dd/mm/yyyy

Mùa hạ kỳ diệu trên những cung đường Tây Bắc

Có một Tây Bắc không nhuộm vàng màu lúa chín, cũng không còn sắc trắng rợp trời của hoa mận, hoa cải. Thay vào đó, Tây Bắc mùa nước đổ hiện lên lung linh như những tấm gương phản chiếu trời đất.

Mộc Châu - Tà Xùa

Cung đường tôi lựa chọn để mở đầu cho chuỗi hành trình Tây Bắc là Hà Nội - Mộc Châu - Tà Xùa - Hà Nội. Nằm cách Hà Nội 300km, cao nguyên Mộc Châu được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu mát mẻ quanh năm, là địa điểm lý tưởng cho những ai muốn thoát khỏi cái nóng oi bức của thủ đô để tìm đến một nơi bình yên trong lành.

Mùa hạ kỳ diệu trên những cung đường Tây Bắc - Ảnh 1.

Mộc Châu mùa hạ khoác lên mình màu xanh tươi mát của những đồi chè. Có lẽ, khắp miền Bắc không nơi đâu cây chè được trồng với quy mô lớn như ở thảo nguyên Mộc Châu. Hình ảnh những dãy chè xanh ngát, uốn lượn, kéo dài từ triền đồi này qua triền đồi khác đã trở thành thương hiệu của vùng đất này, là nguồn cảm hứng bất tận cho những người đam mê du lịch và trải nghiệm như tôi.

Mùa hạ kỳ diệu trên những cung đường Tây Bắc - Ảnh 2.

Mùa hạ kỳ diệu trên những cung đường Tây Bắc - Ảnh 3.

Để có thêm một chút trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên, tôi quyết định khám phá thác nước Chiềng Khoa. Nằm cách trung tâm thị trấn Mộc Châu chỉ 20km, thác Chiềng Khoa ẩn mình giữa thiên nhiên hoang sơ hùng vĩ. Tôi phải đi bộ một đoạn ngắn xuyên qua những bụi cây, thảm cỏ và ruộng lúa của người dân trước khi được chiêm ngưỡng tầng thác nước đầu tiên. Thác có nhiều tầng, mỗi tầng đều có những ao nước khá sâu, nước xanh lơ, trong vắt. Chỉ cần được hòa mình cùng những dòng nước mát lạnh này là mọi oi bức, khó chịu của ngày hè dường như tan biến hết.

Mùa hạ kỳ diệu trên những cung đường Tây Bắc - Ảnh 4.

Trở về thị trấn sau những trải nghiệm cực kỳ thú vị, lựa chọn của tôi một homestay nằm trên thảo nguyên để tận hưởng trọn vẹn không khí trong lành và hòa mình với thiên nhiên.

Mùa hạ kỳ diệu trên những cung đường Tây Bắc - Ảnh 5.

Từ Mộc Châu qua Tà Xùa không quá dài, chỉ khoảng 100km, cách nhau con phà Vạn Yên đi ngang dòng sông Đà. Xã Tà Xùa từ lâu đã nổi tiếng là thiên đường săn mây của những người đam mê du lịch hay các nhiếp ảnh gia phong cảnh. Cung đường từ thị trấn Bắc Yên lên Tà Xùa không khó, nhưng ẩn chứa nhiều thử thách đối với những người cầm lái. Do các đặc điểm khí hậu và thời tiết, Tà Xùa mùa hạ thường khó săn mây hơn mùa đông. Tuy nhiên, với một chút may mắn, tôi vẫn có thể thức giấc ở Tà Xùa với một biển mây bồng bềnh trắng muốt len lỏi khắp những ngọn núi, cánh rừng.

Mùa hạ kỳ diệu trên những cung đường Tây Bắc - Ảnh 6.

Mùa hạ kỳ diệu trên những cung đường Tây Bắc - Ảnh 7.

Địa điểm đẹp nhất để săn mây là “sống lưng khủng long” trên đường trung tâm Tà Xùa tiến vào xã Háng Đồng. Mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho nơi đây một “chiếc cầu” thật đặc biệt giữa biển mây. Bước đi trên “sống lưng khủng long”, chạm tay vào từng làn sương mỏng mát lạnh, cảm giác như đang phiêu bồng giữa những làn sương mây mờ ảo.

Mùa hạ kỳ diệu trên những cung đường Tây Bắc - Ảnh 8.

 Sapa- Mù Cang Chải

Cách Hà Nội chỉ khoảng 300 km với đường cao tốc, khí hậu mát lạnh đặc trưng là lý do khiến Sapa trở thành địa điểm tránh nóng lý tưởng nhất. Với lộ trình di chuyển bằng xe máy như tôi, lựa chọn tốt nhất sẽ là cả xe và người cùng lên tàu hỏa “ngồi” đến Lào Cai, sau đó mới xuống tàu rồi đi tiếp 35km còn lại để tới thị trấn Sapa.

Mùa hạ kỳ diệu trên những cung đường Tây Bắc - Ảnh 9.

Đến Sapa, mục tiêu đầu tiên là chinh phục nóc nhà Đông Dương - đỉnh núi Fansipan (cao 3.143 m). Để tới ga cáp treo Fansipan Legend, tôi di chuyển bằng tuyến tàu hỏa trên cao đi xuyên qua thị trấn và chạy ngang thung lũng Mường Hoa. Ngồi trên cáp treo, tôi được trải nghiệm cảm giác phiêu du giữa lưng chừng mây núi, bên dưới là thung lũng lúa Mường Hoa xanh rì màu mạ non, thấp thoáng nếp nhà mái lá đơn sơ, là rừng già nguyên sinh Hoàng Liên Sơn, là trùng điệp núi non hiểm trở cao hàng ngàn mét… Lên tới đỉnh núi, cảm xúc như trào dâng khi được đứng giữa chốn bồng lai tiên cảnh, bốn bề chỉ có mây trắng trải tận chân trời, được thả hồn trong không gian linh thiêng, thanh tịnh của quần thể chùa Bích Vân Thiên Tự.

Mùa hạ kỳ diệu trên những cung đường Tây Bắc - Ảnh 10.

Đi xa một chút khỏi thị trấn, tôi tới Cát Cát rồi Tả Van... những bản làng dân tộc ít người nằm mộc mạc và bình yên giữa núi rừng. Tại đây, tôi được đắm mình trong cuộc sống đậm đà bản sắc địa phương, được tắm lá dao, ăn thắng cố, uống rượu táo mèo, và làm quen với những người dân tộc thiểu số thân thiện và chất phác.

Mùa hạ kỳ diệu trên những cung đường Tây Bắc - Ảnh 11.

Từ Sa Pa qua Mù Cang Chải là hành trình thật nhiều cảm xúc khi tôi có cơ hội chinh phục đèo Ô Quý Hồ. Con đèo huyền thoại này vắt ngang trời đất Hoàng Liên Sơn, nối liền hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu, là một trong những cung đèo hiểm trở bậc nhất phía Bắc. Cung đường Than Uyên - Tân Uyên dọc quốc lộ 32 lại mang vẻ đẹp thi vị với những đoạn đường chạy dọc sông Đà, với hồ thủy điện nước xanh như ngọc bích, với những mảng ruộng nương đầy màu sắc.

Vào mỗi độ tháng 5 tháng 6, nước từ trên cao lại đổ đầy những thửa ruộng bậc thang lưng chừng núi. Khoảng thời gian này, tranh thủ nước cao, bà con dân tộc lại cùng nhau lên ruộng để cấy lúa. Tầng tầng lớp lớp những mặt nước phẳng lặng, phản chiếu cái nắng xiên đượm vàng của buổi chiều hạ, đan xen một vài bóng lưng khom khom cặm cụi gieo từng gốc mạ tạo nên bức tranh thiên nhiên và con người thật kỳ vĩ mà chỉ riêng xứ Mù Cang Chải mới có. Để thưởng thức trọn vẹn Tây Bắc mùa nước đổ, tôi tìm đường tới ruộng bậc thang Mâm Xôi nổi tiếng ở xã La Pán Tẩn, nơi có diện tích ruộng bậc thang lớn nhất vùng. Săn hoàng hôn ở ruộng bậc thang “vành móng ngựa” xã Sán Nhù hay đón bình minh ở Kim Nọi, ngắm nhìn toàn bộ thị trấn Mù Cang Chải trong nắm sớm cũng là những trải nghiệm vô cùng đáng nhớ.

Mùa hạ kỳ diệu trên những cung đường Tây Bắc - Ảnh 12.

Mùa hạ kỳ diệu trên những cung đường Tây Bắc - Ảnh 13.

Đèo Khau Phạ, theo tiếng Thái có nghĩa là “Sừng Trời”, là một trong bốn cung đèo hiểm trở nhất của Tây Bắc, nhưng cũng là cung đường đèo tuyệt hảo để ngắm nhìn vẻ đẹp Mù Cang Chải. Cầm lái chiếc xe máy rong ruổi giữa đất trời mây núi, thả hồn vào từng ngọn gió nhành cây, đắm chìm trong không khí mát mẻ của rừng già khiến tôi cảm thấy thật tự do và yên bình.

Một vòng Hà Giang

Dọc cung đường khám phá vùng núi Bắc Bộ, không thể không nghĩ tới Hà Giang, nơi địa đầu Tổ quốc. Tôi lựa chọn cung đường thành phố Hà Giang - Quản Bạ - Yên Minh - Đồng Văn - Mèo Vạc - Du Già - Bắc Mê cho hành trình lần này của mình. Từ Hà Nội, tôi đi xe khách giường nằm lên thành phố Hà Giang rồi mới thuê xe máy để bắt đầu khám phá cao nguyên đá. Chặng đường núi đầu tiên khá đơn giản, bánh xe lăn nhanh qua những địa danh nổi tiếng như Cổng trời Quản Bạ, núi đôi Cô Tiên, rừng thông Yên Minh... Tuy nhiên, vì quỹ thời gian cuối tuần không dư dả nên tôi chỉ ghé qua, chứ không thể thưởng thức cảnh đẹp trên đoạn đường này một cách trọn vẹn nhất. Thay vào đó, tôi lựa chọn dành phần lớn thời gian khám phá những chặng đường Đồng Văn - Mèo Vạc - Du Già.

Đồng Văn

Nằm cách thành phố Hà Giang chừng 150 km, huyện Đồng Văn cùng với ba huyện khác là Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc góp phần tạo thành Công viên địa chất Cao Nguyên Đá Đồng Văn - được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Nhưng về đặc trưng, có lẽ Đồng Văn vẫn mang chất “đá” nhiều nhất. Những phiến đá tai mèo nhọn hoắt, chĩa thẳng lên bầu trời xuất hiện trên khắp cung đường dọc Đồng Văn, đá bao quanh từng nhành cây ngọn cỏ, đá xen kẽ giữa những nếp nhà, những thửa ruộng bậc thang. Người dân dựng nhà bằng đá, canh tác trên đá, sống với đá, chết cũng nằm trong đá.

Nằm giữa miền đá Đồng Văn có một thung lũng nhỏ, quanh năm xanh ngát màu rừng cây hoa trái, đó là Sủng Là. Giữa trùng điệp núi non thâm sẫm một màu, Sủng Là hiện lên đầy sặc sỡ và xinh đẹp. Người Mông ở Sủng Là trồng đủ loại hoa màu trên đá, khi là tam giác mạch sắc trắng hồng tươi, khi thì hoa đào ngày xuân rực rỡ, khi lại vàng ươm màu hoa cải. Chính vì thế, Sủng Là còn được mệnh danh là miền đá nở hoa.

Mùa hạ kỳ diệu trên những cung đường Tây Bắc - Ảnh 14.

Mùa hạ kỳ diệu trên những cung đường Tây Bắc - Ảnh 15.

Nếu Sủng Là hiện lên đầy sức sống giữa cao nguyên đá, thì phố cổ Đồng Văn và thị trấn Phó Bảng lại khiến tôi trầm trồ với vẻ đẹp cổ kính đầy hoài niệm. Những ngôi nhà trình tường mái ngói đượm màu thời gian, những khung cửa gỗ có tuổi đời hàng thế kỷ cùng không khí bình yên, lắng đọng là những gì tôi tìm thấy ở hai nơi này.

Ở dọc đường khám phá cao nguyên đá Đồng Văn, tôi còn được trải nghiệm những địa điểm cực kỳ hấp dẫn khác như con đường Hạnh Phúc, dốc Thẩm Mã, Dinh Vua Mèo và đặc biệt nhất là leo bộ gần 400 bậc đá của ngọn núi Rồng để tới Cột cờ Lũng Cú -  Cực Bắc Tổ quốc. Đứng trên đỉnh cột cờ, bên trên là lá cờ đỏ sao vàng tung bay giữa bầu trời biên giới, bạn sẽ cảm nhận được 2 tiếng “chủ quyền” thật thiêng liêng biết nhường nào

Check-in Cột cờ Lũng Cú thì nhiều người làm được, nhưng săn mây tại Cột cờ Lũng Cũ thì không phải ai cũng được trải nghiệm. Bắt đầu từ Đồng Văn vào lúc 4 giờ sáng, tôi có mặt trên đỉnh cột cờ trước khi bình minh lên. Khi những tia nắng đầu tiên của mặt trời xuất hiện, những màn sương mây mờ ảo dần hiện ra, chúng len lỏi qua bản làng Lô Lô Chải, qua từng nếp nhà Thèn Pả. Khi nắng lên cao hơn, cũng là lúc một bức tường mây của thiên nhiên được hình thành để phân chia rõ rành ranh giới giữa trời và đất. Bên trên là mặt trời ửng đỏ rực rỡ, bên dưới vẫn là bản làng đơn sơ mập mờ khói bếp. Được chiêm ngưỡng khoảnh khắc diệu kỳ này, tôi tin mình là một trong những người lữ khách may mắn nhất của cao nguyên đá.

Mùa hạ kỳ diệu trên những cung đường Tây Bắc - Ảnh 16.

Mùa hạ kỳ diệu trên những cung đường Tây Bắc - Ảnh 17.

Tới Cột cờ Lũng Cú, nhớ ghé thăm bản Lô Lô Chải. Đồng bào người Lô Lô ở nơi đây thường xuyên tổ chức các lễ hội cầu mưa, lễ cúng thần rừng, lễ mừng vụ mùa mới... với sự xuất hiện của những điệu múa dân gian truyền thống, đặc biệt là những chiếc trống đồng hàng trăm năm tuổi. Người dân tộc ở bản, ngoài việc sống dựa vào nương rẫy, nay đã biết mở homestay đón khách du lịch. Trải nghiệm một đêm ở Lô Lô Chải cùng dân bản, thưởng thức rượu ngô men lá truyền thống cùng những món ẩm thực độc đáo thực sự thú vị và đáng nhớ.

Mùa hạ kỳ diệu trên những cung đường Tây Bắc - Ảnh 18.

Mùa hạ kỳ diệu trên những cung đường Tây Bắc - Ảnh 19.

Mèo Vạc

Từ Đồng Văn qua Mèo Vạc, tôi trải qua cung đường hiểm trở nhất Việt Nam - Đệ nhất đèo Mã Pí Lèng. Đứng trên đỉnh đèo Mã Pì Lèng cao hơn 2.000m, phóng tầm mắt thật xa để thấy hết không gian mây trời gió núi, tới lúc đó tôi mới cảm nhận được sự vĩ đại của tạo hóa, choáng ngợp trước bức tranh thiên nhiên hùng vĩ của vùng núi khắc nghiệt này.

Mùa hạ kỳ diệu trên những cung đường Tây Bắc - Ảnh 20.

Mùa hạ kỳ diệu trên những cung đường Tây Bắc - Ảnh 21.

Mùa hạ kỳ diệu trên những cung đường Tây Bắc - Ảnh 22.

Mùa hạ kỳ diệu trên những cung đường Tây Bắc - Ảnh 23.

Nếu Đồng Văn nổi tiếng bởi những thị trấn nhỏ, những di tích cổ xưa thì Mèo Vạc lại là miền hội tụ văn hóa đặc sắc của các dân tộc ít người, mà đặc trưng nhất, đó là những hội chợ phiên. Tới Mèo Vạc mùa hạ, tôi được hòa mình trong không khí tấp nập, mua bán náo nhiệt của những phiên chợ... Ngoài việc mua cho mình một vài món đồ kỷ niệm, tôi còn được thưởng thức những món ăn đặc sản người Dao, người Mông như mật ong bạc hà Mèo Vạc, rêu nướng, khâu nhục…

Du Già

Vượt qua Mèo Vạc, thay vì quay lại đường Yên Minh, tôi lựa chọn tiếp tục đi về hướng Du Già - Mậu Duệ trước khi trở về thành phố.

Sau một đêm nghỉ ngơi, tôi lại dậy thật sớm với mục tiêu săn mây ở đèo Gió, ngọn đèo nối liền Du Già và thị trấn Lũng Hồ, vắt vẻo giữa núi đá như một sợi chỉ nhỏ. Sáng tinh mơ trên đỉnh đèo, sương mây giăng phủ kín lối, tôi phải tìm một ngọn đồi cao mới có thể bao trọn được cảnh vật “nổi lên” giữa màn mây. Nếu mây ở Lũng Cú nằm gọn gàng trong thung lũng thì mây ở Đèo Gió lại tràn ngập khắp những đỉnh núi, con đường, trải dài như bất tận. Kết hợp với nắng xiên buổi sớm, trời đất hiện lên dưới những làn mây trở nên lung linh huyền ảo. Có lẽ không có nhiều từ ngữ có thể miêu tả vẻ đẹp này!

Mùa hạ kỳ diệu trên những cung đường Tây Bắc - Ảnh 24.

Mùa hạ kỳ diệu trên những cung đường Tây Bắc - Ảnh 25.

Tiếp tục chạy dọc Đèo Gió, ngược về hướng Lũng Hồ, tôi như phiêu diêu trên cõi bồng lai, chỉ có gió, có mây và chiếc xe nhỏ lăn bánh trên cung đường đèo quanh co. Hành trình săn mây kết thúc khi tôi tới địa phận Lũng Hồ, một thị trấn nhỏ bao quanh bởi bốn bề núi non hoang sơ. Tuy thế, cuộc sống nơi đây lại cực kỳ nhộn nhịp và tấp nập. May mắn tới đây vào Chủ nhật, tôi được trải nghiệm phiên chợ cuối tuần đầy thú vị.

Sau đó, tôi không quên quay lại Du Già, ở đây còn có một địa điểm cực kỳ hấp dẫn: thác Thâm Luông. Để vào thác, bạn bắt buộc phải có người bản địa dẫn đường, phải đi bộ băng qua những cánh đồng, những động đá nhỏ kỳ dị... Thác nhỏ, chỉ có duy nhất một tầng cao khoảng 4m, nhưng đừng vội chủ quan vì lòng ao ở chân thác có đoạn sâu tới gần 3m. Được ngâm mình thư giãn trong làn nước mát lạnh sau một hành trình dài khám phá Hà Giang thì còn gì tuyệt vời bằng. Tôi thậm chí còn mượn kính bơi của lũ trẻ người Mông để bắt cá dưới dòng nước trong vắt, đuổi theo những đàn cá nhỏ bơi tung tăng thực sự thú vị.

Với cảnh quan sơn cước hoang sơ và đa dạng phong phú, cùng sự pha trộn giữa nhiều nền văn hóa dân tộc thiểu số, vùng núi phía Bắc Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Với những ai yêu thiên nhiên, muốn tự do thả hồn cùng mây trời gió núi, chắc chắn chinh phục những cung đường này sẽ là trải nghiệm kỳ diệu trong mùa hè đầy nắng.

Mùa hạ kỳ diệu trên những cung đường Tây Bắc - Ảnh 26.

Mùa hạ kỳ diệu trên những cung đường Tây Bắc - Ảnh 27.

Hải Anh