dd/mm/yyyy

Cởi trói hạn điền mới tạo đột phá đầu tư vào nông nghiệp

“Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ngày càng cần quy mô đất đai lớn, nhưng lại vướng ở hạn điền nên không thể mở rộng được sản xuất”. Đó là chia sẻ của ông Hồ Xuân Hùng – nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT trong cuộc trao đổi với TTV mới đây.

Thưa ông, những quy định về triển khai Luật đất đai đã có sửa đổi năm 2017. Theo ông như vậy đã tạo ra được đột phá và “cởi trói” cho người dân chưa?

Đúng là năm 2017 đã có những sửa đổi nhất định về triển khai Luật đất đai nhưng theo tôi thì chưa thể “cởi trói” được. Đây cũng chính là vấn đề Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã phát biểu vào sáng 29.12.2017 tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các Bộ ngành, địa phương.

Ông Hồ Xuân Hùng.
Ông Hồ Xuân Hùng.

Chính phủ vừa qua cũng đã đồng ý thí điểm 2 mô hình ở Thái Bình và Hà Nam về hạn điền và cho thấy hiệu quả rất tốt. Nếu theo luật hiện hành, quy mô 30 – 50ha thì giới hạn quá thấp. Bởi thực tế, không ít doanh nghiệp phải mất rất nhiều thời gian và tiền bạc mới có thể có được đủ diện tích đất để đầu tư sản xuất. Trong khi đó, có nhiều doanh nghiệp quy mô rất lớn, trước chỉ đầu tư nhỏ nhưng giờ đã đầu tư vốn lớn để sản xuất quy mô nông nghiệp công nghệ cao nên cần có diện tích đất đai thật rộng. Ngay như ông Út Huy (Võ Quan Huy) nổi tiếng trồng chuối ở Long An cũng phải đứng ra cầm sổ đỏ của nhiều người mới có được diện tích đất tạm đủ cho canh tác vì vẫn vướng vào các quy định của luật.

Thưa ông, Luật đất đai vẫn có những quy định gì vướng nhất hiện nay?

Theo tôi, mấu chốt là ở chỗ cần phải làm rõ việc tích tụ và tập trung. Tích tụ là chuyển quyền sử dụng đất từ nhiều người sang một người. Còn tập trung thì quyền sử dụng vẫn là của nhiều người chuyển cho một người sử dụng. Thực chất, mua lại đất đai, mua quyền sử dụng là tích tụ còn cùng chung nhau làm ăn hoặc góp vốn thì là hình thức tập trung đất đai. Tôi cho rằng, trước nhu cầu phát triển của nông nghiệp với quy mô lớn, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao như Vingroup, Vinamilk, TH True milk… thì phải nới hạn điền hơn nữa, đồng thời kéo dài thời gian sử dụng đất thì mới tạo động lực cho nông nghiệp “cất cánh” được. Còn cứ để hạn điền thì sẽ còn tiếp tục nhỏ lẻ, manh mún.

Phải cởi trói hạn điền mới thu hút được thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp (Ảnh, nông nghiệp công nghệ cao của TH. True Milk)
Phải cởi trói hạn điền mới thu hút được thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp (Ảnh, nông nghiệp công nghệ cao của TH. True Milk)

Bản chất của hạn điền là tạo ra sự công bằng cho nông dân, không phải làm thuê. Theo ông khi bỏ hạn điền thì nông dân về lâu dài có bị thiệt thòi hay không?

Ngày 29.12.2017, tại Hội nghị Trực tuyến của Chính phủ với các Bộ ngành và địa phương, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, năm 2017 đã có 1.955 doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực nông lâm thủy sản, tăng 3,8% so với năm 2016, nâng số doanh nghiệp hoạt động trong ngành lên khoảng 5.661. Ông Cường cũng đề nghị năm 2018, cần tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đồng thời sửa văn bản pháp luật liên quan để cởi những “nút thắt” về đất đai, cụ thể là Luật Đất đai.

Việc vẫn giữ hạn điền chính là do những suy nghĩ “cổ hủ” đó. Quan điểm “Người cày có ruộng” là từ trước đây khi cướp chính quyền, Bác Hồ đưa ra khẩu hiệu đó. Còn hiện nay có rất nhiều “người cày” có ruộng không cày mà rất nhiều người không có ruộng cũng “cày”. Ngoài ra, bây giờ khái niệm làm thuê cũng đã khác, cứ quy vào việc phải đi làm thuê ngay trên mảnh đất của mình thì sao xã hội phát triển được. Xã hội đã phân công lao động, anh có đất, tôi có vốn, có phương án sản xuất kinh doanh thì cùng nhau góp công, góp sức, góp tài sản vào để sản xuất ở quy mô lớn hơn, sản theo hướng hàng hóa đảm bảo đầu ra ổn định hơn…

Thực tế, để tích tụ hoặc tập trung đất đai sản xuất quy mô lớn hiện nay cũng vẫn còn nhiều vướng mắc nên nhiều nơi cả nông dân và doanh nghiệp chưa “mặn mà” để đi tới “bắt tay” nhau, thưa ông?

Đúng là khi góp vốn bằng đất vào cùng với doanh nghiệp sản xuất thì sẽ hình thành lên mô hình công ty cổ phần. Khi doanh nghiệp làm ăn hiệu quả thì không vấn đề gì, nhưng khi xảy ra thua lỗ thì tài sản góp vốn sẽ thế nào. Thực chất, khi lỗ vốn thì đất vẫn còn đó nhưng vấn đề pháp lý cần giải quyết như thế nào, trường hợp doanh nghiệp “cắm sổ” ở ngân hàng thì nông dân vẫn là bên yếu thế có được lấy lại đất hay không... chính là những băn khoăn khiến cho việc tích tụ, tập trung đất đai bị hạn chế.

Mặt khác, doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp đã quyết tâm làm ăn “bài bản”, đầu tư vốn, giống, vật tư, đào tạo kỹ thuật cho nông dân. Nhưng đến khi thu mua sản phẩm, thấy giá thị trường tăng cao thì nhiều doanh nghiệp lại bán ra thị trường cho doanh nghiệp khác, không tuân thủ hợp đồng. Còn doanh nghiệp khác chẳng đầu tư gì cũng nhảy ùa vào tranh mua nguyên liệu. Ở đây không chỉ có câu chuyện về mặt pháp lý mà còn là trách nhiệm, là cam kết, là lòng tin giữa nông dân và doanh nghiệp với nhau. Khi mà lòng tin không còn thì chẳng thể hợp tác được nữa. Lúc giá thị trường xuống thấp, thử hỏi ai sẽ thu mua nông sản cho nông dân?

Năm 2017, một trong đề xuất sửa đổi mà nhiều người quan tâm là sổ đỏ sẽ ghi tên tất cả các thành viên trong gia đình được Bộ TNMT đưa ra. Ông có đánh giá gì về vấn đề này?

Tôi cho rằng, không cần thiết phải như thế, ai có đóng góp thì ghi vào sổ đỏ là được. Trường hợp con cái đang học ở nước ngoài cũng phải gọi về làm sổ hay thậm chí chẳng có quyền lợi hoặc đóng góp gì cũng phải mất thời gian để đưa tên vào trong sổ đỏ hay sao. Cái này là sẽ thêm thủ tục hành chính gây phiền hà hơn cho người dân. Thực tế, Bộ TNMT cũng đã có thông tin “đính chính” và giải thích cụ thể về vấn đề này rồi. Ai có đóng góp thì ghi vào sổ, nếu không có đóng góp thì không bắt buộc phải ghi tên toàn bộ thành viên trong gia đình vào sổ đỏ.

Công nhân làm việc tại Trang trại trồng chuối của ông Út Huy.
Công nhân làm việc tại Trang trại trồng chuối của ông Út Huy.

Mặc dù rất nhiều lần phải nói tới giải pháp, nhưng theo ông để có khâu đột phá đối với các quy định về đất đai thì cần phải làm gì trong thời gian tới?

Như tôi đã nhắc ở trên, có 2 vấn đề mấu chốt, nếu chưa xóa bỏ được hạn điền thì phải nới rộng hạn điền ra. Mặt khác, thời gian sử dụng đất cũng cần được nới rộng vì đất đai vẫn ở trên đất nước mình cả, người có quyền sử dụng đất đó là người Việt cả, kể cả trường hợp người nước ngoài sử dụng thì đất cũng ở nước mình, vẫn có thể quản lý được.

Ngoài ra, cũng phải tính tới sở hữu đất đai, nếu cứ chờ sửa Luật thì chậm quá. Để đáp ứng được nhu cầu quy mô đất đai, doanh nghiệp trước khi đầu tư vào nông nghiệp vẫn cần có một quỹ đất riêng, còn lại là liên kết với nông dân và HTX. Chỉ có con đường “hợp tác” thì phát triển nông nghiệp mới bền vững, nông dân yên tâm sản xuất, không lo “được mùa, mất giá” nữa.

Phi Long