Mía ngập, cam héo chờ thương lái
Những ngày này, nông dân xã Hựu Thạnh (huyện Trà Ôn, Vĩnh Long) đang vào mùa thu hoạch rộ cam với nỗi buồn não nuột. Bà Hồ Thị Bum - 49 tuổi, ngụ địa phương - cho biết: Gia đình bà có 20 công đất trồng cam. Mỗi công đất cho thu hoạch từ 10 - 12 tấn, cộng tất cả các chi phí thuê mướn đất, chăm bón, thuốc bảo vệ cây trồng... phải có tổng thu từ 80 triệu trở lên mới có thể có lãi. Nhưng giá cam hiện chỉ còn khoảng 5.000/kg, tức chỉ tương đương với giá một gói mì ăn liền loại trung bình. Với giá này, bà coi như cầm chắc lỗ.
Ông Phạm Văn Tấn, 58 tuổi, cũng ngụ địa phương, ngao ngán: Nhà tôi vẫn còn tồn đọng trên 100 tấn cam ngoài vườn chờ thương lái đến mua. Khoảng 5 năm trước, khu vực này chỉ có khoảng 20 - 30ha diện tích trồng cam, đến nay số lượng đã tăng lên hơn 200ha. Điều này vô hình chung đẩy “lượng cung vượt cầu” khiến cho giá cam từ 31.000 đồng/kg năm 2016 thì đến nay chỉ còn 5.000 đồng/kg.
Ngoài ra, chính quyền địa phương trước đây có khuyến khích các hộ nông dân chuyển đổi nông sản theo hướng tập trung một loại chủ đạo (cam) đã khiến cho hàng loạt người dân bỏ trồng lúa sang trồng cam vì đê bao đã được khép kín, muốn trồng lúa cũng chẳng còn nước để tưới tiêu.
Tại tỉnh Hậu Giang, những ngày qua, nước lũ đang tiếp tục dâng cao, nhiều diện tích mía bị ngập sâu và gây thiệt hại khiến nông dân vô cùng lo lắng.
Ghi nhận tại huyện Phụng Hiệp cho thấy, toàn huyện có hơn 3.000ha trong tổng số còn khoảng 6.500ha mía chưa thu hoạch đang bị ngập nước từ 10-20cm; trong đó có hơn 120ha bị thiệt hại. Trong số diện tích mía bị thiệt hại thì có 27,6ha mía ở xã Tân Long và hơn 15ha mía ở xã Hòa An bị thiệt hại trên 70%. Ngoài áp lực mía ngập lũ thì bà con còn gặp khó khăn về giá bán mía chỉ ở mức thấp.
Cụ thể, đối với những vùng mía đang được thu hoạch, nếu cây mía còn tốt thì nông dân bán được giá 600-650 đồng/kg, riêng những nơi mía đã khô đọt do ngập nước thì thương lái chỉ mua với giá từ 400-500 đồng/kg.
Như vậy, từ mức giá như trên, cộng với năng suất mía bình quân của huyện đang đạt 100 tấn/ha thì vụ thu hoạch này, nông dân trồng mía của huyện bị lỗ từ 10-15 triệu đồng/ha.
Không chỉ có nông dân trồng mía gặp khó mà hiện các nhà máy đường trong tỉnh Hậu Giang cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Theo lãnh đạo Cty CP Mía đường Cần Thơ (Casuco), dù đã bắt đầu vào vụ ép nhưng Casuco vẫn còn gặp nhiều khó khăn do lượng đường tồn kho tương đối lớn (khoảng 27.000 tấn). Điều này đã tạo ra không ít áp lực trong quá trình sản xuất.
Khẩn trương hỗ trợ nông dân
Theo thông báo chính thức từ lãnh đạo Casuco, từ ngày 9 - 12.10, hai nhà máy đường thuộc Casuco là Nhà máy đường Phụng Hiệp và Xí nghiệp đường Vị Thanh sẽ lần lượt vào vụ ép mía cho niên vụ mía 2018-2019. Như vậy, khi hai nhà máy của Casuco vào vụ ép thì 3/3 nhà máy đường trên địa bàn tỉnh sẽ cùng nhau tiêu thụ nhanh diện tích mía đã bị ngập nước lũ tại các vùng trũng trên địa bàn huyện Phụng Hiệp để cứu mía cho nông dân.
Ông Nguyễn Hoàng Ngoan - Phó Tổng Giám đốc Casuco - cho biết: Sau khi Casuco có thông báo chính thức về thời gian vào vụ ép thì đến ngày 8.10, tại Nhà máy đường Phụng Hiệp có khoảng 5.000-6.000 tấn mía được thương lái thu mua về tập kết ở cầu cảng chờ được đưa lên nhà máy ép.
Khi vào vụ ép thì quan điểm của Casuco là tập trung thu mua tại những vùng mía đang bị ngập nước lũ trước, nhằm hạn chế thiệt hại cho bà con, đồng thời xem xét nâng hết công suất ép để nhanh chóng tiêu thụ hết mía lũ cho nông dân.
Tính đến ngày 8.10, nông dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã thu hoạch hơn 1.500ha trong tổng số gần 10.600ha mía đã xuống giống, tập trung chủ yếu tại vùng mía huyện Phụng Hiệp. Với việc các nhà máy đường trong tỉnh đang vào vụ ép nên diện tích mía được thu hoạch bình quân từ 50ha/tuần nay tăng lên 160ha/tuần.
Từ tín hiệu này, cộng với nhiều công việc được ngành chức năng tỉnh, huyện và nhà máy đường thực hiện thì hy vọng những diện tích mía của nông dân đang bị ngập lũ sẽ nhanh chóng được tiêu thụ hết trong thời gian sớm nhất.
Còn ông Huỳnh Thanh Tiến - Chủ tịch UBND xã Hựu Thành (huyện Trà Ôn, Vĩnh Long) - cho biết, việc giá cam giảm sâu do thương lái chuyển đổi hình thức thu mua. Thay vì họ chọn lọc phân định giá theo chất lượng cam như trước đây thì nay họ tiến hành bốc hàng loạt và đem lên cân.
Xã đang cố gắng vận động người dân hạn chế gia tăng diện tích trồng cam, đồng thời, đề xuất lên huyện để kiến nghị với tỉnh có phương án hỗ trợ cho người dân.