Những ngày qua, nhiều bà con ở vùng Giồng Riềng (Kiên Giang) trông ngóng thương lái thu mua lúa hè thu trước khi ruộng lúa bị mưa gió gây hư hại. Thế nhưng, giá lúa 5451 tại vùng này hiện chỉ còn mức 5.200 – 5.250 đồng/kg, giá gạo nguyên liệu giao động quanh mức 8.100 – 8.150 đồng/kg. Mức giá này đã giảm nhiều so với thời điểm cách đây 1 tháng.
Hay như tại Long An, giá lúa nếp hiện chỉ còn 4.500 đồng/kg nhưng không nhiều thương lái mặn mà với việc thu mua. Nhiều nông dân phải chấp nhận bán lúa giá thấp hơn so với mức giá mong muốn, vì không thể trữ hàng lại chờ giá lên.
Nhiều nông dân đang thu hoạch lúa hè thu nhưng giá lúa đã giảm nhiều so với hồi tháng trước.
Anh Nguyễn Tấn Thìn, một doanh nghiệp thu mua, chế biến lúa gạo khu vực Long An, Bến Tre, Kiên Giang… cho biết, tình hình tiêu thụ lúa gạo từ các doanh nghiệp xuất khẩu đang khá trầm lắng. Do đó, hoạt động thu mua, xay xát của cánh thương lái và các nhà máy chế biến gạo cũng chậm lại.
Như trường hợp anh Thìn, vừa “ôm” 300 công lúa hè thu, tới ngày thu hoạch nên phải cắt lúa nhưng giá bán giảm, anh Thìn lại không có kho chứa, đành phải bán ra với giá thấp. Theo nhìn nhận của anh Thìn, tình hình tiêu thụ lúa gạo chưa thể sáng sủa hơn trong những ngày tới, do nhu cầu thị trường yếu và nhiều nước có nguồn cung dồi dào.
Anh Nguyễn Chí Thanh, chủ một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại An Giang, nhìn nhận, tình hình thị trường đang không tốt cho nhóm gạo thường, do nguồn cung từ Ấn Độ khá lớn. Hiện tại, gạo Thái Lan và Ấn Độ đều có giá thấp và rất cạnh tranh trong khi các hợp đồng cũ của Việt Nam đã giao hàng gần xong.
“Hiện tại chỉ còn hy vọng vào xuất khẩu gạo thơm và gạo Japonica, tuy nhiên, hai loại này cũng khó có thể bán được giá cao, vì tình hình thị trường chung. Hơn nữa, chất lượng gạo vụ hè thu không tốt nên rất khó cho doanh nghiệp xuất khẩu khi đi bán hàng”, anh Thanh nhận định.
Còn theo thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), thị trường xuất nhập khẩu gạo có nhiều biến động trong những ngày qua, đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc, Philippines và quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới Thái Lan.
Chính sách xuất nhập khẩu ở một số thị trường lớn thay đổi đã ảnh hưởng tới giá xuất khẩu gạo trong nước.
Là một thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam, mới đây, Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo thay đổi thuế nhập khẩu gạo từ 1.7, bao gồm 14 mặt hàng. Theo đó, gạo nhập khẩu từ một số nước nhất định sẽ tiếp tục chịu mức thuế đặc biệt theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới, Tổ chức Hải quan Thế giới và các thỏa thuận song phương.
Mức thuế mới áp dụng trên các sản phẩm lúa, gạo nguyên hạt, gạo tấm, bột ngũ cốc, bột ngũ cốc dạng tấm (bột thô) nhập khẩu từ Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á ASEAN) sẽ ở mức tương ứng 50%, 50%, 5%, 40% và 5%.
Cũng theo VFA, việc Thổ Nhĩ Kỳ áp thuế "gạo chưa chế biến" từ Mỹ trong khi Trung Quốc áp thu nhập khẩu 25% đối với nhập khẩu gạo Mỹ. Thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và một số nước ảnh hưởng cũng đã xảy ra khi áp thuế nhập khẩu nếp Trung Quốc lên mức 50%.
Trong khi đó, hai tuần qua thị trường lúa gạo Thái Lan diễn biến rất thú vị, giá gạo giảm sâu do baht Thái yếu và giá lúa, giá bán sỉ suy giảm dẫn đến giá FOB (giao hàng tại mạn thuyền) thấp khiến nhiều người bất ngờ. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ cuối năm 2017, Thái Lan bán gạo ra dưới giá 400USD/tấn.
Truyền thông Thái Lan đưa tin, viên chức chính phủ, Thứ trưởng Bộ Thương mại Chutima Bunyapraphasara cho rằng giá gạo giảm là do các nhà nhập khẩu trì hoãn mua, mưa nhiều cũng làm ảnh hưởng đến giao hàng. Trong khi đó, Việt Nam thu hoạch rộ vụ hè thu dẫn đến tăng nguồn cung, tăng sức cạnh tranh giữa các nhà cung ứng. Hiện giá gạo Thái vẫn giảm sâu, dự báo thị trường thời gian tới cạnh tranh hơn.
Có thông tin Cơ quan lúa gạo Quốc gia Malaysia (Bernas) đã mua được gạo Thái với giá dưới 385USD/tấn. Nếu thông tin này là chính xác, Bernas là khách hàng lớn đầu tiên đạt giá mới này từ nhà cung ứng gạo Thái Lan. Giá lúa nội địa của Thái Lan tiếp tục giảm, kể cả gạo Hom Mali và gạo nếp.