dd/mm/yyyy

Lai Châu: Đồng bào Mông ở vùng cao Khun Há đồng lòng giữ rừng

Những năm gần đây, công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng ở xã Khun Há (Tam Đường, Lai Châu) đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đồng bào Mông nơi đây ngày càng tích cực tham gia bảo vệ, phát triển rừng, góp phần nâng cao tỷ lệ độ che phủ rừng trên địa bàn.

Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Khun Há

Là xã vùng cao của huyện Tam Đường, Khun Há có tổng diện tích tự nhiên 9,536.49 ha, trong đó diện tích rừng hơn 5.235 ha, tỷ lệ độ che phủ hơn 54,5%. Xã có 2 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm 97% dân số.

Mở đầu câu chuyện với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử, anh Cứ A Sở - Chủ tịch UBND xã Khun Há, phấn khởi cho biết: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng. Công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được xã đặc biệt coi trọng và đặt lên hàng đầu. Xã xác định đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.

Người dân xã Khun Há chung tay bảo vệ vốn rừng - Ảnh 1.

Người dân xã Khun Há ngày càng hăng hái tham gia bảo vệ rừng. (Ảnh: Thanh Ngân)

"Từ khi có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn xã đã giảm xuống rõ rệt. Mấy năm gần đây, trên địa bàn xã không xảy ra vụ cháy rừng nào. Đồng bào các dân tộc trong xã chung sức, đồng lòng bảo vệ rừng. Diện tích rừng trên địa bàn xã cũng nhờ đó mà ngày càng phát triển xanh tốt. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã đem lại hiệu quả rõ rệt về mặt kinh tế - xã hội, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của nhân dân về công tác bảo vệ rừng" – anh Sở nhấn mạnh.

Qua câu chuyện với Chủ tịch UBND xã Khun Há, được biết: Trong công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rửng, xã Khun Há gặp phải một số khó khăn. Khó khăn đầu tiên phải kể đến, đó là diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn xã chủ yếu tập trung ở khu vực xa dân cư, đồi núi cao. Thêm vào đó là áp lực tình trạng thiếu đất canh tác sản xuất nông nghiệp… gây ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn.

Người dân xã Khun Há chung tay bảo vệ vốn rừng - Ảnh 2.

Tỷ lệ độ che phủ rừng ở xã Khun Há đạt hơn 54,5%. (Ảnh: Thanh Ngân)

Trước thực trạng đó, Ban Chỉ huy Phòng cháy, chữa cháy rừng xã Khun Há đã tích cực, chủ động tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền và phối hợp với Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, nhân dân đối với công tác bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng. Đặc biệt, xã Khun Há đã gắn nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng với chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, việc làm, an sinh xã hội cho người dân, nhất là người dân làm nghề rừng.

Người dân xã Khun Há chung sức bảo vệ rừng

Bên cạnh đó, xã Khun Há còn tăng cường sự phối hợp giữa các ngành chức năng, đơn vị, chủ rừng; thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trong công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng để hạn chế thấp nhất tài nguyên rừng bị xâm hại.

Người dân xã Khun Há chung tay bảo vệ vốn rừng - Ảnh 3.

Người dân xã Khun Há ngày càng nêu cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng. (Ảnh: Thanh Ngân)

Mùa khô năm 2022 - 2023, Ban Chỉ huy Phòng cháy, chữa cháy rừng xã Khun Há đã tổ chức được 30 hội nghị cấp bản, với 1.867 hộ gia đình tham gia học tập, quán triệt các quy định của pháp luật về lĩnh vực lâm nghiệp; Ký cam kết bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng được 14 bản, với 1.076 hộ gia đình tham gia. Đặc biệt, trong thời gian cao điểm của mùa khô, xã Khun Há đã chỉ đạo công chức Văn hóa thông tin xã phối hợp với Kiểm lâm địa bàn xây dựng bản tin tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy rừng phát trên hệ thống loa truyền thanh của xã. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ rừng.

Theo Chủ tịch UBND xã Khun Há, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lĩnh vực lâm nghiệp tới người dân nên trong thời gian qua trên địa bàn xã không để xảy ra vụ cháy rừng nào. Ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về lĩnh vực lâm nghiệp của người dân được nâng cao rõ rệt. Người dân khi đốt nương rẫy, đồng ruộng ven rừng đều thông tin, báo cáo tổ trưởng tổ chuyên trách bảo vệ rừng của bản về địa điểm, thời gian, diện tích, số người tham gia xử lý đốt thực bì. Tổ chuyên trách bảo vệ rừng các bản trong xã cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch tuần tra rừng, kiểm tra rừng, phân công nhiệm vụ cho các thành viên.

Người dân xã Khun Há chung tay bảo vệ vốn rừng - Ảnh 4.

Được chăm sóc, bảo vệ, những cánh rừng ở xã Khun Há ngày càng phát triển xanh tốt. (Ảnh: Thanh Ngân)

Ngước nhìn cánh rừng xanh tốt phía trước mặt, chị Cứ Thị Cà, dân tộc Mông ở bản Sàn Phàng 2 (Khun Há, Tam Đường) vui vẻ nói: "Khu rừng xanh tốt này trước đây cỏ lau, sậy mọc um tùm. Người dân trong bản thường phát dọn làm nương rẫy hay thả trâu, bò ở đó. Từ khi có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, nghe cán bộ tuyên truyền, vận động nói giữ rừng là có tiền nên người dân trong bản cùng nhau khoanh nuôi tái sinh rừng. Nhờ đó, cánh rừng mới được xanh tốt như bây giờ. Không chỉ khoanh nuôi tái sinh rừng, mỗi khi trong xã xảy ra cháy rừng là người dân trong xã không ai bảo ai, cùng nhau đi dập lửa, cứu rừng".

Được hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đồng bào các dân tộc ở Khun Há nói chung, đồng bào Mông nói riêng luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng bảo vệ rừng. Ai vi phạm sẽ không được nhận tiền dịch vụ môi trường rừng. Những cánh rừng ở xã Khun Há cũng nhờ đó mà được bảo vệ, ngày càng phát triển xanh tốt.

Thanh Ngân