dd/mm/yyyy

Nam Định: Anh nông dân thả la liệt cá, nuôi hàng trăm con lợn, mỗi năm thu nhập cả tỷ đồng

Mô hình nuôi khép kín lợn - cá của anh Trịnh Bá Hải ( huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) mang về cho anh cả tỷ đồng mỗi năm.

Nhiều lần trắng tay vì lợn

Anh Trịnh Bá Hải (SN 1975, trú tại xã Xuân Tân, Xuân Trường, Nam Định) được biết đến là ông chủ trang trại với hàng trăm con lợn kết hợp mô hình nuôi cá mang lại thu nhập cả tỷ đồng/năm.

Những năm gần đây, hết lao đao vì giá, lại đến dịch, người chăn nuôi lợn tại nhiều nơi luôn trong tâm trạng thấp thỏm, bồn chồn.

Gia đình anh Hải cũng không phải là trường hợp ngoài lệ, anh Hải cho biết: "Để chăn nuôi ổn định như bây giờ, gia đình tôi đã trải qua những ngày tháng cơ cực. Thời điểm năm 2017, giá lợn hơi xuống thấp kỷ lục, chỉ còn 16 nghìn đồng/kg, cùng với dịch lở mồm long móng, hàng trăm con lợn chết, khiến gia đình khốn cùng, trắng tay. Tôi đã từng đóng cửa trang trại lợn”.

Nuôi lợn 1.jpg

Anh Trịnh Bá Hải (SN 1975, trú tại xã Xuân Tân, Xuân Trường, Nam Định).

Nhiều lần mất trắng, có người còn khuyên anh Hải bỏ đi đừng nuôi lợn nữa vì chẳng “mát tay".

Không nản chí, anh Hải tìm nhiều cách để có hướng đi hiệu quả hơn. Nhận thấy lợn chết nhiều vì kiểm soát dịch bệnh chưa tốt, anh Hải thấy đâu có mô hình nuôi lợn hiệu quả là đến học hỏi ngay. Rồi anh nghiên cứu, tìm hiểu kỹ thuật qua sách báo, tivi để có thêm kinh nghiệm.

“Quyết tâm cùng với lượng kiến thức học được, sau thất bại năm 2017, tôi bàn với vợ tiếp tục vay vốn đầu tư hệ thống chuồng trại với chi phí 450 triệu đồng.

Rút kinh nghiệm, tôi xây dựng theo kiểu khép kín, chuồng lợn ở trên, ao cá ở dưới. Hai chuồng lợn rộng 350m2 kết hợp với hai ao cá rộng tới 15.000m2.

Theo anh Hải, lợn rất dễ lấy bệnh, vì vậy phải phòng ngừa dịch bệnh bằng vắc xin và thực hiện các biện pháp phòng dịch chặt chẽ để lợn phát triển tốt. Chuồng trại phải luôn sạch sẽ, khô ráo, đồng thời, sau mỗi vụ, phải vệ sinh khử khuẩn, đảm bảo chuồng nuôi sạch bệnh, nuôi lợn lứa sau mới khỏe mạnh.

Để đàn lợn sinh trưởng tốt và kiểm soát dịch bệnh, tôi đầu tư khoản tiền lớn vào việc chọn giống, 100% mua tại công ty. Lợn đầu vào được chọn lọc kỹ càng, kinh nghiệm cho thấy giống khỏe mới cho chất lượng tốt được", anh Hải tâm sự.

Nguồn thức ăn cho lợn cũng cực kì quan trọng, gia đình anh Hải đã ký hợp đồng với một số công ty chuyên sản xuất, cung ứng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y có uy tín. Lâu dần, anh mở luôn đại lý phân phối cho bà con trong khu vực, nếu bà con nào gặp khó khăn, anh sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ.

Mô hình trang trại khép kín lợn - cá

Nuôi lợn 2.jpg

Qua hệ thống camera giám sát, anh có thể kiểm soát đàn lợn 24/24.

Trải qua nhiều lần thất bại khi nuôi lợn bằng trang trại mở, anh rút kinh nghiệm làm trang trại kín.

Anh nông dân đất Nam Định tiết lộ: “Để tránh mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập khu chăn nuôi, tôi cho dựng cổng ngăn cách trang trại với bên ngoài. Thậm chí, để vào trang trại, người làm cũng cần phải được cách ly, khử khuẩn kỹ càng. Tôi là chủ trang trại cũng không có ngoại lệ.

Tất cả các dãy chuồng trại đều được xây dựng khép kín, tách biệt với bên ngoài. Tôi quản lý đàn lợn qua hệ thống camera giám sát 24/24. Bất kể con lợn nào có dấu hiệu bệnh đều được cách ly tại trại riêng, tránh trường hợp bệnh lây ra cả đàn”.

Nhờ học hỏi, anh Hải xây chuồng trại nuôi lợn khép kín theo phương án gồm chuồng trại, kho theo quy trình kỹ thuật, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường. Chuồng lợn đặt phía trên ao , chất thải của lợn một phần được xử lý, một phần trở thành nguồn thức ăn của cá, anh vừa tiết kiệm được chi phí nguồn thức ăn nuôi cá cùng chi phí xử lý chất thải từ lợn. 

Nhờ chăn nuôi theo mô hình khép kín, năm 2019, trang trại của anh vẫn “đứng vững” trước cơn dịch tả lợn Châu Phi. 

1621599339918.jpg

Khu vực ao cá được anh Hải thiết kế khép kín với khu vực chuồng lợn.

Mỗi năm gia đình anh Hải xuất bán ra thị trường hàng trăm con lợn. Với giá lợn hiện nay, sau khi trừ các chi phí, nghề nuôi lợn đã giúp gia đình anh thu nhập 7-800 triệu đồng/năm. 

Hiện tại anh có hai ao với tổng diện tích 15 nghìn m2, chủ yếu anh nuôi giống cá trắm, cá chép vì vừa dễ nuôi lại đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mỗi vụ anh nhập 6 tấn cá giống, trừ chi phí nuôi anh thu nhập thêm 200 triệu đồng/năm. 

Ông N.H.T (60 tuổi, một dân sống quanh khu vực) cho biết: “Chú Hải chăn nuôi đảm bảo lắm, vừa hiệu quả cao, vừa an toàn. Chưa bao giờ tôi thấy vấn đề nào về môi trường xảy ra quanh khu vực này cả. Tôi sống ở đây bao nhiêu năm rồi”. 

Ngoài ra, anh Hải còn tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi cho các hội viên khác học tập, noi theo. Anh được công nhận là một trong những thành viên xuất sắc của hội nông dân tiêu biểu của huyện Xuân Trường.

Trang trại nuôi lợn kết hợp nuôi cá của anh Hải còn tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động địa phương với mức lương 6-10 triệu đồng/tháng.
Bích Vũ - Minh Thúy