dd/mm/yyyy

Những nông dân trẻ năng động ở Sơn La

Họ đều là những nông dân trẻ nơi vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Với quyết tâm của mình cùng sự giúp đỡ của Hội nông dân, họ đã trở thành những triệu phú khi tuổi đời còn khá trẻ... Đó là 2 trong số những nông dân tiêu biểu thuộc xã Mường Lang và Mường Cơi (huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La).

Biến ước mơ thành hiện thực

Theo lời giới thiệu của Hội nông dân huyện Phù Yên, chúng tôi tìm đến bản Đung (xã Mường Lang), nơi có con dốc Đung từng một thời làm ”chồn chân vó ngựa...”. Mặc dù con dốc dài chừng 5km này đã được mở rộng, trải nhựa nhưng vẫn khiến cho người đi đường phải sờn lòng bởi độ dốc và những đoạn cua tay áo. Mất chừng 50 phút rẽ từ Quốc lộ 37, chúng tôi có mặt tại xưởng sản xuất gạch của nông dân Hà Văn Đạt, 31 tuổi, hội viên Chi hội nông dân bản Đung.

Mỗi năm, xưởng sản xuất gạch của nông dân Hà Văn Đạt xuất gần 1 triệu viên.

Hôm đến, xưởng sản xuất gạch của Hà Văn Đạt đang chuẩn bị xuất xưởng 1.000 viên gạch ra ngoài xã Tân Lang. Đưa chúng tôi đi thăm khu sản xuất, Hà Văn Đạt, kể: Ngoài sản xuất gạch Bloc (còn gọi là gạch không nung hay gạch bê tông), tôi còn kinh doanh thêm vật liệu xây dựng để phục vụ nhu cầu của người dân trong vùng. Lý do đến với công việc này là xuất phát từ ước mơ ngày còn đang là học sinh.

Ngày đó, đường đi lại nơi đây rất khó khăn, mùa mưa chỉ có đi bộ. Do vậy, mỗi lần bà con trong vùng cần vật liệu phục vụ xây dựng lại phải ra tận ngoài xã Mường Cơi hoặc thị trấn huyện để mua. Có lần còn chứng kiến cảnh xe chở vật liệu vào xã bị đổ do đường quá xấu. Khi đó thấy người già trong bản trao đổi với nhau rất nhiều về vấn đề này và ai cũng mong có một cơ sở sản xuất gạch và bán vật liệu trong vùng để bà con đỡ vất vả khi cần vật liệu xây dựng, đỡ phải đi xa và đỡ mất thêm chi phí vận chuyển vật liệu... Thế rồi đến năm 2011, trong một lần được Hội nông dân xã đưa đi tham quan các mô hình, trong đó có mô hình sản xuất gạch Bloc làm ăn hiệu quả, tôi đã quyết tâm học nghề này.

Khu sản xuất gạch của nông dân Hà Văn Đạt đã đáp ứng được nhu cầu gạch xây dựng các xã vùng Mường.

Trò chuyện với anh Đạt, được biết thêm: Cũng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên Đạt phải nghỉ học giữa chừng để phụ giúp gia đình. Trước khi đến với nghề sản xuất gạch và bán vật liệu xây dựng, Đạt đã thử rất nhiều nghề và cũng đã tích lũy được một ít vốn, trong đó có nghề nuôi Dúi mà theo Đạt đây cũng là một trong những nghề tạo thu nhập ổn định. Bởi có thời điểm khu nuôi Dúi của Đạt có gần 100 đôi (giá bán mỗi đôi gần 400 ngàn).

Tuy nhiên, khi được Hội nông dân tạo điều kiện tham quan mô hình, giúp vay vốn ủy thác từ Ngân hàng CSXH và tiếp cận được kỹ thuật làm gạch, Đạt đã quyết định bán toàn bộ đàn Dúi để tập trung vốn vào xưởng sản xuất gạch và bán vật liệu.

Đến nay, xưởng đã đi vào hoạt động được gần 7 năm, mỗi năm xuất xưởng gần 1 triệu viên. Ngoài việc mở rộng khu sản xuất lên 700m2, sở hữu 2 chiếc ô tô tải chuyên chở vật liệu và 1 xe khách 24 chỗ để đón, đưa học sinh trong vùng đi học với tổng trị giá trên 1 tỷ đồng, người nông dân trẻ này còn tạo việc làm cho 4 lao động trong vùng và mỗi năm thu lãi cho gia đình trên 200 triệu đồng. Cùng với đó, Hội nông dân xã còn chuyển giao kỹ thuật, giúp Đạt trồng được 3.000 cây quế, hiện đã được 2 năm tuổi, cây đã to bằng bắp tay và cao quá đầu người.

Làm gì cũng phải có đam mê

Tiếp tục tới thăm nông dân Nguyễn Văn Sử, 34 tuổi, hội viên Chi hội nông dân bản Nghĩa Hưng (xã Mường Cơi), một trong những nông dân tiêu biểu được cấp ủy, chính quyền cơ sở đánh giá cao khi nắm trong tay những kinh nghiệm quý về trồng cây ăn quả và chăn nuôi gia súc khi tuổi còn trẻ.

Mỗi năm nông dân Nguyễn Văn Sử thu lãi trên 200 triệu đồng từ mô hình trồng quýt.

Trong câu chuyện kể về những giai đoạn khó khăn trước đây, Nguyễn Văn Sử nhớ lại: Tôi là con cả trong gia đình có 4 anh em. Cũng bởi hoàn cảnh gia đình, bố thì nghiện ma túy nên học đến lớp 9 mình đã phải bỏ học. Ngay từ nhỏ mình đã thích trồng cây ăn quả nên khi 14 tuổi-15 tuổi đã sang tận tỉnh Yên Bái để học làm vườn. Hễ chỗ nào có mô hình cây ăn quả hiệu quả là mình lại tìm đến tham quan, học hỏi. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình như vậy, sau khi giúp bố đoạt tuyệt được với ma túy, đến năm 2001 mình mới có thời gian dành cho cây ăn quả.

Thấy con trai thật sự đam mê với cây ăn quả, gia đình Sử đã vay mượn được 5 triệu đồng gọi là hỗ trợ vốn cho con trai khởi nghiệp. Với 5 triệu đồng, Sử đã dành ra một nửa mua 500 cây cam Sen, số còn lại dùng cho mua vật tư chăm bón vườn cam. Khi đó, cầm 500 cây giống như một bó rau ở trong tay, Sử khá phân vân và lo lắng. Bởi khi đó, người dân trong vùng chỉ trồng ngô, sắn, ai cũng bảo vùng đất ”chó ăn đá, gà ăn sỏi” này sao trồng được cam...?

Đúng là đất không phụ người chăm chỉ, sau 4 năm cần mẫn khai hoang 1,5 ha đất để trồng cam, có sự hỗ trợ về kỹ thuật của Hội nông dân xã, đến năm 2005, vườn cam của chàng nông dân trẻ tuổi này đã cho thu hoạch. Khi đó, nhìn vườn cam chĩu quả của Sử ai cũng phải thán phục nghị lực của người thanh niên mới 19 tuổi. Và nghị lực đó của Sử được mọi người nhắc tới nhiều hơn khi vụ cam đó Sử đã thu lãi về trên 100 triệu đồng, một số tiền không hề nhỏ vào thời điểm đó... Sau khi thành công với vườn cam, thấy vùng này có lợi thế về đồng cỏ, Sử đã mạnh dạn đầu tư vào nghề nuôi bò. Đến năm 2008, khu nuôi bò của Sử đã có gần 80 con, một số lượng gia súc nhiều nhất của một gia đình lúc bấy giờ.

Chỉ còn tháng nữa là sản phẩm quýt của nông dân Nguyễn Văn Sử có thể xuất ra thị trường.

 

Vẫn chất giọng nhanh nhảu khi say sưa nói về cây ăn quả, Sử kể tiếp: Năm 2009, do nhà nước cần đất để phục vụ xây dựng nên đã không thể nhân rộng mô hình của mình và một lần nữa tiếp tục làm lại từ đầu trên một vùng đất rộng 2ha gần nhà cũng bị coi là ”chó ăn đá, gà ăn sỏi”. Ngày đó, mình đã bán toàn bộ số bò và dùng vốn đầu tư vào cây ăn quả mất hơn 200 triệu đồng.

Với diện tích 2ha, mình trồng 1.200 cây cây quýt ngọt giống địa phương. Xung quanh khu trồng quýt, mình đã trồng thêm gần 100 cây phật thủ. Đến năm 2014, vườn quýt và phật thủ của gia đình bắt đầu cho thu hoạch vụ đầu tiên. Bình quân mỗi năm thu lãi trên 200 triệu đồng từ trồng cây ăn quả. Toàn bộ sản phẩm từ vườn quýt của gia đình không phải mang ra chợ bán, tư thương đến tận nhà thu mua và không đủ để bán. Hiện tại, mình chủ yếu tập trung vào trồng quýt với thu nhập khá ổn định.

Điều khiến chúng tôi ấn tượng nhất về 2 nông dân này là họ đều còn khá trẻ và đều có nghị lực, quyết tâm cao mặc dù sinh ra trong những gia đình khó khăn. Chả vậy mà khi được tôi hỏi về kinh nghiệm khởi nghiệp, nông dân Nguyễn Văn Sử đã chia sẻ: “Ngoài việc hỗ trợ của tổ chức hội nông dân, bất kể ai làm việc gì cũng vậy, muốn thành công cần phải xuất phát từ niềm đam mê. Ví dụ như bạn trồng cây, chăn nuôi thì phải yêu công việc đó, hiểu công việc đó... Sự thất bại trong công việc chỉ là khởi nguồn của thành công nếu ta không quyết tâm và thiếu đi sự kiên trì...”.

Quốc Tuấn