dd/mm/yyyy

Giá trị tăng cao, vùng nuôi tôm mở rộng

Qua 2 tháng đầu năm 2017, diễn biến thị trường tôm trở lại nhịp độ bình thường. Mức tiêu thụ tôm không còn tăng cao như các tháng cuối năm vừa qua.

Hiện thời tuy sức mua có giảm, thị trường tôm chưa có biểu hiện tăng cao, nhưng giá tôm chỉ giảm nhẹ. Đó là do đầu năm nhiều địa phương mới vào vụ nuôi tôm nên sản lượng tôm nguyên liệu đang thấp điểm.

Theo các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu ở vùng bán đảo Cà Mau đang cần mua tôm nguyên liệu, cũng giống như năm qua, nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu.

ĐBSCL là vùng nuôi tôm trọng điểm, chiếm hơn 70 % sản lượng tôm của cả nước. Thông thường hiện tượng thiếu hụt tôm nguyên liệu tái diễn vào hai tháng cuối năm và những tháng đầu năm. Đến tháng Ba bắt đầu có tôm trở lại, trong những tháng thiếu tôm nguyên liệu, nguồn cung tại ĐBSCL chỉ đáp ứng khoảng khoảng 30% công suất chế biến của các nhà máy.

Mô hình nuôi tôm-lúa ở Bạc Liêu.

Ông Hồ Quốc Lực, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng), nhận xét: Trong mấy năm qua ngành hàng tôm Việt Nam tăng trưởng khoảng trên 5%/năm. Dự đoán xu thế thị trường vẫn mở ra nhiều cơ hội, nhưng thách thức lớn nhất đối với mặt hàng tôm là đảm bảo nguồn tôm nguyên liệu sạch từ vùng nuôi đến nhà máy, đáp ứng yêu cầu sản phẩm chế biến đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn.

Nhận tín hiệu tốt từ thị trường, bước vào tháng đầu năm 2017 nhiều địa phương ven biển ở các tỉnh vùng bán đảo Cà Mau đã bắt tay cải tạo ao tôm, chuẩn bị vào vụ thả nuôi. Ở Sóc Trăng có vùng nuôi tôm nước lợ hơn 46.000 ha, trong đó hiện có hơn 1.100 ha đã thả tôm giống (hơn 920 ha nuôi tôm thẻ chân trắng, còn lại nuôi thả tôm sú). Sóc Trăng là một trong những tỉnh có thế mạnh về kỹ thuật nuôi tôm bán thâm canh lớn nhất trong vùng.

Trong khi vài năm gần đây, tỉnh Bạc Liêu nổi lên với mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, nhắm đến tăng năng suất và đạt sản lượng cao. Hiện nay vùng nuôi tôm toàn tỉnh có 127.000 ha, trong đó nuôi tôm công nghiệp khoảng 19.500 ha. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu, kế hoạch mở rộng vùng nuôi tôm đến 2020 sẽ là 143.000 ha, trên cơ sở khả năng chuyển đổi mở rộng diện tích trên vùng đất sản xuất muối kém hiệu quả ở hai huyện Hòa Bình và Đông Hải. Bên cạnh đó, một số vùng bị ảnh hưởng mặn xâm nhập có thể chuyển đổi qua một số mô hình nuôi tôm quảng canh để tăng hiệu quả kinh tế.

Nuôi tôm ở Sóc Trăng.

Ở vùng ven biển Tây, tỉnh Kiên Giang đang tăng tốc mở rộng diện tích nuôi tôm. Năm 2016 toàn tỉnh có khoảng 106.000 ha, sản lượng đạt gần 58.000 tấn tôm. Theo kế hoạch năm 2017, Kiên Giang sẽ tăng diện tích nuôi tôm lên 113.000 ha. Cơ quan chuyên môn thủy sản cho biết sẽ chú trọng hình thức thả nuôi thâm canh công nghiệp, áp dụng các quy trình kỹ thuật mới để tăng mật độ cũng như năng suất, đồng thời tập trung nâng cao sản lượng ở các mô hình nuôi tôm quảng canh, nuôi tôm sinh thái. Dự kiến, quy hoạch đến năm 2030 Kiên Giang sẽ có 132.000 ha nuôi tôm, sản lượng 155.000 tấn. Trong đó đến năm 2020 vùng nuôi tôm thâm canh công nghiệp, bán công nghiệp đạt 5.000 ha tập trung ở Tứ giác Long Xuyên và U Minh Thượng.

Tiếp giáp biển Đông và biển Tây với chiều dài bờ biển 250 km và nhiều cửa sông nối với hệ thống kênh, rạch nội đồng, Cà Mau rất thuận lợi cho việc nuôi tôm. Cà Mau đang hoàn thiện quy hoạch đến năm 2020 có vùng nuôi tôm 280.000ha, trong đó vùng nuôi siêu thâm canh, ứng dụng công nghệ cao 800-1.000 ha. Hiện nay, tỉnh Cà Mau dẫn đầu cả nước về diện tích và sản lượng tôm và có nhiều hình thức nuôi tôm tâm canh, bán thâm canh, quảng canh, tôm-lúa, tôm-rừng và có thể mở rộng vùng lúa-tôm ở U Minh, Thới Bình.

Theo đuổi mục tiêu xây dựng ngành hàng chiến lược có giá trị tăng cao là định hướng đúng đắn trong phát huy thế mạnh các tỉnh ven biển. Các công trình nghiên cứu chuyên ngành thủy sản của các viện, trường về công nghệ nuôi, bệnh và môi trường, mô hình nuôi tôm thẻ thâm canh phòng tránh bệnh, mô hình luân canh tôm-lúa... được chuyển giao đã đáp ứng những đòi hỏi bức bách từ thực tiễn ở vùng nuôi cá, tôm ĐBSCL.

Tuy nhiên, cần thấy rằng năng lực nuôi tôm ở nước ta, nhất là ở ĐBSCL muốn tăng sản lượng hiện còn không ít khó khăn. Một phần do yếu tố tâm lý người nuôi lo sợ dịch bệnh nên ngán ngại. Một số người có hiểu biết và kinh nghiệm nuôi tôm thì không có vốn nhiều để đầu tư. Mặt khác, một số nhà chuyên môn thận trọng cho rằng, chuyển đổi cơ cấu sản xuất thực tế ở các địa phương không phải muốn là được mà cần "giải" cho được bài toán hiệu quả của từng mô hình trước khi mở rộng.

Hữu Đức