Cần hỗ trợ công nghệ trong chế biến thịt gà
Là một trong những đơn vị chăn nuôi, kinh doanh gà, thịt gà vườn đồi quy mô lớn ở huyện Yên Thế (Bắc Giang), đến nay Công ty Giang Sơn cung cấp cho thị trường hàng trăm tấn gà mỗi năm. Bên cạnh đó, công ty còn chế biến hàng chục tấn giò gà cung cấp cho khách hàng trong cả nước.
Bà Nguyễn Thị Tâm - Giám đốc Công ty Giang Sơn cho biết: “Hiện nay, doanh nghiệp của tôi đang cung cấp sản phẩm gà cho trên chục siêu thị lớn trong cả nước và các cửa hàng thực phẩm sạch tại các tỉnh, thành”, bà Tâm chia sẻ.
Ngoài việc sản xuất, kinh doanh tại gia đình, doanh nghiệp của bà Tâm còn liên kết với 80 hộ dân trong và ngoài huyện chăn nuôi gà vườn đồi theo hướng VietGAP.
Dù đạt được nhiều thành công trong việc sản xuất, kinh doanh gà nhưng hiện nay Công ty Giang Sơn vẫn gặp nhiều khó khăn. Bà Tâm cho hay: Tôi mong thời gian tới Nhà nước có những cơ chế chính sách hỗ trợ vốn, đất đai để tôi có thể tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi cũng như chế biến sản phẩm.
Cũng theo bà Tâm, để bảo vệ và phát triển thương hiệu gà đồi, các cơ quan cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong chăn nuôi, thu mua, chế biến và đặc biệt là việc tiêu thụ sản phẩm gia cầm, nhất là đối với gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc...
Được biết, từ năm 2006 đến nay, huyện Yên Thế đã phát động mạnh mẽ phong trào chăn nuôi gà đồi dưới tán cây rừng, cây ăn quả và đạt được nhiều kết quả. Năm 2017, tổng đàn gia cầm của huyện đạt 4,6 triệu con (trong đó đàn gà 3,74 triệu con), thời điểm hiện tại đàn gia cầm của huyện đạt trên 3,5 triệu con; hàng năm huyện xuất bán ra thị trường 12-14 triệu con gia cầm thương phẩm, giá trị sản xuất đạt trên 1.250 tỉ đồng .
Ông Phạm Công Văn - Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi Yên Thế cho hay: Trong thời gian tới, Nhà nước cần tích cực hỗ trợ bà con chăn nuôi theo chuỗi, đặc biệt là hỗ trợ để các hộ, doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi và chế biến thịt gà nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, giúp giảm nhân công và nâng cao thu nhập cho người dân.
Tăng cường nhiều giải pháp
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, những năm qua, mặc dù ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn nhưng chăn nuôi gà vẫn tăng trưởng đều đặn, năm 2017 đạt 295.209 nghìn con, tăng 6,5% so với năm 2016.
Bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho hay: Trong thời gian qua, hoạt động khuyến nông đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao hiệu quả chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi nông hộ. Thông qua hoạt động khuyến nông, các địa phương đã xây dựng được các mô hình trình diễn, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng thành công các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới làm tăng năng suất và hiệu quả chăn nuôi, nâng cao hiệu quả, phát triển chăn nuôi gà một cách bền vững.
Nói về giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi gà trong thời gian tới, bà Hạnh cho hay: Để phát huy một số giống gà địa phương có lợi thế cạnh tranh, trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ phối hợp với các địa phương chuyển giao các giống gà mới, con lai có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện chăn nuôi ở địa phương. Đặc biệt, Trung tâm sẽ tăng cường xây dựng và phát triển mô hình sản xuất giống gà bố mẹ cho các tỉnh giáp biên nhằm hạn chế gia cầm nhập lậu qua biên giới, góp phần đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Về giải pháp trong sản xuất, theo bà Hạnh, các địa phương cần tập trung xây dựng mô hình chăn nuôi gà theo hướng sản xuất hàng hóa, khuyến khích mô hình vừa và lớn, xây dựng vùng chăn nuôi theo quy hoạch, tận dụng thế mạnh của từng địa phương, xác định đúng hướng tiêu thụ sản phẩm, cân đối giữa cung và cầu để tránh dư thừa sản phẩm. Bên cạnh đó, các địa phương cần có chính sách, hỗ trợ để thu hút các doanh nghiệp tham gia giết mổ, chế biến và bao tiêu sản phẩm từ gà.
“Bên cạnh đó, các địa phương cần xây dựng nhóm hộ trong liên kết sản xuất, đặc biệt hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tại các địa phương, tạo chuỗi sản phẩm từ nguyên liệu đầu vào, chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi, vận chuyển chế biến và tiêu thụ để giảm giá thành sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu”, bà Hạnh khẳng định.
Ông Dương Thanh Tùng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bắc Giang cho biết, Sở sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng và phê duyệt chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng giống gà thả vườn đồi nhằm hạn chế những tồn tại về công tác giống hiện nay. Đồng thời tỉnh cũng sẽ xây dựng chính sách thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ chế biến gia súc, gia cầm trên địa bàn.
“Cùng với đó, chúng tôi sẽ tăng cường chỉ đạo, hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo chuỗi khép kín, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhân rộng các mô hình chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao, kịp thời cung cấp thông tin thị trường cho người chăn nuôi” - ông Tùng khẳng định.
Để nâng cao được hiệu quả chăn nuôi gà vườn đồi theo chuỗi giá trị, ông Dương Sơn Hà - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên cho rằng: “Các địa phương cần ứng dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn, thú y, chuồng trại, quy trình nuôi dưỡng, các công nghệ tiên tiến trong khu vực để nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm”.
Đồng thời, theo ông Hà, bên cạnh việc sản xuất cần gắn với giết mổ, chế biến, thị trường trên cơ sở hỗ trợ từng bước xây dựng các cơ sở giết mổ, chế biến gia cầm tập trung, công nghiệp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.