Video: Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Yên Châu (Sơn La) tuyên tuyên công tác quản lý, bảo vệ rừng cho người dân.
Đến xã Chiềng On không còn cảnh núi cách sông ngăn như những năm trước đây. Con đường nhựa trải phẳng lì kéo dài tới các bản giáp biên giới Việt – Lào. Nơi đây từng là điểm nóng về tệ nạn khai thác gỗ trái phép và đốt rừng làm nương.
Tuy nhiên, từ khi bà con được giao đất, giao rừng, người Mông, người Xinh Mun… nơi đây đã coi việc giữ rừng là nhiệm vụ quan trọng. Ở các bản làng đều có các tổ, đội quản lý và phòng chống cháy rừng.
Màu xanh của rừng đang trở lại
Bản Nà Đít, xã Chiêng On là nơi sinh sống của hơn trăm hộ dân người Xinh Mun. Bao đời sống gắn bó với rừng, nên giờ đây những ngôi nhà sàn xinh xắn cũng được dựng bên bìa rừng. Từ trên đỉnh núi nhìn xuống, màu xanh của rừng nối nhau dài tít tắp. Đó là thành quả đồng lòng của người Xinh Mun trong việc giữ rừng xanh nơi biên giới.
Hôm chúng tôi đến thăm, ông Vì Văn Xồm, Bí thư Chi bộ bản cũng là Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng bản Nà Đít cùng các thành viên trong tổ Quản lý bảo vệ rừng của bản chuẩn bị đi tuần rừng. Trước khi đi vào rừng, họ đã có buổi trao đổi với anh Nguyễn Chí Công, cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn 2, xã Yên Sơn và Chiềng On thuộc Hạt Kiểm lâm Yên Châu.
Họ đã cùng nhau tổng kết lại những việc đã làm được và việc cần triển khai. Qua buổi sinh hoạt này, họ đã nêu quyết tâm giữ được màu xanh cho bản làng. Ông Xồm là người thông thạo mọi đường đi, lối lại khi đi kiểm tra rừng.
Ông Xồm không giấu được niềm vui khi thông báo với cán bộ quản lý rừng: "Từ đầu năm đến nay, bản chưa từng có trường hợp nào vi phạm, xâm lấn vào rừng. Không có bà con nào phát nương gây hỏa hoạn và cũng không có hộ nào làm nương vào diện tích rừng đã được giao".
Sau buổi thảo luận, hơn chục người trong tổ quản lý rừng của bản Nà Đít đã cùng nhau đi ngược núi để kiểm tra diện tích rừng mà bản đang quản lý. Từng lớp rừng xanh ngắt đã khép tán với nhiều lớp cây nối nhau kéo dài tới tận biên giới Việt – Lào. Cả một vùng rừng xanh, với nhiều loại gỗ quý vẫn được bà con người Xinh Mun gìn giữ. Ông Xồm cùng đội tuần rừng đã đi mòn đất này.
"Người Xinh Mun giữ được rừng là có sự đoàn kết của toàn thể các thành viên trong bản. Bà con cùng xây dựng hương ước, giữ rừng và cùng nhau bảo vệ rừng. Nếu có sự việc gì xảy ra là bà con báo lại ngay cho tổ Quản lý bảo vệ rừng của bản. Hơn nữa, ở mỗi gia đình đều nhận thấy việc giữ rừng là giữ cho cuộc sống ấm no của mỗi gia đình", ông Xồm chia sẻ.
Suốt những năm vừa qua, ông Xồm luôn là người đi đầu trong việc vận động bà con nhân dân nơi đây giữ rừng. Cũng giống như bản Nà Đít, những bản còn lại của xã Chiềng On, bà con đều nêu cao quyết tâm bảo vệ rừng.
Nhờ vậy mà đến nay xã Chiềng On trở thành điểm sáng về bảo vệ rừng. Đây cũng là thành quả mà chính quyền và Hạt Kiểm lâm Yên Châu đã dày công xây dựng và vận động bà con nhân dân tham gia bảo vệ rừng.
Xây dựng Chiềng On trở thành điểm sáng giữ rừng
Từ khi ở các bản triển khai xây dựng kế hoạch bảo vệ rừng, giao cho các tổ, đội giữ rừng đi vào hoạt động, việc phá rừng đã giảm triệt để.
Hạt Kiểm lâm huyện Yên Châu đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền chủ trương bảo vệ rừng. Theo anh Nguyễn Chí Công, cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn, Hạt Kiểm lâm huyện Yên Châu, 100% các bản có tổ, đội bảo vệ rừng. Đặc biệt là từ khi có chính sách khoanh nuôi bảo vệ rừng, bà con còn được nhận tiền dịch vụ môi trường rừng, ai cũng đều ra sức bảo vệ.
Không dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động bà con nhân dân cùng đồng lòng bảo vệ rừng, các tổ, đội bảo vệ rừng của các bản còn phối hợp với các bản lân cận tích cực tuyên truyền người dân bảo vệ rừng; tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp an toàn khi đốt nương.
Xây dựng phương án, chuẩn bị sẵn lực lượng, dụng cụ chữa cháy khi xảy ra cháy rừng. Vào dịp cuối năm, các bản còn tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng các hộ làm tốt công tác bảo vệ rừng, kịp thời động viên, tạo động lực khuyến khích người dân tích cực tham gia vào công tác bảo vệ rừng.
Nói về phong trào bảo vệ rừng, ông Vì Lâm Tới, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng On không giấu được niềm vui: Nhờ cán bộ, đảng viên khéo tuyên truyền, vận động mà công tác chăm sóc, bảo vệ, trồng rừng ở các bản Nà Dạ, Nà Đít, Đin Chí, Keo Đồn… có sự chuyển biến đáng kể.
Cuộc sống bà con dân tộc nơi đây còn nhiều khó khăn, thiếu đất sản xuất, nhưng bà con nơi đây không phá rừng làm nương. Người dân trong mỗi bản tích cực trồng rừng, góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng ở địa phương. Nà Dạ hiện là điểm sáng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng ở xã.
Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Yên Châu, trong 10 tháng đầu năm 2024, Hạt đã tập trung tuyên truyền các quy định pháp luật về bảo vệ rừng, về xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản.
Đơn vị đã phối hợp thường xuyên với Trung tâm Truyền thông văn hoá huyện thực hiện tuyên truyền về công tác quản lý bảo vệ rừng - phòng cháy chữa cháy rừng đến nhân dân như qua loa đài, các phóng sự, chuyên mục.
Bên cạnh đó, Hạt cũng tổ chức được 14 cuộc Hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật công tác bảo vệ rừng và phát triển rừng trên địa bàn huyện Yên Châu năm 2024 thu hút hơn 700 lượt người tham gia. Nội dung tuyên truyền tập trung vào công tác bảo vệ và phát triển rừng, vận động người dân tham gia trồng và phát triển rừng theo các chương trình, dự án của Nhà nước hoặc bằng các nguồn vốn hợp pháp khác. Xã Chiềng On, huyện Yên Châu có 12 bản, với 1.290 hộ dân; Chiềng On hiện có hơn 1.000 ha rừng.