Các sản phẩm mang thương hiệu Việt chỉ chiếm trung bình 17% trong số mặt hàng được tìm mua trên sàn TMĐT giai đoạn năm 2020 và nửa đầu 2021, bất chấp xu hướng mua sắm trực tuyến tăng mạnh thời kỳ đại dịch.
Đây là một trong những nội dung đáng quan tâm tại báo cáo mới về vị thế của hàng Việt trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) mà iPrice vừa công bố qua việc phân tích dữ liệu tổng hợp được từ 4 sàn TMĐT đa ngành phổ biến nhất là Shopee Việt Nam, Lazada Việt Nam, Tiki và Sendo.
Thương hiệu Việt mờ nhạt trước đối thủ ngoại
Có thể thấy, TMĐT trong mùa dịch không còn đơn thuần là một sự lựa chọn trong số các kênh phân phối mà đã trở thành yếu tố sống còn để các doanh nghiệp trong nước vượt khó và tiếp tục phát triển.
Tuy vậy, theo báo cáo này, điều đáng lo ngại khi các doanh nghiệp trong nước vẫn đang rất loay hoay trong việc tận dụng kênh phân phối này. Khi nghiên cứu top các mặt hàng được tìm mua từ các sàn TMĐT thông qua việc đếm số lượt tìm kiếm và click vào sản phẩm, iPrice cho biết đã phát hiện ra thực tế là các sản phẩm mang thương hiệu Việt chỉ chiếm trung bình 17% các mặt hàng được tìm mua trên sàn TMĐT trong năm 2020 và nửa đầu 2021. Ngược lại, có đến 83% số sản phẩm được quan tâm nhất trên các sàn TMĐT là hàng ngoại nhập.
Đáng lo ngại hơn khi con số này còn có dấu hiệu suy giảm từ 2020 sang 2021.
Cụ thể, tỷ lệ hàng hóa mang thương hiệu Việt trong top 1200 sản phẩm bán chạy chỉ chiếm 20% trong thời điểm dịch năm 2020. Trong đó, khi so sánh giữa các sàn, thương hiệu Việt được tìm mua nhiều nhất trên sàn TMĐT Sendo với tận 25% trong số 300 sản phẩm phổ biến trên sàn Sendo là hàng Việt Nam, theo sau là Tiki (23%), Lazada Việt Nam (18%) và Shopee Việt Nam (13%).
Bước sang nửa đầu năm 2021, các mặt hàng thuộc thương hiệu trong nước chỉ còn chiếm 14% các sản phẩm được người tiêu dùng tìm mua, cho thấy một sự suy giảm rõ so với năm trước. Dẫn đầu trong chỉ số này giữa các sàn năm 2021 tiếp tục là hai sàn nội địa Tiki (21%) và Sendo (16%).
Nông sản đặc sản "nóng" trên kênh phân phối qua TMĐT
Theo báo cáo TMĐT quý II/2021 từ iPrice và số liệu từ Google, lượt tìm kiếm từ khóa liên quan đến cửa hàng tạp hóa trực tuyến tăng 223% trong quý 2/2021.
Số lượt tìm kiếm tăng 11 lần trong tháng 7 so với tháng 5 và 3,6 lần so với tháng 6 khi lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 được triển khai tại một số tỉnh, thành phố. Tất cả cho thấy nhu cầu mùa dịch của khách hàng tập trung chủ yếu cho ngành hàng này.
Mặt khác, báo cáo iPrice ghi nhận thêm các sản phẩm bán chạy trên hai sàn nội địa còn có nông sản, đặc sản chiếm 27% các sản phẩm bán chạy. Điều này cho thấy, những mặt hàng đặc sản và nông sản trên môi trường online cũng dần được người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn.
Số liệu thu thập thực tế trên sàn Sendo cho ngành hàng nông sản đặc sản có nguồn gốc Việt Nam, báo cáo cho thấy số mặt hàng nông sản đặc sản Việt Nam bán trên sàn Sendo tăng vọt 50% trong năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020. Trước đó, trong năm 2020, con số này cũng đã tăng 29% so với năm 2019.
Rõ ràng, ảnh hưởng của dịch trong hai năm 2020 và 2021 đã vô tình tạo nên những điều kiện kích thích sự phát triển của ngành nông nghiệp trực tuyến về cả cung và cầu.
Như vậy, bản đồ nông sản đặc sản trên sàn TMĐT đang nổi bật lên hình ảnh các doanh nghiệp nội. Thế nhưng, việc chuyển mình thành ngành ”gà đẻ trứng vàng” cho TMĐT hậu đại dịch thành công hay không cần nhiều nỗ lực và tạo điều kiện từ nhiều phía, tương tự như các chương trình xúc tiến nông sản của Bộ Công Thương các tháng vừa qua.
Số liệu báo cáo được thu thập từ cơ sở dữ liệu của iPrice Việt Nam (iprice.vn) từ gần 1 triệu lượt click vào sản phẩm (không bao gồm sách) thuộc sàn TMĐT đa ngành Shopee Việt Nam, Lazada Việt Nam, Tiki và Sendo từ tháng 7/2020 đến tháng 6/2021. Các sản phẩm được phân loại dựa vào tên thương hiệu và xuất xứ. Các mặt hàng bách hóa, nông sản đặc sản được thu thập từ danh mục bán chạy trong 3 trang đầu tiên từ sàn TMĐT Tiki.vn và Sendo.vn vào này 13/9/2021. Số liệu thu thập thực tế trên sàn Sendo từ 1/1/2019 đến 31/8/2021 cho các sản phẩm có nguồn gốc Việt Nam và có từ khóa "Đặc sản" trong tên hoặc mô tả sản phẩm.