Thực tế cho thấy, tình hình thời tiết như hiện nay rất thuận lợi để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sôi, phát triển, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh gia tăng vào những tháng cuối năm. Hơn nữa, tình trạng ô nhiễm môi trường với nhiều phế thải, phế liệu tồn đọng là nơi muỗi đẻ trứng; mật độ dân cư cao, nhiều khu nhà trọ, công trường xây dựng với điều kiện ăn, ở tạm bợ… cũng là nguyên nhân khiến bệnh dịch phát triển khó lường.
Để phòng chống dịch sốt xuất huyết, TP Hà Nội đã chủ động triển khai các công tác phòng dịch. Tính đến 21/7, toàn thành phố đã thực hiện được 1.018 chiến dịch với sự tham gia của 101.759 lượt người, phát hiện loại trừ được hơn 221 nghìn dụng cụ chứa nước có bọ gậy. Đã tổ chức 97 chiến dịch phun hóa chất chủ động tại xã phường, khu vực có nguy cơ cao, tổng số hộ được phun là 126.606 hộ; 157 công trường xây dựng, 1.088 cơ quan, xí nghiệp, trường học…
Đồng thời, Sở đề nghị các địa phương chủ động phòng chống, căn cứ vào tình hình diễn biến của địa phương để có phương án phòng chống theo từng tình huống cụ thể. Các địa phương cần thực hiện tốt công tác giám sát dịch, đặc biệt là giám sát phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng, khoanh vùng ổ dịch kịp thời, triệt để nhằm khống chế ổ dịch ngay khi mới xuất hiện những bệnh nhân đầu tiên. Đặc biệt, tiếp tục triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và muỗi truyền bệnh. Tại khu vực có bệnh nhân, thực hiện phương châm "vào từng ngõ, gõ từng nhà", để hướng dẫn, giám sát hoạt động diệt bọ gậy...
Tính đến 21/7, trên địa bàn TP Hà Nội ghi nhận 1.372 bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết (90% bệnh nhân đã khỏi bệnh, hiện chỉ còn 140 bệnh nhân đang điều trị). Bệnh nhân phân bố tại 272 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã. Tính theo số mắc trên 100.000 dân, hiện Hà Nội đứng thứ 36 trong cả nước.
Bệnh nhân ghi nhận rải rác trong các tháng nhưng có xu hướng gia tăng từ cuối tháng 6 và tăng nhanh trong những tuần gần đây do điều kiện thời tiết chuyển mùa nắng nóng và mưa nhiều.