Na Chi Lăng (nai dai và na bở) quả to, da xanh nhạt, kẽ mắt trắng hồng, thịt quả dày ngọt thanh thơm ngon đặc trưng. Quả thường có trọng lượng khoảng hơn 350 gram, giá bán trung bình 40.000 - 60.000 một cân. Giá na VietGAP trên 70.000 đồng một cân tùy cỡ trái.
Na đã có mặt trên đất Chi Lăng từ hơn 40 năm nay. Cây trồng thích hợp phát triển ở vùng đất khô cằn trên vách núi, sườn núi, đỉnh núi đá vôi ở hai huyện Chi Lăng và Hữu Lũng. Sản phẩm góp phần cải thiện thu nhập cho người dân, thậm chí nhiều hộ đã vươn lên làm giàu từ cây na.
Hiện diện tích trồng na của toàn huyện Chi Lăng khoảng 1.200 ha (phân bố tại thị trấn Đồng Mỏ, thị trấn Chi Lăng, xã Chi Lăng, Quang Lang và Mai Sao), trong đó có 162 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Riêng diện tích na VietGAP của xã Chi Lăng là 132 ha và GlobalGAP là 5 ha, hướng đến phục vụ xuất khẩu thị trường khó tính. Diện tích còn lại cũng được bà còn thực hiện sản xuất theo hướng sạch và an toàn.
Diện tích na của huyện Hữu Lũng năm 2018 cũng tăng mạnh, đạt khoảng 1.315 ha, trong đó có 25 ha đang được triển khai trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Các xã viên thuộc HTX đều cam kết sản xuất na theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP, GlobalGAP và được chính quyền địa phương tập huấn và giám sát về kỹ thuật trồng, chăm sóc, bón phân có nguồn gốc. Ngoài ra, nông dân đều đồng loạt sử dụng phương pháp đặt bẫy Pheromone để bảo vệ quả tránh ruồi đục. Nhờ đó quả na đều đẹp, năng suất và chất lượng ngon hơn.
Để giảm sức lao động khi phải gánh na từ vách, sườn núi cheo leo, nông dân ở đây sử dụng hệ thống ròng rọc để vận chuyển quả. Cách làm này đồng thời giúp cho trái na được bảo toàn về chất lượng.
2018 là năm thứ hai tỉnh Sơn La tổ chức ngày hội na. Sự kiện diễn ra tại xã Quang Lang, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Không chỉ giới thiệu, quảng bá sản phẩm na sạch tiêu chuẩn Vietgap có tem mác truy xuất nguồn gốc đến người tiêu dùng, chính quyền tỉnh còn kêu gọi đầu tư phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Lạng Sơn như ớt, măng, hồi, hồng, quýt...