Chuyển biến chậm
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, dù đạt được kết quả bước đầu nhưng quá trình tái cơ cấu (TCC) diễn ra chậm, kết quả chưa đạt so với mục tiêu và yêu cầu; tăng trưởng ngành chưa vững chắc. Nhiều địa phương chưa có quy hoạch rõ ràng, xác định cơ cấu và sản phẩm lợi thế chưa phù hợp; có tình trạng sản xuất vượt quy hoạch và theo phong trào. Năng suất cũng như chất lượng một số loại nông sản còn thấp, chi phí sản xuất cao, khả năng cạnh tranh thấp.
Theo Bộ NN&PTNT, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự chuyển biến về nhận thức chưa theo kịp thực tiễn, thậm chí còn lúng túng trong tổ chức thực hiện; nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm, triển khai thiếu quyết liệt. Biến đổi khí hậu đến nhanh và mạnh hơn so với dự báo, thiên tai ngày càng khắc nghiệt gây thiệt hại nặng nề cho ngành nông nghiệp và cho cả nước, tác động mạnh đến quá trình thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp. Riêng năm 2016, thiên tai đã làm thiệt hại 1,7 tỷ USD (tương đương 1% GDP).
Linh hoạt nhưng chưa bền
Đánh giá về quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, việc tập trung vào 4 trụ cột chính cộng với chính sách xoay trục linh hoạt đã mang lại những thay đổi rõ rệt trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương, nhất là trong 3 năm trở lại đây.
“Nếu như trước đây, chúng ta ưu tiên cho cây lúa, rồi mới đến thủy sản, rau củ quả, thì hiện tại, sau khi giá lúa xuống thấp, chúng ta lập tức xoay trục, ưu tiên cho thủy sản, rau củ quả. Sự chuyển động này đã giúp mang lại những con số ấn tượng, ngành rau quả đã vụt lên như một điểm sáng khi năm 2017, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu còn vượt cả dầu thô” - ông Thủy nói.
Tuy vậy, theo ông Thủy, quá trình TCC đang bộc lộ nhiều hạn chế. Khâu yếu nhất của quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp chính là việc thành lập các tổ chức kinh tế của nông dân chưa đáp ứng được yêu cầu, chất lượng hoạt động yếu. Nguyên nhân của tình trạng này là do, lối đi của hợp tác xã chưa rõ ràng, chưa trở thành lực lượng sản xuất chủ yếu. Ông Thủy đặt câu hỏi: “Chúng ta có 12 triệu hộ nông dân nhưng tại sao chỉ có 4 triệu hộ thành viên hợp tác xã? Rõ ràng tổ chức này chưa thực sự hấp dẫn nông dân”.
Theo TS Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, chính vì sự “cô đơn” của người tiên phong nên những mục tiêu chính của quá trình TCC chúng ta chưa đạt được. Chẳng hạn thu nhập của nông dân, phúc lợi của người tiêu dùng (đảm bảo an toàn thực phẩm) vẫn chậm chuyển biến. Đột phá về khoa học công nghệ chưa xảy ra, dù đã có một số điểm sáng như Lâm Đồng nhưng để thành vùng chuyên canh ứng dụng công nghệ cao thì chưa. Quản lý nhà nước, cải cách thủ tục hành chính vẫn chậm, vẫn nặng bóng dáng “xin – cho”.
Cuối cùng, ông Sơn cho rằng, chậm đột phá về thể chế sẽ khiến quá trình tái cơ cấu chậm lại. Làm sao phải mở rộng quy mô hộ, thúc đẩy kinh tế hợp tác phát triển, thu hút doanh nghiệp đầu tư bằng những chính sách về đất đai, vốn; đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp tham gia đầu tư vào khoa học công nghệ để tạo ra phía đẩy là công nghệ, phía kéo là thị trường giúp nâng cao sức cạnh tranh của nông sản.