dd/mm/yyyy

Nông dân sẽ tạo bước ngoặt từ nông nghiệp công nghệ cao

Trò chuyện với Trang trại Việt, ông Lại Xuân Môn - Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội nông dân Việt Nam đã chia sẻ trăn trở về vai trò, vị thế của người nông dân trong thời hội nhập.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn (thứ 2 bên phải) thăm khu trồng rau mầm công nghệ cao, siêu sạch của Công ty Teshuva Agricultural Projects-TAP (Israel).
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn (thứ 2 bên phải) thăm khu trồng rau mầm công nghệ cao, siêu sạch của Công ty Teshuva Agricultural Projects-TAP (Israel).

Thời gian qua, trước những thách thức dồn dập, nhưng Nông dân Việt Nam vẫn tận dụng thời cơ và nỗ lực vươn lên, xin ông cho một vài đánh giá về hành trình vượt khó này?

Qua 30 năm đổi mới, kinh tế nông nghiệp và nông thôn của Việt Nam có bước phát triển vượt bậc, đột phá. Từ một đất nước đói ăn sau chiến tranh, phải nhập khẩu lương thực, chỉ sau 4-5 năm chúng ta đã có đủ ăn và xuất khẩu. Đến nay nước ta đã có 10 mặt hàng nông sản xuất khẩu trên 1 tỉ USD, có những sản phẩm nông nghiệp đứng hàng đầu thế giới.

Đảng và Nhà nước đã đánh giá rất cao vai trò của nông dân trong thời kỳ đấu tranh giữ nước và trong 30 đổi mới đất nước. Nông dân đã không ngừng lao động, cần cù sáng tạo để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng xuất khẩu đến 185 nước và vùng lãnh thổ.

“Hội nông dân có trách nhiệm vận động nông dân chuyển mạnh, chuyển nhanh, có hiệu quả từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa lớn; từ kinh tế hộ đơn lẻ sang liên kết; từ sản xuất kinh nghiệm truyền thống sang tri thức công nghệ cao; từ năng suất lao động thấp sang năng suất cao; từ coi trọng số lượng sản phẩm sang coi trọng chất lượng, giá trị; hướng nông dân sang sản xuất nông nghiệp thông minh, tiếp cận các công nghệ sản xuất tiên tiến phục vụ sản xuất nông nghiệp”. Ông Lại Xuân Môn

Trong những năm đổi mới, nông dân cần cù sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám đương đầu với nhiều phong ba bão táp do thiên tai, nhân tai gây ra để vượt khó đi lên. Nông dân có nhiều cách làm sáng tạo, có tinh thần đoàn kết tương trợ giúp đỡ lẫn nhau. Không chỉ giúp bản thân vươn lên làm giàu mà còn giúp các nông dân khác cùng làm giàu. Có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, hàng năm cho thu nhập hàng chục tỉ đồng, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Chính người nông dân đã tạo ra sản phẩm để đưa nền nông nghiệp nước nhà phát triển vượt bậc và có những thành tựu to lớn. Từ đó đưa kinh tế nông nghiệp trở thành trụ đỡ của nền kinh tế. Trong giai đoạn khó khăn ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu, kết quả trên phản ánh nỗ lực vượt bậc của người nông dân.

Theo ông, đâu là yêu tố tiên quyết, giúp Nông dân Việt Nam khẳng định được vị thế để ngày càng phát triển?

Ngày nay kinh tế nông thôn đã được chuyển đổi đa dạng hơn về chủng loại sản phẩm, phong trào xây dựng nông thôn mới đạt kết quả hết sức khả quan theo hướng văn minh, hiện đại. Đời sống nông dân cải thiện rõ rệt cả về vật chất, tinh thần. Đặc biệt, trong những năm gần đây, nông dân đã đổi mới tư duy cách nghĩ cách làm, mạnh dạn chuyển từ sản xuất nhỏ manh mún sang sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn.

Từ kinh tế hộ đơn lẻ, nông dân đã chuyển sang hợp tác liên kết liên doanh với doanh nghiệp; từ năng suất lao động thấp sang năng suất lao động cao với hàm lượng khoa học công nghệ nằm trong sản phẩm; từ coi trọng về số lượng sản phẩm, ngày nay nông dân đã biết tập trung coi trọng chất lượng, giá trị lợi nhuận gắn với an toàn thực phẩm, phát triển bền vững để nâng cao thu nhập, tiến tới làm giàu.

30 năm đổi mới, người nông dân đã làm rất tốt, có nhiều thành tích, đến nay tỷ lệ hộ khá, hộ giàu tăng mạnh, hộ nghèo giảm đi, công tác xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam đạt những kết quả to lớn. Đó là vai trò của người nông dân trong 30 năm xây dựng đổi mới đất nước.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn thăm mô hình trang trại trồng cam tại huyện Cao Phong (Hòa Bình).
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn thăm mô hình trang trại trồng cam tại huyện Cao Phong (Hòa Bình).

Trong thời kỳ đất nước hội nhập, nền nông nghiệp cũng hội nhập mạnh mẽ với thế giới, nông dân sẽ đối mặt với khó khăn thách thức gì thưa ông?

Bước vào thời hội nhập, trong lĩnh vực nông nghiệp thách thức lớn hơn thời cơ. Trong nông nghiệp thì chăn nuôi thách thức lớn hơn, bởi vì các nước xung quanh ta như Thái Lan, Nhật bản, Hàn Quốc họ sớm có điều kiện để phát triên nông nghiệp theo hướng công nghệ cao và thông minh. Đặc biệt Nhật bản, Hàn Quốc đã phát triển nông nghiệp công nghệ 6.0. Vì vậy rõ ràng đối với Việt Nam sẽ có thách thức lớn hơn.

Vấn đề thứ hai, đó là biến đổi khí hậu diễn ra nhanh, khó lường và khắc nghiệt, trong khi lĩnh vực nông nghiệp phụ thuộc ngoại cảnh 50-60%. Bên cạnh đó là khó khăn nội tại của nền kinh tế đã tích tụ từ lâu, vấn đề ô nhiễm môi trường, vấn đề vật tư nông nghiệp rẻ, kém chất lượng, vấn đề tiêu thụ lỏng lẻo, tiếp cận vốn còn nhiều khó khăn… Tất cả những khó khăn nội tại đó trong thời hội nhập cũng là thách thức, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân.

“Trong những năm gần đây, nông dân đã đổi mới tư duy cách nghĩ cách làm, đã mạnh dạn chuyển từ sản xuất nhỏ manh mún sang sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn”. Ông Lại Xuân Môn - Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội nông dân Việt Nam

Trước những khó khăn thách thức đó, Hội Nông dân đồng hành hỗ trợ hội viên của mình như thế nào để nông dân phát triển sản xuất, ổn định đời sống, vươn lên làm giàu từ nông nghiệp?

Trong những năm tới, Hội Nông dân cùng nông dân phải tranh thủ những thời cơ và thuận lợi, khắc phục khó khăn để đưa nền nông nghiệp Việt Nam phát triển theo hướng công nghệ cao, thông minh theo hướng thân thiện với môi trường. Chúng ta có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đất đai thuận lợi hơn các nước khác như Nhật Bản , Hàn Quốc, Isarel, Ai Cập…, vậy họ làm được, sao ta không làm được hơn họ?

Trước bối cảnh đó, Hội Nông dân tập trung làm 3 vấn đề lớn:

Thứ nhất, bảo vệ nông dân. Bảo vệ nông dân là nắm bắt việc thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước có khó khăn, vướng mắc gì với nông dân không, chính sách nào vào được cuộc sống, chính sách nào chưa, Hội Nông dân sẽ kiến nghị Đảng và Nhà nước để tháo gỡ ngay.

Thứ hai, tập hợp những khó khăn bức xúc của nông dân về biến đổi khí hậu, vốn vật tư… để kiến nghị Nhà nước có chủ trương chính sách quản lý tốt hơn để nông dân làm tốt hơn. Làm nông nghiệp rủi ro rất lớn, nếu không có bảo hiểm thì rất khó khăn cho nông dân. Chúng tôi sẽ kiến nghị với Đảng và Nhà nước về chính sách bảo hiểm nông nghiệp cây trồng vật nuôi. Bên cạnh đó Hội Nông dân cũng kiến nghị xây dựng Luật Nông dân để bảo vệ nông dân trước khó khăn thách thức; đồng thời phải có bảo hiểm xã hội tự nguyện cho nông dân. Tôi đi nhiều nước và nhận thấy nước họ có chính sách bảo hiểm 50-70% cho nông dân. Đây là chính sách đúng cần triển khai, tại sao nông dân có vai trò to lớn trong thời kỳ đấu tranh giữ nước và 30 năm đổi mới, vậy đến lúc họ không có sức làm nông, họ cần được bảo hiểm chứ.

Thứ ba, thông qua các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi để thành lập các tổ hợp tác, tiến tới HTX kiểu mới, những mô hình liên doanh liên kết hiệu quả, tập trung xây dựng sản xuất theo chuỗi để xây dựng nền nông nghiệp cạnh tranh, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Xin cảm ơn ông!

Bài và ảnh: Đình Thắng