dd/mm/yyyy

Những triệu phú trồng chuối ở xã biên giới Huổi Luông

Huổi Luông là xã vùng cao biên giới của huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu), có 100% số hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2016, thu nhập bình quân đạt 23 triệu đồng/người/năm. Nhờ cây chuối nhiều nông dân đã làm giàu, thành triệu phú.

Xã Huổi Luông có 1.000ha chuối đem lại nguồn thu nhập rất lớn cho người dân

Thủ phú chuối Huổi Luông

Đến nay, xã Huổi Luông được coi là “thủ phủ” chuối của huyện Phong Thổ với hơn 1.000ha trồng chuối, cho thu nhập bình quân mỗi ha từ 160 – 200 triệu đồng/năm . Cây chuối ở đây thực sự là cây “xóa đói, giảm nghèo” cho người dân.

 Những dòng ngoại tệ vẫn chảy đều vào túi người dân xã biên giới Huổi Luông thông qua việc bán chuối, góp phần hoàn thành mục tiêu xóa đói giảm nghèo của xã. Và tư duy mới ấy cũng đã và đang từng bước lan rộng ra những xã lân cận, giúp bà con ở Phong Thổ có thêm những việc làm mới, thu nhập mới ngày một cao hơn, ổn định hơn.

Tuy nhiên để cây chuối có được “vị thế” trên đất Huổi Luông là điều không hề dễ. Anh Tẩn A Sử - Phó Chủ tịch UBND xã Huổi Luông cho biết: “Năm 2006, cây chuối mới được vài chục hộ dân trồng rải rác trên các sườn đồi vì chưa thực sự quan tâm đến giá trị kinh tế xuất khẩu của nông sản này. Nhưng chỉ sau vài năm, khi nhận thấy cây chuối phù hợp, lại cho hiệu quả kinh tế cao, nên xã mới vận động bà con mở rộng diện tích. Mấy năm vừa qua, bình quân mỗi ha chuối cho thu nhập tới hơn 100 triệu đồng/năm”.

Những diện tích nương ngô, lúa bạc màu, năng xuất thấp được bà con chuyển đổi sang trồng chuối, cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần. Nhiều gia đình đã chuyển hầu hết diện tích đất nương sang trồng chuối thương phẩm. Những hộ dân này giờ đây đều thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Vùng biên có thêm triệu phú

Một trong nhưng triệu phú trồng chuối ở Huổi Luông là anh Giàng A Mé – dân tộc Mông ở bản Pô Tô. Anh Mé cũng là một trong những người tiên phong khi đưa cây chuối về đất Huổi Luông.

Lãnh đạo xã Huổi Luông hướng dẫn bà con chăm sóc chuối, đề phòng sâu bệnh hại chuối.

 Với gần 7.000 gốc chuối hiện có, trung bình mỗi năm gia đình tôi thu nhập trên 400 triệu đồng từ bán quả tươi. Đó là chưa kể nguồn thu phụ từ thân cây, lá cây chuối làm thức ăn cho trâu, bò, lợn.
Anh Giàng A Mé

Anh Mé chia sẻ: Năm 2006 tôi chủ động sang Trung Quốc tìm mua cây chuối giống về trồng thử nghiệm. Lúc đầu, tôi chỉ dám trồng mấy chục gốc, rồi lên tới trăm gốc chuối. Cây chuối hợp với chất đất ở đây, phát triển tốt, cho năng suất cao hơn hẳn so với trồng lúa, ngô. Quả có tới đâu, thương lái Trung Quốc mua hết tới đó. Tôi đã vận động bà con trong bản chuyển đổi đất nương bạc màu sang trồng chuối, gia đình nào thiếu giống, chưa có kỹ thuật trồng tôi đến hướng dẫn, giúp cây chuối giống.

Không riêng anh Mé, giờ đây hàng ngàn hộ dân ở vùng cao Huổi Luông đã thay đổi tư duy, nhận thức về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đem lại hiệu quả kinh tế. Những cây chuối được bà con đồng bào các dân tộc gửi gắm niềm tin vào “đất mẹ” nay đã cho quả ngọt. Nhờ thế, tuy là xã vùng cao với rất nhiều khó khăn nhưng phong trào Nông thôn mới ở Huổi Luông sớm đạt được những kết quả lớn hơn mong đợi.

Anh Tẩn A Sử, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Lúc đầu thực hiện Chương trình xây dựng NTM, chúng tôi rất lo sẽ không hoàn thành tiêu chí về thu nhập. Nhưng cây chuối đã cứu cánh cho dân nghèo. Tiêu chí chúng tôi lo nhất không đạt thì nay đã đạt và vượt kế hoạch. Nhân dân các dân tộc trong xã đang quyết tâm thực hiện đạt 19/19 tiêu chí về Nông thôn mới trong thời gian sớm nhất.

Vinh Duy