Nếu trước đây Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Nặm Đăm còn là địa danh xa lạ với nhiều người, thì nay đã trở thành địa điểm được nhiều người biết đến. Với kinh nghiệm gần 10 năm phát triển dịch vụ du lịch, giờ đây bộ mặt thôn Nặm Đăm đã thay đổi đáng kể với đường bê-tông sạch sẽ, các hộ đều có ý thức làm du lịch, sửa sang, trang trí, xây dựng lại nhà cửa để làm Homestay đón khách. Được biết, từ 3 hộ làm Homestay trước đây, giờ tăng lên 12 hộ làm dịch vụ trong toàn thôn. Nhiều hộ đã bỏ ra số kinh phí lớn để đầu tư xây dựng nhà cửa khang trang để đón khách.
Nhà anh Lý Tả Đanh, một hộ mới đầu tư xây dựng nhà làm Homestay, cho biết: “Thấy các hộ làm dịch vụ Homestay có thu nhập khá hơn chúng tôi làm nông nhiều nên tôi đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư xây dựng nhà cửa cho khách DL đến trọ. Tôi xây nhà xong từ cuối năm 2016, là nhà truyền thống của người Dao, có 2 tầng trình tường đất, sàn lát gỗ, tầng trên ngăn ra làm 8 buồng cho khách ở, tốn hơn 840 triệu đồng. Do mới làm nên còn ít khách, thu nhập trung bình chỉ khoảng 5 – 6 triệu đồng/tháng. Tôi đang có ý tưởng đầu tư trang trí thêm cảnh quan xung quanh nhà, làm chòi nghỉ mát, bán đồ uống. Thế nhưng, tôi cũng mong muốn chính quyền địa phương tạo điều kiện, hỗ trợ chúng tôi thêm về cách làm du lịch như cho đi tham quan, học hỏi ở những nơi khác để về áp dụng tại địa phương”.
Dù ý thức làm du lịch của người dân đã thay đổi đáng kể, song các dịch vụ ở đây vẫn chưa có sự phong phú để thu hút khách. Ông Lý Quốc Thắng là một hộ làm Homestay từ những ngày đầu, chia sẻ: “Nhà tôi làm dịch vụ Homestay từ năm 2012 đến nay, số lượng khách đến ở tăng nhanh theo từng năm. Khoảng thời gian khách đến đông nhất vào tháng 10 – 11, mùa hoa tam giác mạch. Khách ở nhà tôi thường là khách Tây, các đoàn khách trong nước cũng có nhưng còn ít. Giá ở trọ là 220.000 đồng/người bao gồm tiền ở 1 đêm và 2 bữa ăn tối, ăn sáng. Nấu ăn cho khách, nhà tôi thường làm các món ăn của địa phương, hái rau, củ, quả ở trong vườn nhà, như: Quả bí non, thịt nướng, nem rán, đậu phụ, canh đậu xương...
Bữa sáng thì làm bánh kép, bánh chuối và hoa quả theo mùa. Khách tây họ khá thích đồ ăn ở đây, tuy nhiên những người ở đây từ 1 – 2 ngày khá ít, họ thường chỉ ở 1 đêm rồi đi luôn...”. Do đó, thu nhập từ dịch vụ Homestay không đáng kể, do thiếu dịch vụ giữ chân du khách.
Phó Chủ tịch UBND xã Quản Bạ, Thẩm Dẩu Tâm, cho biết: “Toàn thôn Nặm Đăm có 12 gia đình đang xây dựng, sửa chữa lại nhà để làm dịch vụ Homestay. Sắp tới, xã sẽ hỗ trợ mở lớp học tiếng anh cho các hộ ở thôn và những người có nhu cầu để nâng cao chất lượng phục vụ”.
Thời gian qua, được sự quan tâm, chỉ đạo từ các cấp chính quyền, thôn Nặm Đăm đã có nhiều chuyển biến tích cực trong phát triển du lịch. Toàn thôn có 52 hộ, trong đó 9 hộ dân làm dịch vụ homestay đủ tiêu chuẩn đón khách, 50 hộ có nhà trình tường theo kiểu kiến trúc truyền thống. Nhiều hộ có hệ thống nhà tắm, nhà vệ sinh khép kín, người dân đã chủ động đưa chuồng trại ra xa nhà, 100% gia đình đã hoàn thành việc bó hè, láng nền; đường nông thôn đã được bê - tông hóa, tất cả các hộ được sử dụng điện lưới quốc gia và nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Trong năm 2017, thôn Nặm Đăm đón gần 4.500 lượt khách, doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 20 triệu đồng/năm.