Vỡ mộng và mắc nợ
Từng một thời chạy đua theo phong trào con đặc sản, ông Mai Văn Đỉnh ở xã Yên Thành, huyện Yên Mô (Ninh Bình) hiểu hơn ai hết về những gian truân, vất vả của nghề này. “Đầu năm 2013, khi phong trào nuôi vịt trời rộ lên ở một số tỉnh miền Bắc, tôi cũng tìm hiểu và mua giống của một lái buôn ở xã, khi bán họ cũng hứa hẹn hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm đầu ra, nhưng sau đó họ biến mất, hơn 500 con vịt giống nhà tôi bị chết nhiễm bệnh và bị bay mất gần nửa đàn” - ông Đỉnh buồn rầu nhớ lại.
Việc chăn nuôi vịt trời tự phát theo phong trào đang khiến cho nhiều chủ trang trại ở Ninh Bình gặp “quả đắng”. Ảnh: Hải Đăng
“Hàng chục triệu đồng đầu tư giống, chuồng trại, sau 5 tháng nuôi còn sót lại hơn 200 con, tưởng rằng khi bán sẽ gỡ gạc được vốn, ai ngờ vịt trời mang ra chợ bị đánh đồng với vịt nhà, thậm chí khách còn trả rẻ hơn vịt thường mà vẫn khó bán”- ông Đỉnh ngậm ngùi kể.
Tại thành phố Tam Điệp (Ninh Bình) từng có phong trào nuôi nhím mạnh nhất tỉnh, song đến giờ do giá nhím giảm mạnh nên nhiều hộ đã treo chuồng, một số hộ đã chuyển sang chăn nuôi lợn, gà.
Ông Trịnh Văn Tiến - Chủ nhiệm CLB cây, con đặc sản xã Đông Sơn, TP.Tam Điệp.
Minh chứng cụ thể nhất là hộ bà Trần Thị Tâm ở TP.Tam Điệp. Đầu năm 2010 thấy nhiều người ở tỉnh giàu lên từ nhím, bà Tâm vay mượn anh em họ hàng mua được 5 cặp nhím giống với giá 16 triệu đồng/cặp. Sau vài năm nuôi, đàn nhím sinh sản khá nhiều song giá nhím lại quay đầu giảm sâu, khiến gia đình bà điêu đứng. “Gia đình tôi có hoàn cảnh khó khăn, tìm hiểu mãi mới thấy có cơ hội thoát nghèo từ con nhím, vậy mà sau vài năm chăn nuôi con đặc sản giờ lại trắng tay, không biết bao giờ mới trả hết nợ được” - bà Tâm chia sẻ.
Anh Trịnh Văn Đàm ở thôn 12, xã Đông Sơn (TP.Tam Điệp) có phần may mắn hơn. Anh Đàm cho biết gia đình đầu tư nuôi nhím từ năm 2006, năm 2010 phát triển được đàn nhím với 50 con, trong đó có 15 cặp bố mẹ, song đến đầu năm 2011, nhận thấy giá nhím có vẻ trùng xuống nên anh quyết định xuất bán gần hết.
“Giá nhím giảm nhanh quá sức tưởng tượng của người nuôi, chỉ sau vài tháng, giá nhím giảm tới 90%, từ 18 triệu đồng/cặp nhím giống, 40 triệu đồng/cặp sinh sản xuống còn 1,5 - 1,8 triệu đồng/cặp nhím giống và 5 triệu đồng/cặp sinh sản. Nếu tôi không tinh ý bán ngay thì cầm chắc khoản lỗ hàng trăm triệu đồng” - anh Đàm cho hay.
Hệ quả của chăn nuôi tự phát
Lý giải về nguyên nhân giá nhím giảm, ông Trịnh Văn Tiến - Chủ nhiệm CLB cây, con đặc sản xã Đông Sơn, TP.Tam Điệp cho rằng: “Nguyên nhân chính vẫn là do thị trường nhím giống đã bão hòa mà nhím thịt khó tiêu thụ. Đặc biệt, năm 2010 giá nhím giống 2 tháng tuổi lên tới 16-18 triệu đồng/đôi nên nhiều người dân đổ xô vay vốn ngân hàng đầu tư vào nhím. Từ năm 2011 đến nay, thị trường nhím chững lại, không bán được khiến nhiều gia đình vỡ nợ”.
Chăn nuôi và kinh doanh nhím giống, nhím thương phẩm từng khiến ông Trịnh Văn Đàm ở xã Đông Sơn, TP.Tam Điệp (Ninh Bình) chịu thua lỗ hàng chục triệu đồng. Ảnh: Hải Đăng
Theo ông Tiến, giá nhím giảm cũng một phần do người dân tự thổi giá nhím giống lên quá cao, không đúng với thực tế. Không chỉ vịt trời, nhím mà mặt hàng gà Đông Tảo - một loài gà quý, thơm ngon nức tiếng song cũng đang gặp không ít khó khăn. Ông Lê Quang Thắng – Chủ tịch Hội chăn nuôi và kinh doanh gà Đông Tảo ở xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) thừa nhận, việc chăn nuôi và thị trường tiêu thụ loài gà đặc sản này đang rất nhộn nhạo.
Ông Lê Quang Thắng.
Dù không phải là vật nuôi có thế mạnh ở vùng chiêm trũng, song ông Phan Văn Miền ở huyện Yên Mô (Ninh Bình) vẫn mạnh tay chi cả chục triệu đồng mua mấy cặp gà Đông Tảo giống ở Hưng Yên về chơi và nhân giống. Đến giờ, trang trại của ông Miền đã có trên dưới 100 con gà Đông Tảo cả giống và thương phẩm song việc tiêu thụ khá khó khăn.
Ông Miền cho biết: “Hiện tôi đang sở hữu mấy cặp gà Đông Tảo thuần chủng, trong đó có một con gà trống thuộc hàng hiếm chân vảy, rất đẹp mã. Con gà này đang được gia đình dùng để phối giống và đã cho ra đời nhiều con giống tốt nhưng vẫn chưa tìm được thị trường tiêu thụ ổn định, chủ yếu vẫn bán nhỏ lẻ với giá gần như gà bình thường”.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đăng Vang – Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng: “Không chỉ giá các mặt hàng chăn nuôi nhím, vịt trời… giảm sâu mà sắp tới việc chăn nuôi các con đặc sản khác như lợn rừng, gà Đông Tảo cũng sẽ gặp khó khăn về đầu ra”.
Theo ông Vang, chính việc thiếu quy hoạch trong chăn nuôi cùng với phong trào chăn nuôi con đặc sản tự phát, thiếu kiến thức về thị trường đã “giết” người chăn nuôi.
“Để giải quyết được vấn đề này cần phải có sự vào cuộc của nhiều đơn vị. Trong đó, nhà nước cần phải có định hướng cụ thể, lập lại quy hoạch chăn nuôi nói chung và nuôi con đặc sản nói riêng. Bên cạnh đó, bản thân người nuôi cũng cần phải thay đổi lại nhận thức chăn nuôi, không nên chạy theo phong trào mà nên chọn các cây, con phù hợp với địa phương và phải nắm được thị trường thì việc chăn nuôi mới bền vững” - ông Vang nhấn mạnh.