dd/mm/yyyy

Đà Nẵng hướng đến nền nông nghiệp sạch và an toàn

Thời gian qua, trên địa bàn TP.Đà Nẵng nói chung và huyện Hòa Vang nói riêng đã và đang hình thành một số mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, phát triển sản phẩm chủ lực, đặc trưng gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Phát triển sản xuất sạch

Ông Nguyễn Phú Ban - Giám đốc Sở NNPTNT TP.Đà Nẵng chia sẻ: “Đà Nẵng là đô thị lớn, trung tâm của khu vực miền Trung và cả nước, thời gian qua, cùng với mục tiêu thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), sản xuất nông nghiệp của Đà Nẵng đã đạt tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch tích cực theo hướng năng suất, chất lượng và hiệu quả. Bước đầu đã hình thành một số mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, phát triển sản phẩm chủ lực, đặc trưng gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Việc đưa cơ giới, máy móc hiện đại vào sản xuất giúp cho doanh nghiệp và nông dân tiết kiệm được chi phí, thu nhập tăng lên. Đoàn Hồng
Việc đưa cơ giới, máy móc hiện đại vào sản xuất giúp cho doanh nghiệp và nông dân tiết kiệm được chi phí, thu nhập tăng lên. Đoàn Hồng

“Phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) là xu thế của hội nhập phát triển, là giải pháp công nghệ hiệu quả tạo ra những đột phá mới trong sản xuất nông nghiệp, tạo cơ sở chuyển nhanh nền nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đối với TP.Đà Nẵng, trong điều kiện hạn chế về quy mô diện tích đất nông nghiệp và định hướng phát triển nông nghiệp đô thị thì phát triển NNCNC, nông nghiệp sạch là hướng đi tất yếu đảm bảo hiệu quả kinh tế cao và bền vững” – ông Ban nhấn mạnh.

Theo ông Ban, cùng với các chính sách của Trung ương, HĐND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết số 104/2017/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch trên địa bàn.

Hiện, Đà Nẵng đã phê duyệt danh mục 7 vùng thu hút đầu tư NNCNC, diện tích quy hoạch hơn 500 ha, các lĩnh vực kêu gọi đầu tư gồm: Trồng rau, hoa, nấm, cây dược liệu, chăn nuôi khép kín ứng dụng CNC, nuôi trồng thủy sản. Bước đầu đã có 7 nhà đầu tư đang tiếp cận xúc tiến triển khai các dự án đầu tư.

Đối với khu NNCNC đã hoàn thành xong công tác quy hoạch, chọn địa điểm, hiện đang triển khai lập đề án trình phê duyệt và thành lập khu NNCNC diện tích 117 ha, tại Hòa Ninh, huyện Hòa Vang.

Gắn với chuỗi giá trị

Ông Ban cho biết thêm, hiện nay Đà Nẵng đã xuất hiện nhiều mô hình điểm thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Tiêu biểu phải kể đến Trang trại sản xuất rau ăn lá, ăn quả an toàn Tâm An Farm được Trung tâm Khuyến ngư nông lâm hỗ trợ hệ thống tưới nhỏ giọt trên diện tích 1,5 ha và đã tự đầu tư lắp đặt mới thêm 1,5 ha; Mô hình trồng rau ăn quả ứng dụng CNC của Công ty TNHH Gia Khang Phát tại Phú Sơn Nam - Hòa Khương trồng rau theo hướng công nghệ cao với quy mô 1.000 m2...và còn nhiều mô hình khác.

Mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ cũng được ngành nông nghiệp và Hội Nông dân thành phố phối hợp thực hiện trong nhiều năm. Qua gần 5 năm triển khai, đến nay đã hình thành được trên 140 ha tại 6 vùng sản xuất theo quy trình sản xuất hữu cơ thực hiện theo nguyên tắc 3 không “không thuốc diệt cỏ, không phân hóa học, không thuốc BVTV” tại. Hiện đã có 20 ha diện tích sản xuất lúa hướng hữu cơ tại xã Hòa Tiến (Hòa Vang) được chứng nhận VietGAP…

Tuy phát triển NNCNC, nông nghiệp sạch trên địa bàn TP.Đà Nẵng đã đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng vẫn còn một số bất cập như quá trình tích tụ ruộng đất gặp khó khăn, quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ vẫn phổ biến nên việc thay đổi phương thức sản xuất cũng như nhận thức của người dân về sản xuất NNCNC còn nhiều hạn chế.

Nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở TP.Đà Nẵng được hình thành và bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Đoàn Hồng
Nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở TP.Đà Nẵng được hình thành và bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Đoàn Hồng

Một số vùng sản xuất chuyên canh, sản xuất NNCNC mặc dù đã được quy hoạch những vẫn chưa xác định được ranh giới cụ thể dẫn đến tính bền vững không cao, gây khó khăn cho các hộ nông dân và doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, sản xuất, cũng như các nhà đầu tư mong muốn đầu tư vào NNCNC.

Sản xuất NNCNC đòi hỏi vốn đầu tư lớn và là lĩnh vực có nhiều rủi ro nên việc thu hút đầu tư còn hạn chế. Đến nay, trên địa bàn thành phố vẫn chưa có doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn của Bộ NNPTNT.

“Thời gian tới, ngành nông nghiệp Đà Nẵng sẽ tập trung khai thác và tận dụng tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp hữu cơ, NNCNC, phát triển các vùng chuyên canh tập trung, vùng sản xuất NNCNC, kết nối sản xuất với chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm gắn với chuỗi giá trị sản phẩm” – ông Ban nói.

Bên cạnh đó, TP.Đã Nẵng sẽ tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và gắn liền với xây dựng NTM. Tổ chức sản xuất nông nghiệp phù hợp về quy mô và điều kiện của từng địa phương gắn với phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng và chương trình OCOP.

Đoàn Hồng – Trần Hậu