dd/mm/yyyy

Khởi sắc vùng biên Nghĩa Thuận, Hà Giang

Là xã biên giới nằm ở phía Bắc huyện Quản Bạ (Hà Giang), địa hình chủ yếu núi dốc, giao thông đi lại khó khăn, bằng sự nỗ lực, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và sự đồng thuận của người dân trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM); đến nay, diện mạo xã Nghĩa Thuận đang từng bước đổi thay tích cực.

Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận, Phan Thông Quyết, chia sẻ: Điều kiện đặc thù của địa phương rất khó khăn, thời tiết diễn biến phức tạp, nhiều yếu tố bất lợi, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân, nhất là trong phát triển kinh tế. Tuy xuất phát điểm thấp, nhưng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân địa phương xác định quyết tâm thực hiện thành công XDNTM theo đúng lộ trình. Trong đó, phải phát huy thế mạnh, vai trò của người đứng đầu các cấp để chỉ đạo, điều hành; đồng thời, huy động nguồn lực đóng góp của nhân dân theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Cán bộ và nhân dân xã Nghĩa Thuận chung sức bê - tông hóa đường giao thông thôn Ma Sào Phố.
Cán bộ và nhân dân xã Nghĩa Thuận chung sức bê - tông hóa đường giao thông thôn Ma Sào Phố.

Trong quá trình triển khai, Ban Chỉ đạo XDNTM của xã thường xuyên xuống cơ sở để giám sát, đánh giá tiến độ, hiệu quả, trên cơ sở đó kịp thời đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn; chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng tiêu chí, phân công người phụ trách cụ thể, thực hiện nghiêm các chế độ báo cáo tiến độ triển khai từng tiêu chí và chỉ tiêu trước cấp ủy, chính quyền. Với phương châm “vừa làm, vừa học”, Nghĩa Thuận ưu tiên thực hiện các tiêu chí dễ trước, từ đó rút kinh nghiệm tổ chức thực hiện tiêu chí khó hơn.

Với cách làm trên, đến nay, xã đạt 8/19 tiêu chí như: Quy hoạch, thủy lợi, điện, lao động việc làm, tổ chức sản xuất, giáo dục và đào tạo, y tế, quốc phòng và an ninh. Nhân dân địa phương đã mở các tuyến đường liên xã, liên thôn, xóm và bê-tông hóa 13 km đường với tổng kinh phí trên 20 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 66% năm 2017 xuống còn 60%, hiện không còn nhà dột nát; quy tụ được 9/9 hộ và hoàn thành nhà ở, hỗ trợ 11 hộ dân di dời khỏi vùng sạt lở; các trường học được cứng hóa, bảo đảm điều kiện dạy và học; trạm y tế xã được đầu tư cơ bản; người dân các thôn, bản được sử dụng điện lưới Quốc gia, nước hợp vệ sinh; tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm Y tế đạt 100%...

Anh Hầu Dâu Lìn, thôn Phín Ủng, chia sẻ: “Để không phải đi đường trơn trượt, đường mòn, mỗi lần xã phát động đóng góp ngày công làm đường bê – tông, không chỉ gia đình tôi, tất cả bà con trong xã rất phấn khởi, tham gia tích cực, cùng nhau góp sức để làm thay đổi bộ mặt của địa phương”.

Về xã Nghĩa Thuận vào ngày đầu Đông, những con đường mòn lô nhô đất, đá đang dần được bê - tông hóa; những vườn cây ăn quả đang độ chín đỏ… đã tạo lên bức tranh nông thôn khởi sắc; cuộc sống mới đang hiện hữu trên mảnh đất vùng biên giới Nghĩa Thuận.

Bài, ảnh: Vương Mai