dd/mm/yyyy

Lai Châu: Nâng cao công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế Lai Châu) đã thu được nhiều kết quả quan trọng trong công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm trên địa bàn. Sức khỏe của người bệnh ngày càng cải thiện nhờ được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Trang Trại Việt, ông Phạm Huỳnh Kháng – Phó Giám đốc trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lai Châu, cho biết: Bệnh không lây nhiễm là các bệnh tim mạch, ung thư, huyết áp, đái tháo đường và bệnh mãn tính về đường hô hấp... Những bệnh này có chiều hướng ngày càng gia tăng, nhất là đối với một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Lai Châu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân. Nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, thì nguy cơ tử vong của những người mắc các bệnh không lây nhiễm là rất cao.

"Tăng huyết áp là một trong những bệnh không lây nhiễm nguy hiểm và phổ biến trong cộng đồng, được coi là "sát thủ" thầm lặng khi gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng đến não, tim, mắt, các mạch máu lớn... Tuy nhiên, bệnh tăng huyết áp có thể được chẩn đoán và quản lý dễ dàng ở tuyến y tế cơ sở" – ông Kháng nhấn mạnh. 

Trước thực trạng ngày càng gia tăng của các bệnh không lây nhiễm nói chung, bệnh tăng huyết áp nói riêng, Khoa Kiểm soát bệnh không lây nhiễm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lai Châu đã thường xuyên tăng cường cán bộ xuống các xã, bản tổ chức khám sàng lọc, đưa vào danh sách quản lý và tư vấn điều trị cho người bệnh.

Lai Châu: Nâng cao hiệu quả công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm - Ảnh 1.

Bác sỹ Phòng khám đa khoa Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lai Châu siêu âm, khám bệnh cho người dân.

Hơn 5 năm nay, bà Hồ Chử Dính ở bản Hô Ta (thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) đều đặn đến khám, lĩnh thuốc huyết áp hằng tháng tại Trung tâm Y tế huyện Tam Đường. Bà Dính cho biết: Tôi thường xuyên đau đầu, chóng mặt nên đã đến Trung tâm Y tế huyện để khám. Sau khi đo huyết áp, kiểm tra sức khỏe, tôi được bác sĩ thông báo mình bị tăng huyết áp. Nhờ đều đặn uống thuốc nên huyết áp của tôi duy trì ổn định, sức khỏe ngày càng tốt hơn.

Song song với công tác khám sàng lọc, Khoa Kiểm soát bệnh không lây nhiễm đã chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết và tổ chức thực hiện, hướng dẫn, đôn đốc, giám sát các hoạt động tại Trung tâm Y tế các huyện, thành phố trong tỉnh.

Lai Châu: Nâng cao hiệu quả công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm - Ảnh 2.

Cán bộ Trạm y tế thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên tổ chức tiêm chủng cho trẻ em.

Theo ông Kháng: Hiện nay, Trung tâm đang kiểm soát các loại bệnh không lây nhiếm: Tăng huyết áp, đái tháo đường, chương trình phòng chống rối loạn thiếu hụt iốt, hoạt động phòng chống tâm thần, mù lòa. Một trong những kết quả nổi bật trong công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm trên địa bàn tỉnh Lai Châu, đó là quản lý và điều trị tăng huyết áp tại tuyến xã. Người dân không phải lên tuyến huyện, tuyến tỉnh nữa mà được điều trị ngay tại tuyến xã, góp phần giảm chi phí, gánh nặng cho người bệnh.

Để giảm thiểu các biến chứng do các bệnh không lây nhiễm gây ra, ngoài tổ chức khám sàng lọc, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thường xuyên phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thành phố và các Trạm Y tế đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người về mối nguy hại của các bệnh không lây nhiễm cũng như các nguy cơ dẫn đến các loại bệnh: Tăng huyết áp, đái tháo đường... Qua công tác tuyên truyền, người dân ý thức hơn đến việc giữ gìn, bảo vệ sức khỏe của mình, chủ động đến các cơ sở y tế để khám khi thấy mình có những biểu hiện khác thường.

Lai Châu: Nâng cao hiệu quả công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm - Ảnh 3.

Tổ chức tiêm chủng cho trẻ em người dân tộc thiểu số ở xã Tủa Sín Chải, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu.

Bác sĩ chuyên khoa I Trần Đỗ Kiên – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lai Châu, cho hay:  Bệnh không lây nhiễm còn được gọi là "bệnh mạn tính" bởi vì quá trình hình thành bệnh diễn ra trong nhiều năm, thường là bắt đầu từ tuổi trẻ, đòi hỏi việc điều trị có hệ thống và lâu dài, thậm chí cả cuộc đời. Do đó, cùng với tăng cường năng lực hệ thống y tế để phát hiện sớm, quản lý, điều trị thì người dân có thể chủ động phòng chống hiệu quả thông qua kiểm soát các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, chế độ dinh dưỡng không hợp lý và ít hoạt động thể lực. Các đơn vị y tế, nhất là tuyến y tế cơ sở cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhằm nâng cao nhận thức về phòng chống và kiểm soát bệnh không lây nhiễm, tiếp tục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực làm công tác dự phòng, để phát hiện sớm, điều trị, quản lý và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Thanh Ngân - A Lử