Khó khăn trong chuyển đổi cây trồng ở Trung Đồng
Xã Trung Đồng có 6.300ha đất, trong đó có tới 50% diện tích đất nông nghiệp. Lúc trước, người dân trên địa bàn xã chỉ tập trung vào sản xuất lúa, ngô, chè và các loại cây rau, hoa màu phục vụ tại chỗ, năng suất thấp, chưa hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp. Với những định hướng, chỉ đạo đúng đắn của chính quyền xã, cùng sự nhạy bén của bà con nông dân, diện tích cây lương thực tăng mạnh, năng suất ngày càng cao, nhiều giống cây trồng có năng suất, chất lượng tốt được đưa vào sản xuất. Tính đến hết năm 2021, tổng diện tích gieo trồng toàn xã đạt trên 1.600ha, tổng sản lượng lương thực đạt gần 4.000 tấn; bình quân lương thực đầu người đạt 547kg/người/năm.
Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử, chị Đỗ Thị Thùy Ninh, Phó chủ tịch UBND xã Trung Đồng cho biết: Những năm trước, người dân trong một số bản đã quen sản xuất một vụ, công tác tuyên truyền, vận động bà con chuyển diện tích trồng cây lương thực kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả gặp không ít khó khăn, bởi người dân lo lắng, băn khoăn với đầu ra cho sản phẩm. Một số mô hình được triển khai nhưng thành công chưa bền vững cũng phần nào ảnh hưởng đến niềm tin của bà con. Ngoài ra có thể kể đến nhiều nguyên nhân khác như: thiếu nước sản xuất, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất vẫn còn thấp. Phần lớn người dân còn làm theo hướng tự phát, chưa có quy hoạch vùng cụ thể và cũng chưa có sự liên kết giữa người dân và doanh nghiệp. Nguồn lực nhà nước đầu tư cho trồng trọt còn thấp….
Sự vào cuộc của chính quyền, người dân xã Trung Đồng
Hiện nay, xã Trung Đồng đã có 52ha mắc-ca (có cả diện tích trồng xen chè), 72ha cây ăn quả trồng phân tán tại các hộ. Chỉ tính 2 năm trở lại đây, xã thực hiện trồng được 11,5ha cây chanh leo, 4,2ha bưởi da xanh, 1,5ha mít thái, 2ha vải, 6,2ha chuối và nhiều loại cây ăn quả có giá trị kinh tế như: bơ, nhãn, ổi, xoài.
Trao đổi với phóng viên PV, chị Ninh cho biết thêm: Để phát triển được diện tích cây ăn quả như bây giờ là cả một quá trình nỗ lực của đội ngũ lãnh đạo xã và sự đồng thuận của người dân. Nhiều lần chúng tôi phải chủ động đến các xã khác trong huyện, tỉnh, thậm chí còn đi ra các tỉnh bạn để nghiên cứu, khảo sát, xác định các loại cây ăn quả phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, có đầu ra ổn định để đưa vào trồng thử nghiệm tại địa phương. Đồng thời, chúng tôi còn mời các hộ trong xã cùng đi tham quan các mô hình trồng cây ăn quả giúp cho bà con có thêm kiến thức trồng, chăm sóc cây ăn quả.
Được biết, so nhiều cây ăn quả khác thì chanh leo được bà con trồng nhiều hơn cả bởi giá trị kinh tế chanh leo đem lại cao hơn so với trồng chè. Trao đổi với PV, anh Giàng A Lứ, bản Hua Cưởm (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), chia sẻ: Chanh leo là cây ăn quả có thể duy trì giống trong 3 năm. Sau khi hết lứa hoặc nếu cây bị bệnh, lá, quả rụng xuống thì sau đó chăm sóc cây lại xanh tốt trở lại, sau 5 - 6 tháng chanh leo sẽ bắt đầu cho thu hoạch. Gia đình tôi có 4.500m2 trồng chanh leo, năm đầu tiên thu hoạch, gia đình thu về được 30 triệu đồng, thấy lợi nhuận kinh tế nên gia đình tôi vẫn giữ nguyên diện tích trồng cho đến nay.
Nhiều giải pháp phát triển cây ăn quả ở Trung Đồng
Năm 2022, xã Trung Đồng phấn đấu trồng thêm 40ha cây ăn quả. Để đạt được mục tiêu đó, xã đã đặt ra nhiều giải pháp như: phát huy vai trò công tác dân vận của tổ chức chính trị xã hội nhằm tuyên truyền, vận động người dân cùng thực hiện; phân loại, xác định diện tích đất trồng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để phát triển cây trồng hàng hóa có quy mô; thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi đất trồng cây kém hiệu quả, đất có độ dốc lớn sang trồng các loại cây khác có hiệu quả hơn; lựa chọn các cây trồng có khả năng chống chịu sâu bệnh và phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng.
Hiện nay, huyện Tân Uyên đã tạo cơ chế thông thoáng thu hút các nhà đầu tư vào thực hiện các dự án về nông nghiệp. Với cơ hội đó, xã Trung Đồng đã khuyến khích tối đa, phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện về đất đai, nguồn lao động để các doanh nghiệp, hợp tác xã vào hợp đồng liên kết, bao tiêu sản phẩm.
Để có sản phẩm tốt, xã đã phối hợp với cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả đến bà con nông dân. Qua các lớp này cũng sẽ hướng dẫn bà con giải pháp nhằm cải tạo, chuyển đổi diện tích đất sản xuất hiệu quả kinh tế thấp sang các vùng chuyên canh tập trung để tạo các chuỗi liên kết phát triển bền vững.
Tập trung phát triển cây ăn quả theo hướng bền vững đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, giúp nông dân từng bước nâng cao thu nhập, yên tâm phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ. Qua đó, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Trung Đồng.