Clip: Lực lượng kiểm lâm Mai Sơn làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Cán bộ kiểm lâm Mai Sơn gần dân để bảo vệ rừng
Huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La có tổng diện tích có rừng trên 58.200 ha, trong đó rừng sản xuất chiếm tỷ lệ trên 62% còn lại là rừng phòng hộ. Diện tích đất sản xuất lớn, cùng với đó là nhiều người dân đang canh tác cây công nghiệp sát với rừng đã gây nhiều khó khăn, thách thức cho công tác bảo vệ rừng trên địa bàn huyện.
Để bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, lực lượng kiểm lâm đã chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương triển khai nhiều phương án bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng ngay tại cơ sở, xử lý nghiêm minh cách hành vi phá rừng trồng cây công nghiệp, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân, từ đó hạn chế tối những vi phạm về Luật Lâm nghiệp trên địa bàn.
Theo ghi nhận của chúng tôi, một tấm biển mới quy định về bảo vệ rừng đã được kiểm lâm địa bàn và những người dân ở bản Nong Tàu Thái, xã Phiêng Cằm, huyện Mai Sơn treo tại nơi trang trọng, dễ nhìn thấy tại nhà văn hóa bản.
Những hành vi bị nguyên cấm trong hoạt động lâm nghiệp, trách nhiệm bảo vệ rừng của toàn dân được quy định trong luật đã được phổ biến rộng rãi tới toàn thể nhân dân. Nhờ đó đã giúp những người dân trên địa bàn bản hiểu rõ hơn lợi ích của rừng và tự ý thức bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.
Trao đổi với chúng tôi, anh Lò Văn Tiên, bản Nong Tàu Thái, xã Phiêng Cằm, chia sẻ: Những năm qua, được sự tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương và cán bộ kiểm lâm, bà con đã hiểu rõ về lợi ích từ rừng nên không còn việc chặt phá như những năm trước nữa. Người dân trong bản bảo ban nhau làm tốt công tác bảo vệ rừng như: Cấm chặt phá, đốt rừng, bảo vệ rừng, tái trồng cây tại các khu đất trồng…
Để nâng cao hiệu quả phổ biến pháp luật công tác bảo vệ rừng, bên cạnh việc tuyên truyền bằng tiếng phổ thông, các kiểm lâm viên phụ trách địa bàn còn đa dạng hóa tuyên truyền, phổ biến bằng tiếng dân tộc như tiếng như tiếng Thái, tiếng Mông. Qua đó, giúp bà con hiểu rõ hơn về quyền lợi và trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Bên cạnh đó, các tài liệu tuyên truyền cũng được phát cho bà con nhân dân với những hình ảnh sinh động về các loài động vật hoang dã cần bảo vệ và những quy định xử phạt khi xâm lấn rừng trái phép.
Ông Lê Tiến Dũng - Kiểm lâm phụ trách địa bàn, Hạt Kiểm lâm huyện Mai Sơn, cho biết: Thời gian qua, cán bộ kiểm lâm đã trực tiếp xuống cơ sở tập trung tuyên truyền cho bà con về Luật Lâm nghiệp các văn bản quy phạm của Nhà nước về bảo vệ rừng, quyền nghĩa vụ của chủ rừng. Qua tuyên truyền nhận thức của bà con được nâng lên công tác quản lý bảo vệ rừng được nâng cao, các vụ vi phạm giảm so với năm trước.
Xã Phiêng Cằm có tổng diện tích đất lâm nghiệp gần 12.000 ha trong đó có gần 7.000 ha đất rừng. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Phiêng Cằm đã triển khai nhiều chính sách nhằm hỗ trợ người dân trồng rừng; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; phối hợp với cán bộ kiểm lâm địa bàn trực tiếp đến từng khu dân cư tuyên truyền người dân các quy định về canh tác nương rẫy; quy định về bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng.
Cùng với đó, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tuần tra, kiểm tra, ngăn chặn các hành vi phá rừng, khai thác rừng trái phép. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia quản lý bảo vệ rừng, đấu tranh, ngăn chặn và tố giác các hành vi phá rừng làm nương rẫy trái phép, qua đó tạo sức lan tỏa về nhận thức và hành động cho nhân dân trên địa bàn.
Ông Cầm Văn Xuyên - Phó Chủ tịch UBND xã Phiêng Cằm, cho biết: Hàng năm, UBND xã đã xây dựng kế hoạch để tuyên truyền đến từng bản trong xã. Cán bộ xã phối hợp với kiểm lâm địa bàn xuống trực tiếp họp dân cùng với ban quản lý bản tuyên truyền đến người dân. Những cánh rừng nào có nguy cơ cháy cao chúng tôi sẽ đi cùng bà con làm đường băng cản lửa. Qua tuyên truyền, nhận thức bà con đã được nâng lên, việc cháy rừng đã không xảy ra.
Để công tác bảo vệ rừng và phát triển rừng đi vào chiều sâu. Hạt kiểm lâm huyện Mai Sơn đã thường xuyên chỉ đạo lực lượng kiểm lâm địa bàn tuần tra, bám nắm cơ sở. Lực lượng này, đã chủ động tham mưu cho cấp ủy chính quyền các địa phương xây dựng các phương án phòng cháy chữa cháy và phát triển rừng; phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức của các chủ rừng và người dân sống gần rừng; đồng thời thường xuyên tuần tra bảo vệ rừng và xử lý vi phạm về việc bảo vệ và phát triển rừng ngay tại cơ sở. Hiện nay, Hạt kiểm lâm huyện Mai Sơn có tổng số 18 biên chế, trong đó có 12 kiểm lâm viên phục trách địa bàn 22/22 xã, thị trấn.
Kiểm lâm Mai Sơn ứng dụng chuyển đổi số để quản lý, bảo vệ rừng
Với diện tích rừng lớn, lực lượng còn hạn chế. Hạt Kiểm lâm huyện Mai Sơn cũng đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện nhiệm vụ. Hiện nay các cán bộ kiểm lâm địa bàn đều được trang bị các thiết bị máy tính bảng, di động có kết nối 4G, việc làm này thuận tiện hơn trong việc theo dõi diễn biến rừng, kiểm tra nhanh chóng các khu vực, lô điểm có khả năng biến động.
Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm địa bàn cũng đã sử dụng thêm các phương tiện bay hỗ trợ như flycam để theo dõi các khu vực rừng đang quản lý, nhanh chóng cơ động, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, cũng như xác định kịp thời các điểm cháy để chủ động lực lượng, phương tiện, kỹ thuật để ứng phó với kịp thời. Việc sử dụng các công nghệ, phương tiện hỗ trợ đã được lực lượng kiểm lâm phụ trách địa bàn sử dụng ngày một thành thạo và phát huy hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ.
Ông Hoàng Văn Ký - cán bộ phụ trách kỹ thuật, Hạt Kiểm lâm huyện Mai Sơn, cho biết: Trước đây, lâu ngày thì mới phát hiện ra đám cháy nhưng bây giờ nhờ công nghệ thông tin mà chúng tôi đã phát hiện đám cháy sớm hơn rất nhiều. Thứ 2 là liên quan đến công tác PCCCR, mỗi khi có đám cháy rừng xảy ra việc ứng dụng công nghệ thông tin theo dõi điểm cháy qua vệ tinh, đặt biệt là sau khi đám cháy xảy ra, chúng tôi sử dụng flycam theo dõi các đám cháy để có biện pháp khống chế phù hợp.
Huyện Mai Sơn hiện có trên 58.200 ha ha rừng, trong đó rừng tự nhiên gần 49.800 ha, còn lại là rừng trồng, phân bố đồng đều tại các xã, thị trấn. Bước vào mùa khô hanh năm nay, Hạt Kiểm lâm huyện Mai Sơn đã tham mưu cho UBND các cấp, kiện toàn 24 ban chỉ đạo về phòng cháy chữa cháy rừng, kiện toàn các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng của 21 xã và 1 thị trấn trên địa bàn huyện.
Tổ chức ký cam kết trong công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng giữa chủ tịch UBND xã và các ban quản lý, bản, tiểu khu, giữa trưởng bản với người dân. Thường xuyên tổ chức kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn các xã thị trấn.
Phân công cán bộ trực 24/24 tại đơn vị, theo dõi nắm bắt thông tin qua hệ thống cảnh báo cháy của Cục Kiểm Lâm, qua đó phát hiện điểm cháy, kịp thời báo cáo lên cấp trên huy động lực lượng chữa cháy kịp thời. Đồng thời, hướng dẫn các xã chủ động phương châm 4 tại chỗ khi có cháy rừng xảy ra. Bên cạnh đó, Hạt cũng chỉ đạo kiểm lâm địa bàn thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân, các chủ rừng và những người sống gần rừng nhằm hạn chế việc đốt rừng làm nương trái phép, nâng cao tinh thần tự tố giác tội phạm vi phạm Luật Lâm nghiệp.
Trao đổi với PV, ông Trịnh Văn Hiển - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mai Sơn, thông tin: Rừng trên địa bàn huyện Mai Sơn chủ yếu là rừng phục hồi, tre nứa, rừng nghèo, trữ lượng thấp, do đó khả năng cháy rừng luôn ở mức cao. Do đó ngay trong tháng 9, Hạt Kiểm lâm tập trung phối hợp với phòng nông nghiệp tham mưu của UBND huyện ban hành kế hoạch bảo vệ rừng mùa khô 2023 - 2024. Trong đó chỉ đạo các chủ rừng, UBND các xã thị trấn triển khai có hiệu quả công tác PCCCR đảm bảo phương châm 4 tại chỗ lấy phòng ngừa là chính, xem xét toàn bộ công tác bảo vệ rừng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị của toàn xã hội.
Theo dự báo, mùa khô hanh năm 2023- 2024 sẽ tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, có thể xảy ra hiện tượng sương giá gây thiệt hại về rừng. Chính vì vậy ngoài việc chủ động công tác dự báo, bám nắm tình hình, sự vào cuộc của các lực lượng chức năng, thì người dân và những cộng đồng sống gần rừng cũng cần nêu cao hơn nữa tinh thần cảnh giác, ý thức trách nhiệm với từ đó hạn chế tối cháy rừng xảy ra trên địa bàn.