Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, thời gian này những người dân tại làng hoa Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đang tất bật chăm sóc hoa để chuẩn bị cho vụ mùa lớn nhất trong năm. Thời tiết lạnh giá suốt từ đầu mùa cũng khiến người dân nơi đây thấp thỏm, dày công chăm bón để hoa nở đúng dịp Tết cổ truyền.
Tất bật cho mùa hoa tết lớn nhất năm
Cách trung tâm Hà Nội 20km về phía Tây, với diện tích lên tới 539 ha, làng hoa Tây Tựu là nơi cung cấp hoa chủ lực cho Thủ đô và các vùng lân cận. Nghề trồng hoa tại Tây Tựu được hình thành từ những năm 1930 nhưng phải đến đầu những năm 90 thế kỷ trước, người dân nơi đây mới bắt đầu tập trung trồng hoa.
Những cây hoa đầu tiên được đưa về trồng thí điểm thay cho các loại cây trồng truyền thống như lúa, cà chua, dưa lê. Thấy hoa sinh trưởng tốt, đem lại lợi ích kinh tế cao, người dân Tây Tựu rủ nhau trồng hoa. Đến nay, gần như toàn bộ diện tích đất tại Tây Tựu được phủ sắc màu rực rỡ các loại hoa nào ly, nào cúc, nào hồng, thược dược, đồng tiền... Hoa cũng trở thành nguồn sinh kế của 80% người dân tại Tây Tựu.
Vào vụ mùa Tết, các loại hoa được trồng chủ yếu ở đây là: hoa cúc, hoa hồng, hoa ly, thược dược, violet, hoa bướm… Ngoài những giống hoa truyền thống, ngày nay những người dân tại làng hoa Tây Tựu cũng mạnh dạn đầu tư nhiều giống hoa mới, được thị trường ưa chuộng như hoa đồng tiền, lay ơn xanh và một số loại hoa cúc mới.
Những ngày này, Hà Nội đang bước vào đợt giá lạnh kéo dài, chẳng quản thời tiết rét mướt, mưa gió, những người dân Tây Tựu vẫn kéo nhau ra đồng chuẩn bị cho vụ mùa lớn nhất trong năm. Nhà nhà đổ ra đồng, người người đổ ra đồng, mọi nhân lực được tập trung để những gốc hoa có thể nở kịp đúng dịp Tết. Tiếng máy phay đất, máy nổ, tiếng người cười nói râm ran, không khí Tết đã về rất gần trên làng hoa Tây Tựu.
Ăn vội bát cơm trưa, chẳng có thời gian nghỉ ngơi, anh Nguyễn Xuân Thành (tổ dân phố Trung 8, phường Tây Tựu) lại tất tưởi chạy ra ruộng hoa. Anh bảo, đây là quãng thời gian chạy đua với thời tiết, chạy đua với thời gian. Mọi người trong gia đình anh được huy động hết, mỗi người một việc, người tưới cho đất ẩm, người phun thuốc, người thì nhổ cỏ… Mọi công việc được làm cũng chỉ mong những luống hoa nở đúng dịp Tết, mang đến cho gia đình một cái Tết đầm ấm.
Ở vườn bên cạnh, chị Lê Thu Hồng (tổ dân phốTrung 7, phường Tây Tựu) cũng huy động cả gia đình ra ruộng để chăm sóc cho 5 sào hoa cúc và 3 sào hoa hồng cho vụ Tết. Chị bảo: “Đây là thời điểm cây đang phát lộc, ra nụ nên càng cần công chăm bón nhiều hơn. Mọi công sức đổ ra cũng chỉ mong hoa nở đúng dịp Tết để người nông dân như chúng tôi đỡ vất vả. Trời mưa, gió rét nhiều lúc ngại cũng chẳng muốn ra lội vườn nhưng công sức cả năm vun trồng nên vẫn phải cố mà làm. Đến gần thời gian thu hoạch còn phải có người ngủ lại ngoài ruộng để trông hoa”.
Thấp thỏm lo vì lạnh giá kéo dài
Năm nay, thời tiết giá lạnh kéo dài suốt từ đầu mùa cũng khiến người dân Tây Tựu thấp thỏm không yên, nghĩ đủ cách chăm bón để hoa có thể nở đúng dịp. Đối với những người dân nơi đây, hoa được mùa hay mất mùa phụ thuộc một phần không nhỏ ở thời tiết.
Đầu tư cả trăm triệu cho một mẫu ly và 5 sào hoa loa kèn để bán vào dịp Tết, ông Lê Ngọc Phong (thôn Thượng, phường Tây Tựu) lại đứng ngồi không yên mỗi khi nghe tin dự báo thời tiết. Ông cho hay, nếu thời tiết rét kéo dài, hoa ly sẽ nở sau Tết; nếu thời tiết nồm, ẩm, hoa sẽ nở trước Tết. Dù hoa nở trước Tết hay sau Tết thì đó cũng là một thiệt hại rất lớn về kinh tế đối với gia đình ông.
Ông bảo, người trồng hoa như "đánh bạc" với trời. Đơn cử, vụ hoa Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, một số hộ trồng hoa ly bị lỗ khá nặng do hoa nở không đúng thời điểm, gia đình ông cũng lỗ mất gần trăm triệu. “Cả năm làm ăn, nhà nào cũng đầu tư tiền bạc cho vụ hoa Tết, nếu ông trời không thương thì những người nông dân như tôi coi như cũng mất Tết. Để hoa nở được đúng thời điểm, chỉ có một cách điều chỉnh bằng điều hòa. Muốn làm được như vậy thì hoa phải được trồng trong nhà kính. Tuy nhiên, ở Tây Tựu, người dân không trồng hoa theo mô hình này” ông Phong cho hay.
Nhiều bà con cho biết, vụ hoa Tết năm nay cũng chưa biết "thắng, thua" thế nào vì thời tiết diễn biến phức tạp. Trước thời tiết giá lạnh kéo dài, mọi biện pháp như tưới cho hoa, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, ủ tro trấu vào gốc cây, thắp bóng điện kích cho hoa nở đang được người dân Tây Tựu áp dụng để hoa có thể nở đúng dịp Tết.
Chị Lê Thu Hồng (tổ dân phốTrung 7, phường Tây Tựu) cho biết, trồng hoa ngày Tết cần phải tính toán kỹ lưỡng thời gian sinh trưởng, phát triển, tránh để hoa nở trước hoặc sau Tết quá xa, hoa sẽ không được giá mà chất lượng cũng không cao. Theo chị Hồng, hoa Cúc thường là 3 tháng sẽ thu hoạch nhưng nếu rét thì ba tháng rưỡi, 4 tháng mới cho thu hoạch. Chính vì vậy, thời điểm này gia đình chị thay phiên nhau tưới nước, phun thuốc trừ nấm, sâu bệnh cho hoa, đảm bảo hoa phát triển đúng độ, nở đều và đẹp đúng dịp.
Chị Hồng cũng cho biết thêm, nếu thời tiết thuận lợi, 1 sào hoa cúc gia đình chị sẽ thu lãi 10 - 20 triệu đồng. Dự báo thị trường năm nay, hoa cúc sẽ đắt do thời tiết rét và thời điểm vào cây giống trời mưa, đất ướt, người dân không làm được đất.
Chị Hồng, ông Phong cũng như những người dân trồng hoa tại làng hoa Tây Tựu chỉ mong thời tiết thuận hòa, thị trường tiêu thụ hoa tốt, giá hoa nhích hơn để người nông dân trồng hoa bớt âu lo, vất vả và có một cái Tết đủ đầy.
Thời điểm hiện tại, nhiều thương lái đã về làng hoa Tây Tựu đặt trước hoa cho ngày Tết. Tuy nhiên, nhiều người nông dân cũng chưa dám bán và định giá vì tình hình thời tiết có nhiều diễn biến thất thường, chưa biết được hay mất mùa. Tuy nhiên, nhận định chung, giá hoa năm nay có thể cao hơn năm trước vì thời tiết lạnh, cây sinh trưởng kém.