Người chăn nuôi nhiều mối lo
Thông thường dịp cuối năm, nhu cầu về thực phẩm của người dân tăng cao, do đó giá cả một số mặt hàng cũng được đẩy lên theo. Nắm bắt được nhu cầu này, nhiều hộ chăn nuôi lợn đã chủ động tính toán thời gian, găm hàng chờ đúng dịp Tết nguyên đán mới bung ra nhằm bán được giá cao. Tuy nhiên, thời điểm này, ngành chăn nuôi lợn đang đối mặt với nhiều rủi ro.
Cụ thể, tình hình thời tiết diễn biến thất thường là điều kiện lý tưởng để các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm phát sinh. Bên cạnh đó, lượng động vật, sản phẩm động vật lưu thông về Hà Nội cũng tăng đột biến, kéo theo nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho vật nuôi tăng cao.
Theo thông tin từ Cục Thú y, hiện cả nước đã xuất hiện 7 ổ dịch lở mồm long móng, trong đó có 6 ổ dịch được phát hiện tại huyện Ba Vì, Hà Nội. Tuy các cơ quan chức năng đã nhanh chóng kiểm soát và dập tắt dịch bệnh nhưng nguy cơ phát sinh các ổ dịch mới vẫn rất cao.
Ngoài ra, dịch tả lợn châu Phi cũng đang ở rất gần biên giới Việt Nam. Trên đàn lợn, dịch tai xanh cũng có nguy cơ bùng phát rất cao trong dịp Tết nguyên đán Kỷ Hợi này.
Trong khi đó, giá lợn hơi liên tục lên xuống thất thường, hiện đang ở mức 42.000 – 44.000 đồng/kg. So với đợt cao điểm hồi tháng 9, mức giá này đã giảm tới 10.000 đồng/kg, tuy nhiên người chăn nuôi vẫn có lãi.
Gia đình bà Nguyễn Thị Ngư ở thôn Tiên Mai, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức đang nuôi gần 200 lợn thịt, trọng lượng trung bình từ 70 – 80kg/con, dự kiến xuất chuồng vào dịp cuối năm để phục vụ nhu cầu thị trường Tết. “Hy vọng từ nay tới cuối năm, giá lợn sẽ tăng thêm để tôi gỡ gạc lại ít vốn do chăn nuôi thua lỗ hồi năm ngoái. Nếu giá lợn tiếp tục quay đầu giảm thì nhà tôi cầm chắc phần lỗ” – bà Ngư bộc bạch.
Gia đình anh Đặng Phúc Huỳnh, thôn 1, xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì cũng đang nuôi 100 con lợn thịt phục vụ thị trường Tết. Hàng ngày, anh đều nghe ngóng rất kỹ tình hình giá cả thị trường và thông tin về phòng chống dịch bệnh trên lợn. “Tất cả vốn liếng tôi dồn hết vào đàn lợn này. Từ nay tới Tết Nguyên đán còn hơn một tháng nữa, nếu chẳng may đàn lợn gặp rủi ro dịch bệnh thì tôi trắng tay” – anh Huỳnh lo lắng.
Giá lợn hơi ít có khả năng biến động
Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết: Hiện tượng giá lợn hơi tăng đột ngột vào dịp cuối năm sẽ khó xảy ra do số lượng lợn thịt còn trong chuồng của các DN và hộ chăn nuôi còn khá dồi dào. Thực tế, trên địa bàn Thành phố, thời điểm lợn gặp bão giá năm 2016 - 2017, tổng lượng đàn giảm xuống còn 1,6 triệu con. Nhưng thời điểm này, khi giá lợn hồi phục, số lượng đàn lợn đã tăng lên trên 1,8 triệu con.
Tuy nhiên, phần lớn các hộ vẫn đang duy trì đàn lợn ở mức vừa phải. Hơn nữa, vài năm gần đây, Hà Nội có chủ trương tái cơ cấu lại ngành chăn nuôi, phát triển các trang trại quy mô lớn, giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, tình hình chăn nuôi đã đi vào ổn định hơn. Các trang trại chăn nuôi lợn đã chủ động tính toán, cân đối chăn nuôi theo nhu cầu của thị trường. Vì vậy, dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, nguy cơ thiếu hụt hoặc dư thừa thịt lợn là ít xảy ra, giá cả cũng sẽ ít biến động.
Nói về tình hình dịch bệnh trên đàn lợn đang có nhiều diễn biến phức tạp dịp cuối năm, theo ông Sơn, người chăn nuôi nên chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi của gia đình.