Tận dụng lợi thế về diện tích vườn đồi rộng lớn, cùng với khí hậu trong lành của vùng cao, từ hơn 30 năm nay, người dân các bản ở Xuân Lương đã phát triển cây chè trở thành cây hàng hóa có giá trị kinh tế. Cây chè ở đây được đánh giá cho năng suất khá cao, đặc biệt là chất lượng không thua kém các vùng chè nổi tiếng trong vùng.
Trước đây, người dân thường sản xuất và chế biến chè theo hình thức thủ công, quy mô nhỏ; sản phẩm chủ yếu bán cho thương lái nên giá thấp và thiếu ổn định. Chính vì vậy, các cấp chính quyền của huyện Yên Thế đã ban hành nhiều đề án, chương trình nhằm nâng cao giá trị sản phẩm chè. Một trong các giải pháp là việc khuyến khích các doanh nghiệp, HTX tham gia xây dựng mô hình liên kết, sản xuất chè cùng người nông dân.
Cơ sở sản xuất Trà Thiên Lộc của HTX Hằng Anh đặt tại bản Xuân Môi, xã Xuân Lương, là một trong những đơn vị thực hiện hiệu quả mô hình này. Anh Phan Tuấn Anh, chủ cơ sở cho biết, cơ sở được thành lập tháng 3.2017 với mục tiêu liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè địa phương. Đến nay, đã có 9 hộ tham gia với tổng diện tích trên 4 ha chè.
Bản thân anh Tuấn Anh từng nhiều nhiều năm gắn bó, trăn trở cùng với cây chè Xuân Lương. Theo anh, để thị trường tin tưởng, đón nhận, quy trình chế biến chè phải đảm bảo sạch, an toàn và chất lượng. Do đó, anh đã bàn bạc với bà con sản bám sát những tiêu chí khi xuất chè.
Vùng nguyên liệu chè của các hộ thành viên tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Từng gốc chè được kiểm soát từ quy trình bón phân tới sử dụng thuốc BVTV. Đặc biệt, để tiện theo dõi, mỗi nương chè đều cắm bảng ghi rõ tên chủ nương chè, ngày phun thuốc và thu hoạch khi chè đạt năng suất, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Để tạo sự tin tưởng và ủng hộ, HTX Hằng Anh đứng ra hỗ trợ toàn bộ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hướng dẫn bà con chăm sóc chè theo đúng quy trình đảm bảo an toàn sinh học. Đồng thời, cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm (chè tươi hoặc chè qua sơ chế) khi đảm bảo đúng tiêu chuẩn.
Gia đình ông Phan Văn Minh ở bản Xuân Môi là một trong những hộ tham gia mô hình liên kết này từ những ngày đầu tiên. Ông Minh đã được đầu tư giống chè mới thay thế chè cũ, hướng dẫn quy trình chăm sóc, sản xuất chè, giúp năng suất cao hơn hẳn. Đặc biệt, nhờ giá cả và đầu ra ổn định giúp gia đình thu nhập 30 đến 40 triệu đồng mỗi tháng.
“Nhờ hỗ trợ của cơ sở sản xuất Trà Thiên Lộc, gia đình tôi còn đầu tư hệ thống phun nước tự động; chăm sóc, thu hoạch và chế biến chè đúng khoa học. Do vậy, năng suất chè đã tăng lên gấp nhiều lần so với trước đây”, ông Minh chia sẻ.
Nhờ mối liên kết chặt chẽ, chỉ sau 2 năm thành lập, đến nay cơ sở sản xuất Trà Thiên Lộc đã nhanh chóng khẳng định được thương hiệu và chất lượng. Hiện nay, sản phẩm Trà Thiên Lộc đã được cơ quan chức năng công nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm; các sản phẩm đã được đăng ký thương hiệu, tem, nhãn mác đầy đủ.
“Các sản phẩm chè sạch mang thương hiệu Thiên Lộc đã dần khẳng định thương hiệu tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, với nhiều sản phẩm phong phú như: chè búp khô, bột trà xanh nguyên chất (dạng túi, dạng hũ), trà hoa vàng... Sản phẩm đã có mặt tại một số hệ thống siêu thị và cửa hàng bán lẻ lớn, đồng thời nhận được sự tin tưởng của người tiêu dùng”, anh Phan Tuấn Anh cho biết.
Thu nhập của người trồng chè ở bản Xuân Môi nói riêng cao và ổn định; sự đón nhận tích cực của khách hàng và thị trường ngày càng mở rộng là cơ sở để khẳng định hiệu quả về mô hình liên kết mà cơ sở sản xuất Trà Thiên Lộc đang thực hiện. Đây là những tín hiệu vui giúp nâng tầm thương hiệu chè sạch Xuân Lương, ngày càng vươn xa.
Năm 2018, cơ sở sản xuất Trà Thiên Lộc đã chế biến được trên 100 tấn chè tươi; tiêu thụ khoảng 20 tấn sản phẩm thành phẩm các loại. Ngoài diện tích chè của các hộ thành viên, cơ sở còn cam kết tiêu thụ cho gần 5 ha chè đạt tiêu chuẩn Vietgap ở bản Xuân Môi.