Gần đây trên chợ mạng, nhiều tiểu thương hiện rao bán rươi tươi với giá 600.000 - 700.000 đồng/kg. Theo quảng cáo, đây là rươi tươi Tứ Kỳ (Hải Dương), mỗi năm chỉ có một lần, mùa vụ kéo dài từ tháng 9 đến tháng 10 âm lịch.
Chị Hạnh My, chủ một cửa hàng hải sản ở Hà Nội cho biết, sở dĩ rươi tươi có giá đắt đỏ là bởi, rươi phát triển hoàn toàn tự nhiên, không thể nuôi, lai tạo được. Chúng sống ở vùng nước lợ và các con sông hay có thủy triều lên xuống.
Ở miền Bắc, rươi chỉ có một số tỉnh thành như Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương. Để bắt rươi, người ta phải be bờ, đắp đập, đào hệ thống mương dẫn nước từ sông vào các ruộng, đầm, lầy.
"Người Hải Dương hay có câu "tháng 9 đôi mươi tháng 10 mùng năm", ý chỉ đây là thời điểm thu hoạch rươi tốt nhất. Những con rươi bắt được thân béo mầm, mình ngoe nguẩy, sắc da ửng hồng" - chị kể.
Theo chị My, do mùa rươi không kéo dài, nên hầu như năm nào tới vụ, nhà chị cũng đều tranh thủ lấy hàng sớm về bán. Thậm chí, chị còn phải làm việc với chủ vườn trước đó cả tháng để nhập số lượng lớn.
"Trung bình mỗi ngày, nhà tôi cung cấp ra thị trường 10 - 15 kg rươi với giá bán buôn từ 450.000 - 500.000 đồng/kg, giá bán lẻ từ 600.000 - 700.000 đồng/kg. Trừ hết chi phí, kho bãi, công vận chuyện cũng thu về ngót cả triệu đồng tiền lãi mỗi ngày" - chị tâm sự.
Anh Trần Tú, một tiểu thương trên chợ mạng cho rằng, hiện nay, rươi gồm có 2 loại là tươi sống hoặc là cấp đông. Trong đó, rươi tươi luôn được săn đón hơn cả, vào thời gian cao điểm, mỗi cân đặc sản còn có giá lên tới 700.000 đồng.
Do có giá thành đắt đỏ, anh Tú thường bán rươi theo lạng, như rươi ở vùng Quảng Ninh, Thái Bình dao động 50.000 - 55.000 đồng/lạng, rươi Hải Dương từ 60.000 - 70.000 đồng/lạng.
"Rươi càng to thì thịt càng ngon, thân càng hồng thì chứng tỏ chúng còn sống khỏe mạnh. Thế nên, khi lựa chọn, khách nên bỏ mấy con nhỏ, gầy gò, ít cử động vì khi chế biến, chúng sẽ không cho hương vị thơm, ngon" - anh chia sẻ.
Để có nguồn hàng đảm bảo chất lượng, anh Tú hay đánh xe đến tận đầm rươi để thu mua. Theo tiết lộ, mỗi lần đi đánh hàng, anh thường lấy cả tạ về bán cho bõ. Ngoài bán online, anh còn cung cấp cho các quán ăn, nhà hàng chuyên rươi ở Hà Nội.
Là một người nghiện món chả rươi, cứ vào cuối tháng 10 đầu tháng 11 hàng năm, chị Tú Trinh (Thanh Xuân, Hà Nội) lại mua rươi về chế biến cho cả nhà. Theo chị, mua được rươi tươi sống vẫn tốt hơn là đông lạnh, là bởi chúng vẫn giữ được độ thơm của hàng mới.
"Vốn là khách quen của cửa hàng nên tôi được mua với giá hữu nghị là 480.000 đồng/kg. Rươi này tôi mua về chủ yếu làm lẩu, chả, nem hoặc kho muối cất ăn dần. Trong rươi chứa đậm hàm lượng dưỡng chất, thậm chí còn nhiều hơn cá thịt nên nhà tôi rất ưa dùng" - chị nói.
Tuy nhiên, chị Trinh còn cho rằng, tuy là món ngon nhưng với những người hay bị dị ứng thì không nên ăn rươi. Nếu muốn ăn, người dùng nên thử từng chút một để xem phản ứng của cơ thể. Hoặc cho thêm vỏ quýt vào như gia vị để phòng các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa có thể gặp phải khi ăn rươi.
An Chi