Mặc dù vậy, vẫn có nhiều chủ trang trại, hợp tác xã (HTX) phát triển chăn nuôi ổn định, thu lãi đều nhờ thực hiện các biện pháp an toàn sinh học và liên kết theo chuỗi.
Cho lợn ở chung cư
Nhắc đến ông Nguyễn Trọng Long, Giám đốc HTX Hoàng Long (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội), hẳn nhiều người đều biết bởi ông là người nổi tiếng với việc xây “chung cư” cho đàn lợn. Với hơn 4ha đất, ông Long đã tận dụng tối đa diện tích để nuôi lợn bằng cách xây chuồng thành nhiều tầng giống như chung cư, vận chuyển lợn lên xuống bằng thang máy. Đến nay, trang trại nuôi lợn độc nhất vô nhị của HTX xuất bán gần 1.000 tấn thịt lợn thương phẩm/năm.
Với các dãy chuồng nuôi thiết kế từ 1 tầng đến 3 tầng, trang trại nuôi lợn của ông Long không chỉ đảm bảo không khí thoáng đãng, các khu vực chuồng úm, chuồng lợn đẻ, lợn thịt được phân chia tách biệt, giúp đàn lợn khỏe mạnh, ít khi nhiễm dịch bệnh mà còn tiết kiệm được chi phí chăm sóc, thuốc thú y, giảm nhiều nhân công so với cách nuôi truyền thống.
Gặp ông Nguyễn Trọng Long ở một hội nghị bàn về các giải pháp phát triển ngành chăn nuôi bền vững của Thủ đô, ông chia sẻ: “Từ năm 2016, chúng tôi đã có những nhận định về thị trường thịt lợn khi thấy có xu hướng dư thừa. Theo đó, HTX đã chủ động ứng phó bằng nhiều cách như: Giảm đàn lợn nái từ tháng 6.2016, đặc biệt là chủ động tiêu thụ sản phẩm trong chuỗi khép kín từ đầu vào cho tới đầu ra”.
Hướng đi này đã được củng cố khi Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội động viên và hướng cho HTX Hoàng Long tiếp tục phát triển thành chuỗi thực phẩm sạch từ trang trại tới bàn ăn. Theo đó, sau 4 năm nghiên cứu, thử nghiệm, HTX đã chọn được loại men và công thức phối trộn thức ăn phù hợp, tạo ra chất lượng thịt thơm ngon, nước luộc trong, ăn mỡ giòn, ít ngấy, đảm bảo an toàn thực phẩm. Đây là cơ sở để năm 2015, HTX Hoàng Long xây dựng nhà giết mổ, sơ chế, chế biến thực phẩm với công suất 50 con lợn/ngày; năm 2017, sản phẩm của HTX lần đầu tiên được phân phối trên thị trường. Điều ít người biết là HTX có tổ công nhân kỹ thuật chăn nuôi, giết mổ, chế biến xuất thân từ làng nghề giò chả Tân Ước, vì thế các sản phẩm chế biến từ thịt lợn của HTX rất thơm ngon.
Hiện, số đầu lợn nái của HTX Hoàng Long khoảng 4.000 con, trang trại nuôi lợn đạt tiêu chuẩn VietGAPH, tạo việc làm cho hơn 40 lao động. 100% sản phẩm được sơ chế, đóng gói mang thương hiệu “Chuỗi thực phẩm A-Z” với sản lượng khoảng 2,2 tấn thịt lợn và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn mỗi ngày.
Doanh nghiệp là trung tâm
Theo Sở NNPTNT Hà Nội, hiện nay nhu cầu tiêu thụ thực phẩm mỗi tháng của người dân Thủ đô rất lớn, trong khi đó, Hà Nội mới đủ khả năng sản xuất, đáp ứng mặt hàng thịt lợn, thịt gà. Các mặt hàng khác như gạo chỉ đáp ứng khoảng 35%, thịt bò khoảng 15%, thủy hải sản 5%...
Để đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô, thời gian qua Hà Nội đã đẩy mạnh kết nối với các tỉnh, thành để phát triển chuỗi cung cấp rau thịt an toàn. Cụ thể, Sở NNPTNT Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện tốt Thỏa thuận hợp tác về phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật và sản phẩm động vật, rau an toàn, quản lý an toàn thực phẩm giữa Sở NNPTNT Hà Nội với các tỉnh, thành…; ký hợp tác xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm nông sản giữa Hà Nội với một số tỉnh vùng Đông Bắc, đồng bằng sông Hồng.
Tính đến năm 2018, Sở NN&PTNT Hà Nội và 21 tỉnh, thành phố trong Ban điều phối đã xây dựng và phát triển được 543 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, tăng 166 chuỗi so với năm 2017. Trong đó có 198 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được xác nhận theo tiêu chí của Bộ NNPTNT. Riêng TP. Hà Nội duy trì và phát triển 121 chuỗi.
Chia sẻ về việc tiêu thụ theo chuỗi khép kín, ông Nguyễn Trọng Long khẳng định: “Những nơi tiêu thụ sản phẩm của Hoàng Long đều có hợp đồng để HTX giám sát theo cơ chế riêng. Chúng tôi muốn sản phẩm của HTX phải đến được tới tay người tiêu dùng và cam kết trách nhiệm với họ”.
Hiện, giá bán sản phẩm của Hoàng Long dao động từ 139.000 đồng/kg thịt lợn ba chỉ, giò 160.000 đồng/kg, xúc xích 140.000 đồng/kg… Nhờ được sự tư vấn, hỗ trợ của ngành chăn nuôi Hà Nội, HTX Hoàng Long đã chủ động tiêu thụ được trên 60% sản lượng lợn nuôi qua hệ thống cửa hàng của mình và các đối tác.
Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội nhấn mạnh, đến nay, về cơ bản chăn nuôi Thủ đô đã dần đi vào quy củ và định hình rõ tương lai sẽ phát triển song song 2 mô hình là chuỗi khép kín và chuỗi liên kết. Trong đó, mô hình chuỗi khép kín sẽ lấy doanh nghiệp làm trọng tâm, đầu mối chủ động các khâu từ sản xuất giống, sản xuất thức ăn chăn nuôi, tổ chức chăn nuôi, giết mổ, sơ chế đến tiêu thụ sản phẩm.