dd/mm/yyyy

Nô nức xuống đồng gieo cấy vụ xuân

Trong không khí vui tươi, phấn khởi của những ngày đầu Xuân Mậu Tuất, tranh thủ thời tiết nắng ấm, đủ nước, nông dân ở không ít vùng ngoại thành Hà Nội đã nô nức xuống đồng gieo cấy vụ xuân hè với hy vọng về mùa vàng bội thu.

Dọc các cánh đồng từ huyện Thanh Oai xuống Ứng Hòa, Mỹ Đức hay ngược lên Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn… nơi đâu cũng thấy không khí hối hả làm đất, gieo cấy.

Hy vọng mùa vàng bội thu

Sau những ngày vui xuân đón Tết, tranh thủ thời tiết ấm áp, bà con nông dân huyện Mỹ Đức khẩn trương xuống đồng bắt tay vào vụ cấy trong niềm hy vọng mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Chị Đỗ Thị Hiểu ở thôn Đốc Tín (xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức) cho biết, vụ xuân năm nay, gia đình chị cấy 5 sào lúa. Theo định hướng của ngành Nông nghiệp, ngay sáng mùng 3 Tết (18-2), gia đình chị đã phân công mỗi người một việc, ra đồng sản xuất cho kịp khung tốt nhất của thời vụ... Không riêng gia đình chị Hiểu, thời điểm này, khắp nơi vùng ngoại thành Hà Nội đang tất bật gieo cấy vụ xuân hè...

Nông dân Ba Vì xuống đồng cấy lúa xuân.
Nông dân Ba Vì xuống đồng cấy lúa xuân.

Để bảo đảm nông dân cấy đúng thời vụ, đủ diện tích, góp phần giúp nông dân nâng cao hiệu quả cây trồng, từ mồng 3 Tết, cán bộ, công nhân viên Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Sông Đáy đã ra quân phục vụ sản xuất, vận hành các máy bơm điện, các công trình tự chảy... với quyết tâm cung cấp đủ nước cho bà con gieo cấy. Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Sông Đáy Doãn Văn Kính cho biết: Để tạo điều kiện tốt nhất cho bà con trong sản xuất, ngay từ đầu vụ, công ty đã tập trung duy tu bảo dưỡng máy móc, nạo vét kênh mương, phân công cán bộ túc trực thường xuyên trong những ngày Tết, phân bổ nguồn nước tưới hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả...

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Lê Hải Hồng, vụ xuân năm 2018, toàn huyện Mỹ Đức gieo cấy khoảng 7.579,05ha. Ngay từ trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất, nông dân trên địa bàn huyện Mỹ Đức đã khẩn trương gieo mạ. Các HTX nông nghiệp trong toàn huyện chủ động phối hợp với Công ty Khai thác công trình thủy lợi huyện Mỹ Đức đưa nước đổ ải, nước tưới tiêu đến từng chân ruộng; chỉ đạo các tổ máy đẩy nhanh tiến độ làm đất, bảo đảm gieo cấy đúng khung thời vụ. Đến ngày 18-2, diện tích nước đổ ải, làm đất đạt 100%. Hiện toàn huyện đạt hơn 30% diện tích kế hoạch đề ra.

Hòa chung không khí sản xuất đầu năm, nông dân huyện Đông Anh tạm gác vui xuân mới, tập trung nhân lực xuống đồng sản xuất. Bà Nguyễn Thị Lan (xã Kim Chung) cho biết, gia đình có 3 sào ruộng và ngay từ trước Tết, tranh thủ những ngày nắng ấm, đã tranh thủ gieo cấy. Gần 2 sào còn lại, gia đình sẽ tập trung hoàn thành gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất. Chủ tịch UBND xã Kim Chung Nguyễn Chiến Thắng cho biết: Vụ xuân năm nay, toàn xã gieo cấy hơn 100ha. Hiện, đã đạt 80% diện tích. “Sản xuất vụ xuân đúng vào dịp Tết Nguyên đán, nếu không chỉ đạo sát sao, sẽ ảnh hưởng đến tiến độ gieo cấy theo kế hoạch của thành phố. Dù diện tích gieo cấy lúa xuân không lớn, song ngay từ đầu vụ, UBND xã Kim Chung đã thành lập các tổ kiểm tra thực tế đồng ruộng, chỉ đạo nông dân gieo mạ, làm đất lấy nước. Với tốc độ này, Kim Chung sẽ hoàn thành gieo cấy lúa xuân trong tháng 2 - đúng khung thời vụ” - ông Chung cho biết thêm.

Bảo đảm đúng khung thời vụ

Là một trong những huyện thường gặp khó khăn về nguồn nước sản xuất, ngay từ đầu vụ xuân, huyện Thường Tín đã chỉ đạo các xã đẩy nhanh tiến độ làm đất, chủ động tích trữ nước. Rải rác trên khắp đồng, từ ngày mồng 3 Tết, nông dân đã xuống đồng cấy lúa xuân. Theo kế hoạch, vụ xuân năm 2018, toàn huyện gieo cấy 5.030ha; hiện đạt 10% tổng diện tích. Để giúp nông dân hoàn thành kế hoạch đề ra, vụ xuân này, Thường Tín tiếp tục hỗ trợ 70% giá giống lúa cho 50% diện tích các xã, thị trấn (định mức 2kg/thóc giống/sào); 100% giá giống lúa và tiền phân bón (30.000 đồng/sào) cho các mô hình khảo nghiệm giống lúa mới, mô hình máy cấy, mô hình cấy theo hiệu ứng hàng biên và các mô hình lúa hộ cá nhân. Huyện chỉ đạo các xã tập trung xây dựng phương án sản xuất vụ xuân gắn với các vụ khác trong năm nhằm tạo chuỗi luân canh hợp lý và thuận lợi cho sản xuất ở vụ sau. Bên cạnh đó, huyện chủ động khắc phục, ứng phó có hiệu quả những bất lợi đối với sản xuất như: hạn hán, rét đậm, rét hại; xây dựng phương án, giải pháp chống hạn sát với tình hình thực tế để cung cấp đủ nước tưới.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết: Ngoài việc đẩy nhanh tiến độ gieo cấy, bảo đảm đúng khung thời vụ, Sở NN&PTNT khuyến cáo các địa phương: Đối với diện tích lúa cấy trước Tết, nông dân cần thường xuyên thăm đồng ruộng để theo dõi, chăm sóc lúa xuân, kịp thời xử lý những phát sinh gây hại lúa mới cấy.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, tính đến hết ngày 18-2, toàn TP Hà Nội đã gieo cấy đạt hơn 30% kế hoạch. Một số huyện, thị xã có diện tích cấy lúa xuân đạt cao như: Ba Vì, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Phúc Thọ...; một số địa phương như: Quận Hà Đông và các huyện: Quốc Oai, Gia Lâm, Hoài Đức... do tập quán cấy muộn hoặc xa nguồn nước nên tiến độ chậm hơn nơi khác.
Đỗ Minh