Tổ chức đưa nông dân sang Hàn Quốc là một trong những hoạt động chính trong Chương trình "Đưa nông dân Việt Nam xuất sắc đi nước ngoài tham quan, học tập mô hình nông nghiệp công nghệ cao" thuộc chuỗi các sự kiện Tự hào Nông dân Việt Nam 2017 (do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì tổ chức; Báo NTNN được giao trực tiếp thực hiện).
Chăm cây bằng… Vitamin
Mô hình nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên tại xứ Kim Chi mà Đoàn nông dân Việt Nam đến thăm là nông trại Four Season ở tỉnh Gyeong Gi, một trong những tỉnh có nền nông nghiệp phát triển tại Hàn Quốc.
Tiếp đón đoàn, ông See Jea Hoon, chủ nông trại Four Season cho biết: Mô hình nông trại của ông có diện tích khoảng trên dưới 10.000m2 . Cây trồng mà gia đình ông canh tác chủ yếu là cà chua và dâu tây. “Với phương pháp canh tác thông minh dùng các công nghệ mới như nhà kính, giàn tưới tự động… chúng tôi đã không chỉ tiết kiệm được rất nhiều chi phí nhân công mà hiệu quả kinh tế vẫn đạt ở ngưỡng cao như mong muốn”, ông See Jea Hoon tiết lộ.
Điều bất ngờ và thú vị nhất mà các nông dân Việt Nam xuất sắc cảm nhận được khi đến thăm nông trại này không chỉ là các máy móc, công nghệ áp dụng vào canh tác, mà chế độ chăm sóc, phòng trị bệnh cho cây trồng ở đây cũng rất đặc biệt. Vào các thời kỳ có sâu, bệnh hại cây trồng, ông chủ nông trại thường sử dụng một loại Vitamin đặc biệt phun cho cà chua, dâu tây 2 lần/ngày. “Với việc dùng loại Vitamin này, không chỉ phòng, trừ sâu bệnh hiệu quả cho cây mà vẫn đảm bảo yếu tố sản xuất sạch, hữu cơ, các sản phẩm làm ra luôn tươi, ngon và chất lượng nhất có thể”, ông chủ nông trại Four Season chia sẻ.
Cũng theo ông See Jea Hoon, với việc sản xuất bằng các công nghệ hiện đại, tốn ít nhân công, trung bình mỗi năm nông trại của ông có thu nhập trên 100 triệu Won (tương đương với trên 90.000 USD).
Lần đầu được đến thăm nông trại nông nghiệp công nghệ cao tại Hàn Quốc, ông Nguyễn Hữu Trung, nông dân Việt Nam xuất sắc tại Nam Định tỏ ra rất háo hức và tò mò muốn khám phá. Vừa đi thăm quan vườn, ông Trung vừa cẩn thận xem từng chi tiết máy móc, các công cụ sản xuất tại nông trại Four Season. “xem, nghe thấy nhiều qua đài, báo, tivi về các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại ở Hàn Quốc nhưng đây là lần đầu tôi có cơ hội sang xứ sở Kim chi tìm hiểu, học hỏi. Tôi phải cố gắng tích lũy thật nhiều kiến thức để sau khi về nước sẽ lưu lại làm tài liệu nghiên cứu dần, mong sẽ áp dụng được phần nào đó vào việc sản xuất của gia đình mình và giúp cho các nông dân trong tỉnh cùng làm giàu”, ông Trung bộc bạch.
Khi đến các khu vườn trồng cà chua, dâu tây, các thành viên Đoàn nông dân Việt Nam xuất sắc không chỉ bị thuyết phục bởi các công nghệ mà chủ nông trại áp dụng vào cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, mà tại đây, mọi người còn được chủ vườn đón tiếp rất nhiệt tình. Đáng nói ông See Jea Hoon đã trực tiếp hái các trái dâu tây, cà chua được trồng tại nông trại của mình để mời các thành viên của đoàn ăn thoải mái.
“Vừa thăm quan, học tập sản xuất công nghệ cao, lại vừa được thưởng thức các trái cây hữu cơ nên chúng tôi cảm thấy rất thú vị và mãn nhãn. Mong rằng sau chuyến đi này về, tôi sẽ áp dụng được nhiều kỹ thuật canh tác mới này vào ruộng, vườn của gia đình mình để làm giàu”, ông Cao Xuân Lãng - nông dân Việt Nam xuất sắc ở Bắc Kạn nói.
Cách làm nấm “thần dược”
Chưa hết choáng ngợp trước sự hoành tráng của nông trại trồng dâu tây, cà chua công nghệ cao, các thành viên trong Đoàn nông dân Việt Nam xuất sắc lại tiếp tục đón nhận bất ngờ khi được đến thăm nông trại trồng nấm linh chi ở Gyeong Gido.
Vào vùng sản xuất nấm linh chi ở Gyeong Gido, đi đến đâu chúng tôi cũng thấy tràn ngập các nhà nilon từ các cánh đồng cho đến các chân đồi, núi. Các nhà nilon này được các chủ vườn thiết kế, xây dựng để trồng ra loại nấm “thần dược”, một trong những sản phẩm nổi tiếng thế giới hiện nay.
Ông Yu Dae Sang, chủ một nông trại trồng nấm linh chi quy mô lớn tại Gyeong Gido cho biết: Với diện tích trồng nấm linh chi rộng trên 120.000m2, mỗi năm nông trại của ông bán ra thị trường Hàn Quốc và các nước lân cận khoảng hàng chục tấn nấm.
“Để trồng được loại nấm đặc biệt này, chúng tôi đã phải đầu tư rất nhiều kinh phí từ việc xây dựng nhà nilon đến tuyển chọn vật liệu gỗ làm nấm, lắp đặt giàn tưới tự đồng… Tuy nhiên đổi lại, sản phẩm của nông trại làm ra luôn dễ bán và được giá cao”, ông Yu Dae Sang khẳng định.
“Trong nghề trồng nấm linh chi, để thành công được thì ngoài việc đầu tư công nghệ cao trong sản xuất, khâu tiêu thụ cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, ở đất nước chúng tôi thì việc này khá thuận lợi, bởi việc phát triển nghề trồng linh chi đang được nhà nước khuyến khích, cùng với đó là việc xây dựng thương hiệu cũng như tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm cũng được địa phương hỗ trợ tối đa nên chúng tôi rất yên tâm sản xuất”, ông Yu Dae Sang nhấn mạnh.
“Yếu tố quan trọng hàng đầu trong trồng nấm linh chi là nhiệt độ, nấm phát triển tốt nhất ở nhiệt độ 400 C. Để đảm bảo được điều này, chúng tôi đã phải đầu tư làm nhà nilon để trồng nấm, từ đó việc điều chỉnh nhiệt độ cũng như các kỹ thuật chăm sóc khác cũng rất thuận tiện” - ông Yu Dae Sang - chủ một nông trại trồng nấm linh chi quy mô lớn tại Gyeong Gido chia sẻ.
“Mô hình đưa nông dân đi học tập kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp của các nước do báo Nông thôn Ngày nay tổ chức là hoạt động vô cùng hiệu quả và cần thiết trong thời kỳ hội nhập quốc tế này. Qua những chuyến đi này, nông dân chúng tôi không chỉ được học tập kinh nghiệm và tiếp cận công nghệ mới mà còn là cơ hội lớn để đưa sản phẩm của mình ra với thị trường nước ngoài, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp Việt Nam” - Ông Trần Quang Hiên - nông dân Việt Nam xuất sắc ở Cà Mau.