Cụ thể, tại miền Bắc, giá lợn hơi tăng từ 1.000 – 3.000 đồng/kg lên đến từ 32.000 – 36.000 đồng/kg. Tại Quảng Ninh, Hưng Yên, Bắc Giang, Thái Bình, giá lợn hơi dao động quanh mức từ 34.000 - 35.000 đồng/kg. Tại những địa phương giáp biên giới Trung Quốc như Lào Cai, giá lợn hơi đạt mức giá cao 35.000 - 36.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, giá lợn hơi dao động từ 32.000 - 35.000 đồng/kg, tăng 2.000 – 5.000 đồng/kg so với tháng trước. Tại Đắc Lắk, giá lợn hơi khoảng 32.000 đồng/kg, tại Bình Định 35.000 đồng/kg. Các tỉnh như Khánh Hoà, Lâm Đồng, Ninh Thuận, giá lợn hơi dao động quanh mức 32.000 - 34.000 đồng/kg.
Tại các địa phương trọng điểm ở miền Nam như Đồng Nai, Bình Dương, Tp. Hồ Chí Minh, giá lợn hơi trung bình khoảng từ 30.000 - 33.000 đồng/kg, tăng 4.000 đồng/kg so với tháng trước.
Trong khi đó, với nhu cầu tăng phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán, giá thu mua gà lông trắng tại khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long biến động tăng với mức tăng từ 1.000 đồng/kg lên đến từ 28.000 – 29.000 đồng/kg. Giá gà thịt lông màu tại 2 khu vực này cũng tăng từ 3.000 – 4.000 đồng/kg lên đến từ 43.000 – 45.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá thu mua trứng gà vẫn ổn định ở mức từ 1.750 – 1.850 đồng/quả; giá trứng vịt từ 2.100 – 2.300 đồng/quả so với tháng trước.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ước tính đàn lợn của cả nước tháng 1.2018 giảm khoảng 5,4% so với cùng kỳ năm 2017. Chăn nuôi gia súc với sự hỗ trợ từ nhiều dự án nên tình hình chăn nuôi bò trên cả nước đạt hiệu quả kinh tế khá cao do đó đã khuyến khích người dân duy trì và phát triển đàn bò. Ước tính đàn bò cả nước tháng 1.2018 tăng khoảng 2,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), với năng lực sản xuất hiện nay thì lượng thực phẩm (thịt lợn, gia cầm, trứng...) đáp ứng đủ cho nhu cầu trong dịp trước và sau Tết Nguyên đán, và sẽ không có tình trạng thiếu hoặc thừa cục bộ như đã từng xảy ra ở các năm trước.