Tận dụng được lợi thế khí hậu cùng với chi phí đầu tư 6 tỷ đồng, đưa công nghệ vào sản xuất, mỗi năm vườn dâu cho thu hơn 20 tấn quả với lợi nhuận nửa tỷ đồng.
Cách trung tâm thị trấn Sa Pa chừng 7 km theo hướng đi Tả Phìn, vườn dâu tây 2,5 ha của anh Trần Tuấn Nghĩa đang là điểm đến thu hút đông đảo du khách khi đặt chân tới xứ sở sương mù. Đây cũng là khu trồng dâu tây công nghệ cao có quy mô lớn đầu tiên ở Sa Pa.
Anh Nghĩa cho biết: “Tôi cùng hai người bạn góp vốn mở trang trại dâu tây từ tháng 10.2016. Tuổi trẻ đầy đam mê, nhiệt huyết nhưng chưa có kinh nghiệm cũng như kiến thức kỹ thuật, năm đầu tiên dâu tây bị bệnh và thối do mưa nhiều nên chỉ hòa vốn.
Sang tới năm thứ hai, rút kinh nghiệm, chúng tôi áp dụng trồng trong nhà lưới tự chế bằng tre, thấp, giống cũng mới nên vừa làm vừa mày mò cách chăm sóc. Tuy nhiên, vì chưa có kỹ thuật, trồng hơi muộn nên cây cho năng suất thấp, quả chua nên lỗ nặng”.
Đến năm thứ 3, anh Nghĩa mạnh dạn trồng dâu theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Vì đây là hình thức sản xuất mới, ở Lào Cai chưa có ai làm, chi phí đầu tư lên đến tiền tỷ nên các bạn anh rút lui vì không muốn mạo hiểm.
Một mình một chiến tuyến, anh phải thuyết phục gia đình cắm sổ đỏ, vay ngân hàng hơn 2 tỷ đồng để đầu tư trồng dâu một cách bài bản theo công nghệ Nhật Bản. Chị Dung - vợ anh Nghĩa - cũng quyết định từ bỏ công việc ở Đài Phát thanh huyện Sa Pa để góp công, góp sức cùng chồng sản xuất nông nghiệp.
Gần như làm lại từ đầu, hai vợ chồng anh san gạt đất, làm nhà lưới, chuẩn bị giá thể, hệ thống tưới nhỏ giọt tự động… chuyển hẳn từ phương pháp trồng trọt truyền thống sang trồng trọt theo hướng công nghệ cao.
Trong nhà lưới 700 m2 vừa xây dựng, anh Nghĩa từng trồng thử nghiệm nhiều sản phẩm nông nghiệp như cà chua, mầm đá, dưa lưới... nhưng thiếu đầu ra nên đều không cho kết quả như mong đợi.
Không nản chí, đến năm 2018 anh Nghĩa quyết định chỉ tập trung vào trồng 4 giống dâu tây chọn lọc từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ thay vì thay vì trồng đại trà 8 giống dâu như những năm trước. Đặc điểm của những giống dâu tây này là quả to, khi chín có vị ngọt đậm đà pha chút chua dịu, hương thơm đặc trưng hấp dẫn.
“Dâu tây được trồng từ tháng 10 hàng năm, sau 3 tháng cây cho thu hoạch quả. Trong quá trình chăm sóc hàng ngày phải tưới nước thường xuyên, cắt tỉa lá già, tay dâu, nhặt bỏ quả thối, hỏng... ngoài ra tôi còn nuôi thêm ong trong nhà lưới để tăng cường thụ phấn cho cây”, anh Nghĩa chia sẻ.
Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, anh tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Tất cả các luống dâu tây được trồng trên giá cách mặt đất 1 mét để tránh ẩm mốc, giúp cây khô thoáng và hạn chế nấm, bệnh. Bên cạnh đó, việc trồng cây trên giá cũng giúp cho việc trải nghiệm, chụp ảnh của khách tham quan, đặc biệt là các em nhỏ trở nên dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, vườn dâu được trồng hoàn toàn trong hệ thống nhà lưới kiên cố, đảm bảo mưa cũng như các loại côn trùng không thể vào, bởi vậy sẽ không phải sử dụng các loại thuốc trừ sâu. Tất cả các cây dâu tây được trồng bằng giá thể đã qua xử lý, luống dâu được phủ một lớp nilon ngăn cỏ giúp cây sinh trưởng tốt. Nhờ “nói không” với các loại thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm tạo ra không chỉ thơm ngon mà còn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, du khách có thể thoải mái hái dâu ăn ngay tại vườn.
Sau bao nỗ lực, cố gắng và nếm trải vị đắng của không ít khó khăn, thất bại... anh Trần Tuấn Nghĩa cũng đã thu được thành quả xứng đáng. Đến nay, vườn dâu tây của anh đã mở rộng quy mô lên tới 2,5 ha, trở thành điểm đến tham quan, thưởng thức của khá đông người dân địa phương và du khách mọi miền.
Cứ đến mùa, khi những trái dâu chín đỏ rực trên giá thể là lúc khách tự tìm đến đắm mình trong không gian ngọt mát của vườn dâu mơn mởn để tự tay lựa những quả to, mọng nhất, vừa thích thú thưởng thức vị ngọt đậm thơm nồng, vừa tỷ mẩn đóng gói mang về như một thứ quà hảo hạng tặng người thân.
Sa Pa là vùng đất du lịch, trong đó có tuyến du lịch vào xã Sa Pả, Tả Phìn, nơi có bãi đá cổ nên thu hút rất nhiều khách tham quan. Có những mùa cao điểm, mỗi ngày anh đón tới vài trăm lượt khách.
Thời điểm chính vụ là qua Tết âm lịch, giá dâu tây 200.000-250.000 đồng/kg, trung bình anh Nghĩa thu về 7 - 8 triệu đồng/ngày. Dịp cao điểm như 30.4, 1.5, 2.9, Tết Dương lịch, thu nhập từ bán sản phẩm lên đến 20 triệu đồng/ngày sau khi trừ chi phí. Mỗi năm anh bỏ túi nửa tỷ đồng từ vườn dây tây.
Dù còn nhiều khó khăn nhưng những thành quả ban đầu là động lực quý giá giúp đôi vợ chồng trẻ Lào Cai tiếp tục với nông nghiệp công nghệ cao dù biết rằng đó là một con đường đầy chông gai và thách thức.
Trần Tuấn Nghĩa cho biết: “Tuy làm nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm nhưng tôi không bán vé, khách thoải mái vào tham quan, nếu muốn mua, tôi chỉ tính tiền sản phẩm theo giá niêm yết. Năm 2019 này, tôi sẽ trồng thêm nhiều loại giống dâu tây mới của Mỹ, Nhật...và giống dâu xứ nóng cho quả quanh năm để khu vườn trở nên sinh động, đẹp mắt như khu vườn sinh thái, mang đến cho du khách những sản phẩm lạ, ngon, sạch và chất lượng nhất”.