dd/mm/yyyy

Nông thủy sản Việt rộng cửa vào thị trường Úc

Các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như nông sản, thủy hải sản… phần lớn áp thuế nhập khẩu vào Úc đều được cắt giảm về 0% từ năm 2018 đến 2020. Đây chính là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp (DN) Việt Nam mở rộng, đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Úc.

Thị trường tiềm năng

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Úc là thị trường lớn, có nhu cầu nhập khẩu cao các mặt hàng thuộc lĩnh vực đồ gỗ, hạt điều, thủy hải sản tươi sống hoặc chế biến… Với mức thu nhập bình quân đầu người cao (khoảng 50.000 USD/năm), đây là thị trường có sức mua lớn và đầy tiềm năng đối với DN Việt Nam. Không chỉ thế, mối quan hệ về kinh tế giữa hai nước trong thời gian qua luôn có sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Một vựa thu mua cá ở Bạc Liêu. Ảnh: Cao Thăng
Một vựa thu mua cá ở Bạc Liêu. Ảnh: Cao Thăng

Về đầu tư, Úc hiện có gần 400 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn khoảng 1,8 tỉ USD, xếp thứ 19/126 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Bên cạnh đó, với chính sách khuyến khích DN đầu tư ra nước ngoài của Chính phủ Úc, dự báo trong thời gian tới vốn đầu tư của nước này vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng. Ngược lại, về phía Việt Nam, cũng có rất nhiều DN đầu tư thành công sang thị trường Úc, tập trung vào một số lĩnh vực ăn uống, du lịch, bất động sản. VCCI nhận định, trong thời gian tới việc xuất khẩu hàng nông, thủy sản cũng như mở rộng đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp (DN) Việt Nam sang thị trường Úc sẽ có nhiều thuận lợi hơn bởi các hiệp định thương mại tự do với Úc đã ký kết và bắt đầu có hiệu lực.

Là đơn vị tư vấn, xúc tiến thương mại cho nhiều DN Việt Nam khi đầu tư qua Úc, ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Tiến Thịnh International Migration & Investment, cho biết: “Những lĩnh vực người Việt đang có thế mạnh ở thị trường Úc là nhà hàng, cà phê, bán lẻ và hàng nông, thủy sản. Tuy nhiên, để có thể mở rộng đầu tư kinh doanh và xuất khẩu vào Úc, DN Việt Nam cần tìm hiểu kỹ văn hóa, khảo sát nhu cầu tiêu dùng của thị trường cũng như đảm bảo chất lượng hàng hóa theo yêu cầu của đối tác nhập khẩu. Các DN cần chú ý mẫu mã, bao bì của sản phẩm, phải có độ sắc nét, hài hòa và phù hợp với sắc thái văn hóa, thị hiếu của người tiêu dùng Úc”.

Nhiều dòng thuế được cắt giảm về 0%

Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI, cho biết, hiện Úc là bạn hàng xuất khẩu lớn thứ 8 và bạn hàng nhập khẩu thứ 12 của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam là bạn hàng thứ 14 của Úc về nhập khẩu lẫn xuất khẩu. Theo những cam kết hội nhập trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA), từ năm 2018, Úc sẽ cắt giảm 90% các loại thuế nhập khẩu hàng hóa từ ASEAN và 100% dòng thuế sẽ được cắt giảm xuống 0% từ năm 2020. Đây là cơ hội tốt để các DN Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Úc. Bên cạnh đó, ngày 8.3.2018, 11 nước ký Hiệp định CPTPP cũng là cơ hội lớn cho quan hệ giao thương giữa hai nước Việt - Úc trong thời gian tới.

Theo ông Gary Dawes, cố vấn cấp cao về xúc tiến thương mại, đại diện cho Hiệp hội DN Úc, mối quan hệ hợp tác giao thương Việt Nam - Úc trong tương lai rất thuận lợi bởi Chính phủ hai nước đã ký Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước vào tháng 3.2018. Đặc biệt, để tạo điều kiện cho các DN đầu tư vào Úc, gần đây Chính phủ Úc cam kết thúc đẩy tinh thần kinh doanh, đổi mới và cam kết thử nghiệm sáng kiến visa mới ở Nam Úc.

Theo sáng kiến trên, các doanh nhân và nhà đầu tư nước ngoài với ý tưởng sáng tạo và một kế hoạch kinh doanh hỗ trợ sẽ có thể nộp đơn xin visa tạm thời để tiến hành liên doanh tại Úc. Việt Nam- Úc cũng đã nhất trí hướng đến mục tiêu kim ngạch thương mại 2 chiều sẽ đạt 10 tỉ USD trong thời gian tới. Và để đạt được mục tiêu này, hai nước cũng đã cam kết sẽ tạo mọi điều kiện, cơ hội tốt nhất để việc đầu tư, giao dịch, xuất nhập khẩu được thuận lợi. Bên cạnh đó, các DN và chuyên gia đến từ Úc cũng gợi ý trong đầu tư, DN Việt có thể nhắm tới kinh doanh F&B (nhà hàng, ẩm thực...); trong xuất khẩu có thể tập trung vào các ngành nghề, lĩnh vực có thế mạnh như nông sản, thủy sản...

Minh Hải