dd/mm/yyyy

Người dân xã Pha Mu chung tay giữ rừng xanh tốt

Những năm gần đây, nhờ có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và sự chung tay, góp sức của người dân trong công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, tỷ lệ độ che phủ rừng của xã Pha Mu (Than Uyên, Lai Châu) ngày càng nâng cao.

Chung tay bảo vệ rừng ở Pha Mu

Nằm trong khu vực lòng hồ thuỷ điện Bản Chát, xã Pha Mu có tổng diện tích tự nhiên là 11.952,53 ha, trong đó có hơn 4.560ha rừng. Tỷ lệ độ che phủ rừng của xã tính đến hết năm 2023 là 39,51%.

Xã Pha Mu có 5 bản, 207 hộ, 1.108 nhân khẩu, thuộc 2 dân tộc Thái, Mông cùng chung sống. Trước đây, phần do trình độ dân trí không đồng đều, phần do tập quán sản xuất lạc hậu, chủ yếu canh tác nương rẫy và chăn thả gia súc, nên công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn xã gặp nhiều khó khăn. Tình trạng phá rừng làm nương rẫy hay xâm lấn rừng vẫn còn tồn tại trong một bộ phân người dân, khiến cho những cánh rừng trên địa bàn xã thường xuyên "rỉ máu".

Người dân một xã ở Lai Châu chung tay bảo vệ rừng - Ảnh 1.

Người dân xã Pha Mu ngày càng hăng hái tham gia bảo vệ rừng. (Ảnh: Thanh Ngân)

Mở đầu câu chuyện với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử, ông Vàng A Sử - Phó Chủ tịch UBND xã Pha Mu hồ hởi khoe: Những năm gần đây, tình trạng chặt phá rừng làm nương rẫy, hay đốt nương gây cháy rừng… hầu như không còn. Người dân trong xã, ai cũng nêu cao ý thức, trách nhiệm trong việc giữ rừng. Không chỉ chung tay, góp sức bảo vệ rừng, người dân các bản trong xã còn tích cực tham gia chữa cháy rừng khi xảy ra cháy rừng.

"Sự thay đổi rõ rệt này bắt nguồn từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng của Nhà nước. Từ khi có chính sách này, người dân được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng hằng năm, nên bà con hăng hái tham gia bảo vệ rừng, phát triển rừng. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân các bản trong xã.

Hằng năm, bình quân mỗi hộ dân trong xã được nhận hơn 20 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Các hộ dân trong xã sử dụng hiệu quả tiền dịch vụ môi trường rừng vào phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống. Nếu không có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, chắc chắn những cánh rừng trên địa bàn xã sẽ không được xanh tốt như bây giờ" – Phó Chủ tịch xã Pha Mu khẳng định.

Người dân một xã ở Lai Châu chung tay bảo vệ rừng - Ảnh 2.

Những cánh rừng ở xã Pha Mu ngày càng phát triển xanh tốt. (Ảnh: Thanh Ngân)

"Nói có sách, mách có chứng" ông Sử dẫn chúng tôi đi thăm những khu rừng xanh tốt, trải dài trên những quả đồi của bản. Chỉ tay lên cách rừng xanh tốt phía đối diện với trụ sở UBND xã, ông Sử cho hay: Quả đồi này trước đây "vắng bóng" cây rừng. Người dân sở tại thường thả trâu, bò ở đó. Từ khi có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, xã đã chỉ đạo các bản vận động bà con khoanh nuôi tái sinh rừng. Sau vài năm khoanh nuôi, cây rừng đã phủ kín quả đồi trọc ngày xưa, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

Pha Mu nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng

Cùng với triển khai thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, xã Pha Mu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, trong đó có Luật Lâm nghiệp. Ngoài việc triển khai thực hiện các văn bản của cấp trên và ban hành văn bản chỉ đạo công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn, xã Pha Mu còn tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cho hàng nghìn lượt người dân các bản.

Người dân một xã ở Lai Châu chung tay bảo vệ rừng - Ảnh 3.

Hằng năm, bình quân mỗi hộ dân ở Pha Mu được chi trả hơn 20 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. (Ảnh: Thanh Ngân)

Đặc biệt, hằng năm xã Pha Mu tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng với các bản trong xã. Các bản trong xã đều có tổ chuyên trách bảo vệ và phát triển rừng. Thành viên các tổ chuyên trách bảo vệ và phát triển rừng thường xuyên tuần tra rừng, nhất là tại các khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Pha Mu, Ban chỉ huy phòng cháy chữa cháy rừng của xã thường xuyên được kiện toàn. Ngoài xây dựng lịch trực, phương án phòng cháy chữa cháy rừng, Ban chỉ huy phòng cháy chữa cháy rừng của xã còn phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên.

Ban chỉ huy phòng cháy chữa cháy rừng của xã Pha Mu cũng đã xác định những khu vực trọng điểm về hoạt động sản xuất nương rẫy trên địa bàn, để lập kế hoạch kiểm tra, hướng dẫn người dân sản xuất. Trong những vùng được phép sản xuất nương rẫy, khi phát dọn, đốt thực bì phải tuân thủ đúng theo quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng.

Với sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền xã cùng với sự chung tay, góp sức của người dân, những cánh rừng ở Pha Mu ngày càng phát triển xanh tốt. Tỷ lệ độ che phủ rừng của xã cũng nhờ đó mà tăng lên qua các năm.

Thanh Ngân