Diệt khuẩn bằng ion
Với diện tích hơn 5ha, ông Nguyễn Trọng Long - Giám đốc HTX Hoàng Long ở Thanh Oai (Hà Nội) đã xây dựng nên một trang trại chăn nuôi lợn hiện đại bậc nhất Thủ đô với hệ thống công nghệ, phòng dịch tối tân đã giúp cho đàn lợn 6.000 con của mình không chỉ an toàn trước các loại dịch bệnh nguy hiểm.
Ông Long cho biết, qua hơn chục năm đầu tư hàng tỷ đồng vào chăn nuôi lợn đến giờ trang trại của ông chưa từng bị dịch bệnh xâm nhập. “Bí quyết né dịch của tôi là chăn nuôi ăn toàn sinh học với hệ thống thiết bị, máy móc hiện đại. Điều đặc biệt nữa là HTX cũng đang ứng dụng ion trong diệt khuẩn chuồng trại, dụng cụ, nguồn nước, công nhân trước khi ra vào trại và trong khu giết mổ” - ông Long chia sẻ.
Hiện tại, toàn bộ diện tích trang trại của ông Long khoảng hơn 5ha, trong đó có 2ha là diện tích chuồng trại và 3ha là hệ thống ao, hồ, bể... xử lý môi trường. “Việc xử lý môi trường phải được quan tâm hàng đầu nên ngày từ khi đầu tư vào chăn nuôi lợn chúng tôi đã thiết kế hệ thống rất
hiện đại hàng tỷ đồng để xử lý triệt để phân thải, nguồn nước, thức ăn... Nhờ thế mà đến nay chúng tôi đã được địa phương, cơ quan liên quan cho phép xả nước thải ra ngoài môi trường, điều mơ ước của nhiều trang trại ở Việt Nam hiện nay”, ông Long khoe.
Ông Nguyễn Trọng Long tâm sự, mặc dù trang trại của doanh nghiệp gần hai khu giết mổ rất lớn của Hà Nội là Thanh Trì và Thanh Oai nhưng rất mừng là đến nay 6.000 con lợn của HTX Hoàng Long vẫn an toàn. Theo ông Long, HTX Hoàng Long hiện là đơn vị đang áp dụng quy trình khép kín lợn từ bố mẹ đến thương phẩm và giết mổ tự động quy mô nhỏ theo công nghệ của châu Âu nên tự túc được 50% lượng lợn nuôi ra theo hình thức chế biến sâu.
Khử trùng cả tiền
Đã hơn 3 tháng nay, vợ chồng ông Phạm Văn Dũng và con trai ở xã Liên Hồng huyện Gia Lộc (Hải Dương) ăn, ngủ và sinh hoạt ngay tại trang trại lợn. Thực phẩm cung cấp cho công nhân đều có nguồn gốc từ trong trang trại.
Bên cạnh đó, các xe đến mua lợn đều phải tuân thủ theo hướng dẫn, dừng cách xa trang trại gần 100m, sau đó phun thuốc sát trùng mới được tiến về gần trang trại. Những người tham gia xuất bán lợn đều phải mặc đồ bảo hộ và phun thuốc sát trùng. Đồ bảo hộ chỉ được phép dùng 1 lần, sau đó đốt luôn để tránh mầm bệnh xâm nhiễm vào trang trại
Đến khi đưa lợn ra cũng được rất an toàn, ban đầu lợn được lùa từ trong trang trại ra ngoài theo lỗi dẫn lợn được xây dựng cẩn thận trước đó rồi các chủ buôn mới bắt lên xe chứ không bắt trực tiếp trong trang trại như trước.
“Dù mất rất nhiều công sức nhưng tất cả những việc làm đó lại đang bảo đảm an toàn cho trang trại”, ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, không chỉ người và phương tiện được khử trùng, mà ngay cả những vật dụng cá nhân mang vào trang trại như điện thoại, tiền mặt... cũng phải khử trùng bằng tia cực tím. Ngoài ra, các phương tiện vận chuyển vật nuôi và thức ăn chăn nuôi, đều phải phun xịt tẩy trùng kỹ lưỡng trước khi bốc xếp hàng hóa. Các bao cám trước khi được mang cho lợn ăn phải được cho vào kho xông bằng tia cực tím và formol.
Xung quanh trang trại được rắc vôi bột. Sát trùng chuồng lợn ngày 1 lần bằng formol hoặc nước vôi, thuốc khử trùng. Trại lợn luôn được vệ sinh khô ráo, thông thoáng và tuyệt nhiên không có bất kỳ còn ruồi, muỗi nào.
Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt những nguyên tắc trên nên dù ở giữa tâm dịch nhưng trang trại quy mô 140 lợn nái và hơn 1.000 lợn thịt của trang trại này vẫn an toàn.
Dù giữ được trang trại an toàn trong tâm dịch nhưng ông Dũng cũng thấy mệt mỏi vì phải gồng mình chịu thêm nhiều chi phí phát sinh. “Với tổng đàn gần 2.000 con lợn các loại, chỉ tính riêng tiền cám đã lên đến 30 triệu đồng/ngày, chưa kể tiền điện, nước, nhân công. Tiền mua thuốc phun phòng dịch bệnh cũng lên tới 30 triệu đồng/tháng. Mấy tháng nay, ngân hàng gửi giấy thông báo kỳ hạn trả lãi nhưng tôi cũng chưa có tiền để trả. Bằng mọi giá, tôi quyết tâm bảo vệ trang trại khỏi bệnh DTLCP”, ông Dũng chia sẻ.
Không chỉ trang trại lớn của ông Long, ông Dũng tránh được dịch mà đến nay nhiều trại, nông hộ nhỏ như hộ anh Hoàng Văn Trị, (49 tuổi) ở thôn Trà Khê, xã Tân Lập, huyện Vũ Thư, Thái Bình cũng né được DTLCP thành công.
Anh Trị bảo, ngày đầu lập gia trại chăn nuôi, mọi việc chưa quen, anh vô cùng lúng túng. Nhập 80 con lợn sữa, mỗi con 7 - 8 kg. Hàng ngày vợ chồng anh nấu 16 nồi cám cho lợn ăn. Vất vả lắm, nhưng rất vui vì lứa lợn đó, anh thắng đậm. Do giá thịt lợn hơi tăng từ 25.000 đồng lên 42.000đồng/kg, doanh thu đạt 140 triệu đồng.
Tôi hỏi bí quyết nào để phòng tránh đàn lợn nuôi tại gia trại không dính bệnh? Anh cho biết, sở dĩ đàn lợn không dính dịch tả lợn châu Phi là do anh thường xuyên tham gia các buổi tập huấn phương pháp chăn nuôi, cách chăm sóc và phòng dịch bệnh...
Bản thân anh Trị rất ham học hỏi kinh nghiệm phòng tránh dịch bệnh cho lợn trên các phương tiện thông tin đại chúng và cả trên mạng xã hội.
Đặc biệt từ khi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, anh ngừng ngay việc dùng nước máy, chuyển sang sử dụng nước giếng khoan để nấu cám cho lợn ăn.
Anh bảo, thấy có người đem lợn bị chết do dịch tả lợn châu Phi ném xuống sông, sợ lợn bị lây bệnh nên anh không dùng nước máy nấu cám. Hàng ngày vợ chồng anh giã tỏi trộn với cám và dùng muối hạt trộn với cây chuối thái nhỏ cho lợn ăn.
Ngoài ngõ, trong sân và trước cửa chuồng lợn, anh giải mền bông, rắc vôi bột để sát trùng ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập vào chuồng lợn.
Chính vì cách làm đó nên 100 con lợn của anh Trị nuôi trong các ô chuồng trong khuôn viên nhà, đến thời điểm này vẫn an toàn.