dd/mm/yyyy

'Người nông dân chuyên nghiệp' là thế nào mà dân ở đây hưởng ứng ầm ầm, nhìn thiết bị bay phun thuốc đã thấy mê

Huyện Tháp Mười là 1 trong 5 huyện được tỉnh chọn để triển khai thực hiện thí điểm mô hình thi đua phấn đấu trở thành “Người nông dân chuyên nghiệp”.

Theo đó, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) huyện Tháp Mười chọn 4 xã: Mỹ Đông, Thạnh Lợi, Phú Điền, Đốc Binh Kiều thí điểm sản xuất nông nghiệp trên cây lúa, cây ăn quả (cây mít).

'Người nông dân chuyên nghiệp' là thế nào mà dân ở đây hưởng ứng ầm ầm, nhìn thiết bị bay phun thuốc đã thấy mê - Ảnh 1.

Người dân xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười áp dụng thiết bị bay để phun thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm chi phí và tăng lợi nhuận trong sản xuất lúa

Tại xã Mỹ Đông, Ủy ban MTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội địa phương tuyên truyền đến đoàn viên, hội viên và người dân tích cực tham gia thí điểm mô hình. Trong đó, vận động người dân làm nông nghiệp từng bước tích hợp đa giá trị, nhất là sản xuất sạch, an toàn theo nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Anh Nguyễn Văn Hải ngụ xã Mỹ Đông, cho biết: “Khi tham gia mô hình, tôi được tham gia các lớp tập huấn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất (bón phân vùi, cấy lúa theo hàng, áp dụng “1 phải 5 giảm”...) giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, lợi nhuận cao hơn so với sản xuất truyền thống. Tôi và nhiều nông dân khác tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất nông nghiệp (thu gom bao, vỏ, chai, lọ phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng) tập kết về nơi xử lý chung, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường”.

Theo Ủy ban MTTQVN huyện Tháp Mười, thông qua mô hình tập trung vào lĩnh vực xã hội và sản xuất, kinh doanh với 9 tiêu chí liên quan trực tiếp mà hộ gia đình cần phấn đấu thực hiện: tất cả thành viên trong gia đình tự nguyện tham gia vào tổ chức chính trị - xã hội; tham gia hợp tác xã, Hội quán; không có người vi phạm pháp luật; tuân thủ các quy định về sản xuất an toàn; thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường; sẵn sàng chia sẻ với cộng đồng về kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh... được người dân hưởng ứng, mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Sau thời gian thực hiện mô hình, đến nay, huyện Tháp Mười có 113 hộ tham gia với tổng diện tích 338,4ha. Qua đó, các tổ chức chính trị - xã hội địa phương đã vận động kết nạp được gần 60 hội viên thuộc 91/113 hộ có tất cả thành viên trong gia đình đủ độ tuổi theo quy định tham gia vào một trong các tổ chức chính trị - xã hội nơi cư trú hoặc nơi học tập, làm việc. Bên cạnh đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN huyện Tháp Mười phối hợp UBND, Ủy ban MTTQVN cấp xã thành lập thêm 3 Hội quán, đến nay, toàn huyện có 12 Hội quán là nền tảng quan trọng làm chuyển biến nhanh nhận thức của người nông dân từ tư duy sản xuất nông nghiệp truyền thống sang làm kinh tế nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Qua thực hiện mô hình tại 4 xã của huyện Tháp Mười cho thấy, nhóm các tiêu chí về tổ chức sản xuất có nhiều chuyển biến tích cực, đa số người dân chuyển sang sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sinh học, hạn chế tác động đến môi trường đất và nước, việc thu gom bao bì, chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được thực hiện tốt. Bên cạnh đó, người dân ứng dụng công nghệ thông tin nhiều hơn, thường xuyên cập nhật thông tin về kinh nghiệm sản xuất, về thị trường, giá cả. Đồng thời chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, hiệu quả sản xuất được nâng cao hơn về sản lượng và chất lượng. Kết quả bình xét của 4 xã được chọn thí điểm mô hình, có 77/133 hộ đạt 9/9 tiêu chí.


DŨNG CHINH