập cao lắm cũng chỉ đạt 60 - 70 triệu đồng/ha/năm; cao su thời hoàng kim thu nhập 1ha cũng chỉ bằng cây điều. Còn với cây cà phê, tiêu các hộ trồng thu nhập từ 100 – 200 triệu đồng/ha/năm nhưng chi phí đầu tư lớn. Những loại cây công nghiệp trên đều cho mức thu nhập khá, tuy vậy không phải là cây độc tôn, các nước lân cận đều có thể trồng được” – ông Đông chia sẻ.

Với suy nghĩ đó, từ năm 2010 ông đã lặn lội đi đây đi đó học tập kinh nghiệm, tìm hiểu thổ nhưỡng, đặc điểm cây trồng để tìm hướng đi khác. Ông cho biết đã đi khắp 30 tỉnh từ Nam ra Bắc để học hỏi và cuối cùng ông đưa ra nhận định trồng cây ăn quả có lợi hơn. Theo tính toán của ông, trồng sầu riêng có thể cho thu nhập 500 – 600 triệu đồng/ha/năm; quýt từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm; bơ khoảng 750 triệu đồng/ha… Đặc biệt, các loại cây này hoàn toàn phù hợp với thổ nhưỡng khí hậu ở Bình Phước.

Năm  2011, ông Đông quyết định chặt bỏ 10ha cây cao su để chuyển sang trồng cây ăn quả. Thời điểm đó, cao su đang trong thời hoàng kim, được nhiều người mệnh danh là cây “càng trắng” khi giá lên tới gần 30.000 đồng/kg nên nhiều người thấy ông chặt bỏ thì rất bất ngờ. Có người còn bảo ông “không bình thường” và gán cho biệt danh Đông “gàn”.

Ông Dụng Quý Đông bên vườn quýt trĩu quả

Mặc kệ, ông bỏ ngoài tai những lời dèm pha và quyết theo đuổi hướng đi riêng. Mỗi khi có dịp đến các bến cảng, cửa khẩu, nhận thấy Việt Nam phải nhập quá nhiều trái cây từ Trung Quốc, Thái Lan về tiêu thụ nên ông càng quyết tâm hơn. “Rõ ràng thị trường trái cây rất rộng mở, mình có đủ điều kiện để làm được, thậm chí có thể làm tốt, vậy là tôi dồn hết công sức vào là trang trại trồng sầu riêng, bơ, quýt, mít Thái Lan,… với tổng diện tích lên đến 20ha” – ông Đông nói.

Lão nông mang tầm doanh nhân

Là nông dân nhưng ông Đông vẫn luôn quan niệm nghề nông không chỉ sản xuất ra nông sản, thực phẩm, mà còn là một ngành khoa học. Trong thời đại này, nông dân phải là chiến lược gia, phải có tầm nhìn xa. Từ khi làm trang trại cây ăn quả, ông đã xác định muốn làm ăn bền vững thì phải theo đuổi mô hình nông nghiệp sinh thái, thân thiện môi trường. “Sản phẩm mình làm ra mình phải ăn được thì mới mang bán cho người khác. Chứ không phải cứ làm ra đem bán lấy tiền mà không quan tâm đến sức khỏe người tiêu dùng”. Với suy nghĩ đó, ngay từ đầu ông đã làm theo quy trình an toàn, hạn chế tối đa việc sử dụng hóa chất. Theo đó, trang trại của ông sử dụng 80% phân bón hữu cơ cho cây trồng, hoàn toàn không dùng thuốc trừ sâu, diệt cỏ…

Cách tổ chức trong trang trại cũng rất khoa học khi ông chia thanh từng khu vực trồng cây với khoảng cách đều đặn, thẳng tắp, tiện lợi cho việc chăm sóc. Đặc biệt, các loại cỏ trong vườn ông không xịt thuốc trừ cỏ mà dùng máy phát để giữ ẩm cho đất, giữ được các chất hữu cơ, chống xói mòn cho đất. Trong vườn, cứ cách khoảng 30m ông lại cho đào một hố nhỏ nhằm chống xói mòn đất, giảm áp lực nước khi tưới tiêu và tích nước khi mùa mưa đến, đồng thời làm nơi ủ phân hữu cơ cho vườn cây.

Đến năm 2014, trang trại cây ăn quả của ông là một trong những trang trại đầu tiên ở Bình Phước được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Nhờ sản phẩm đạt chất lượng tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên giới thương lái thường tìm đến tận vườn nhà ông thu mua, rồi các cửa hàng bán lẻ cũng tíu tít gọi điện đặt trước. Hiện, trái cây từ trang trại của ông Đông đã được phân phối rộng rãi trong hệ thống siêu thị Coopmart.

Năm 2015, ông Dụng Quý Đông được trao tặng giải thưởng Bông lúa vàng 

Ông Đông cho biết, hiện trang trại mới có 30% diện tích cây trồng cho thu hoạch nhưng đã mang lại lợi nhuận từ 3 – 4 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động địa phương. Ngoài ra, ông còn liên kết với hàng trăm hộ dân trồng cây ăn trái ở các tỉnh Bình Phước, Đắk Nông, Gia Lai… để duy trì nguồn hàng ổn định cung ứng cho các siêu thị.

Hữu Ký